Đồng Nai: Chậm quy hoạch tài nguyên nước - Khó khăn cho công tác quản lý khai thác
Thứ tư - 16/09/2009 07:41
Đồng Nai: Chậm quy hoạch tài nguyên nước - Khó khăn cho công tác quản lý khai thác
Chất lượng nước trên địa bàn tỉnh còn khá tốt, nhưng đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm trong tương lai gần, nếu không có biện pháp kiểm soát hợp lý!". Đây là đánh giá của Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) mới đây...
* Những vướng mắc tồn tại
Từ năm 2003 đến nay, Bộ TN&MT và UBND tỉnh đã cấp phép cho 146 tổ chức, cá nhân được khai thác tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, tổng lưu lượng nước dưới đất được phép khai thác là 69,5 ngàn m3/ngày đêm và tổng lưu lượng nước mặt trên 425 ngàn m3/ngày đêm. Ngoài ra, Bộ TN-MT và UBND tỉnh cũng đã cấp phép cho 14 tổ chức và cá nhân được khai thác TNN dùng trong sinh hoạt, nước phục vụ công nghiệp, sản xuất nước uống đóng chai và nước đá với lưu lượng khai thác 112 ngàn m3/ngày đêm. Đối với nước xả vào nguồn nước mặt, Bộ TN-MT và UBND tỉnh còn cấp 72 giấy phép với lưu lượng hơn 82 ngàn m3/ngày đêm.
Để quản lý khai thác TNN đúng quy định, thời gian qua, Sở TN&MT đã tổ chức tập huấn cho hơn 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc xin, cấp phép TNN; đồng thời hướng dẫn việc thực hiện các quy định về xin cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng TNN và xả nước thải vào nguồn nước bề mặt. Tuy vậy, trong quá trình triển khai dự án nghiên cứu, đánh giá hiện trạng về việc khai thác TNN, cơ quan chức năng phát hiện nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong nguồn nước. Do đó, nếu không có các biện pháp khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, hợp lý, thì nguồn TNN ở Đồng Nai sẽ bị ô nhiễm trong thời gian không xa. Trước thực trạng nguồn TNN đang bị đe dọa, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị với các cơ quan Trung ương đề nghị hướng dẫn về việc lập quy hoạch TNN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay vấn đề lập quy hoạch; thẩm định, phê duyệt và công bố về định mức kinh tế - kỹ thuật đối với quy hoạch TNN vẫn còn bỏ ngỏ khiến công tác quản lý TNN gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc cấp phép.
Nhằm bảo vệ nguồn nước, thời gian qua, Sở TN&MT đã đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra trên lĩnh vực khai thác, sử dụng đúng mục đích TNN. Tính từ năm 2006 đến nay, đã có 211 trường hợp vi phạm các quy định về TNN bị xử phạt với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Những vi phạm trên bao gồm: khai thác nước ngầm không có giấy phép và xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập trong việc quản lý, khai thác TNN.
* Cần bảo vệ tài nguyên nước
Phó giám đốc Sở TN&MT Võ Văn Chánh cho rằng, nếu như sớm có quy hoạch, thì công tác quản lý, bảo vệ và khai thác TNN trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều thuận lợi, tỷ lệ dùng nước được đảm bảo hợp lý và tình trạng khai thác nước sai nguyên tắc chắc chắn sẽ được chấn chỉnh. Dự án nghiên cứu và xây dựng mạng quan trắc động thái nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện. Đây là cơ sở khoa học để phục vụ việc định hướng quản lý, khai thác TNN. Thế nhưng, những cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm nước, hoặc thiếu nước chưa được xã hội quan tâm nhiều. Một bất hợp lý khác, là thuế suất TNN hiện đang áp dụng quá thấp, dẫn đến tình trạng lén lút khai thác nước ngầm, hoặc thay vì sử dụng nước máy ở những nơi có điều kiện, không ít doanh nghiệp lại sử dụng nước ngầm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì có sự chênh lệch giá giữa nước thiên nhiên và nước máy quá lớn. Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính những doanh nghiệp vi phạm khai thác nguồn nước ngầm chỉ từ 300 - 500 ngàn đồng, không đủ sức răn đe những tổ chức, cá nhân làm ăn gian dối.
Theo thống kê, Đồng Nai có mật độ sông suối dồi dào, song phân phối không đều, như sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Buông, sông Ray... Riêng trữ lượng nước ngầm đạt khoảng trên 5,5 triệu m3/ngày, tập trung ở các khu vực: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch và một số vùng thung lũng gần các sông Đồng Nai, La Ngà. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ sử dụng nước toàn tỉnh chiếm khoảng 1,2 triệu m3/ngày (gần 22% trữ lượng nước ngầm). Đồng Nai hiện có trên 243 ngàn công trình khai thác nước, trong đó có hơn 87 ngàn giếng khoan ở khu dân cư và hàng trăm giếng khoan tại các khu công nghiệp, cùng hàng trăm ngàn giếng đào mà các hộ dân đang sử dụng. Theo các nhà khoa học, nếu không quản lý chặt chẽ việc khoan, đào giếng, cũng như giữ rừng để bảo vệ nguồn nước các sông, suối thì trong tương lai nguồn nước ngầm sẽ bị cạn kiệt. Đây chính là nguy cơ có khả năng dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ở những vùng cao là rất lớn.
Nguồn tin: TN – ĐN