Giá bán nước sạch tăng cao, người dân nông thôn đồng bằng sông Cửu Long quay trở lại với nguồn nước sông ô nhiễm
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tăng giá bán nước sinh hoạt nông thôn. Dù mức giá mới chỉ cao hơn giá cũ từ 1.000 – 1.500đ/m3, nhưng với người nghèo đó là một gánh nặng.
Tháng 5.2009, khi UBND tỉnh Bến Tre quyết định tăng giá bán nước sinh hoạt lên 4.700đ/m3 (tăng thêm 1.200đ/m3), nhiều gia đình ở nông thôn quay lại xài nước sông. Ông Đỗ Văn Rua ở ấp Long Thị, xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, lắc đầu nói: “Cả xóm tui mấy chục nóc gia chủ yếu làm thuê, chạy gạo ăn từng bữa. Hồi giá nước 3.500đ/m3 chúng tôi còn ráng bấm bụng xài, nay giá nước tăng lên, chúng tôi chỉ dám sử dụng nước đường ống để ăn uống, còn lại cứ múc nước sông”.
Quá sức
Ở ĐBSCL, chuyện “quay lại với dòng sông” như cư dân ấp Long Thị không phải hiếm. Sát thành phố Vĩnh Long, nhiều người dân xã Thanh Đức, huyện Long Hồ trở lại xài nước sông, hạn chế sử dụng nguồn nước cung cấp từ các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn, vì giá nước đã lên hơn 4.000đ/m3. Nhiều công nhân lò gốm đang tá túc ở các khu nhà trọ trong vùng cho biết, hai tháng nay họ chấp nhận sử dụng nước sông rạch để ăn uống, tắm giặt, vì giá nước sạch bị chủ nhà trọ đẩy lên đến 5.000 – 6.000đ/m3.
Trần Thị Thu, công nhân lò gốm, than vãn: “Lúc này nghề làm gốm đang ế ẩm mỗi ngày hai vợ chồng kiếm chưa được 60.000đ. Hai vợ chồng và hai đứa con chạy ăn hàng ngày còn chật vật, nếu xài nước sạch mỗi tháng tốn mấy chục ngàn, xót ruột”.
Tại Long An, khi giá nước sạch tăng lên 4.300đ/m3, nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười đã sắm thêm lu, khạp tranh thủ hứng nước mưa. Ở Tiền Giang, khi dự án cấp nước trị giá hơn 74 tỉ đồng được triển khai để phục vụ gần 10.000 hộ dân ở năm xã trên cù lao Lợi Quan, thuộc huyện Tân Phú Đông, người dân vùng cù lao rất mừng. Tuy nhiên, khi giá nước được ấn định 4.500đ/m3, nhiều người phải sử dụng nước sông ô nhiễm để tắm giặt.
Báo cáo nhiều, thực tế không bao nhiêu
Đến hết quý 3.2009 nhiều địa phương ở ĐBSCL công bố tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nguồn nước sạch lên đến 80 – 90%. Đơn cử như ở Bến Tre, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch là 83%, toàn tỉnh có hơn 11.000 gia đình ở nông thôn được cấp dụng cụ trữ nước sạch. Ở Tiền Giang, chi cục Thuỷ lợi cho biết toàn tỉnh có gần 600 trạm cấp nước nông thôn với 92% dân được sử dụng nước sạch. Trong khi đó ở Vĩnh Long có 98 trạm cấp nước nông thôn với 27.500 hộ dân sử dụng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều gia đình ở nông thôn dù được gắn đồng hồ đưa nước sạch vào tận nhà, nhưng mức độ sử dụng nguồn nước này rất thấp, thậm chí không thèm sử dụng. Tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Chấp Kinh, giám đốc trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết toàn tỉnh có hơn 300 trạm cấp nước nhưng không có trạm nào hoạt động hết công suất thiết kế. Trong khi đó tại Vĩnh Long, chỉ có 1/3 trạm nước sạch hoạt động đạt công suất thiết kế, số trạm còn lại nguồn nước thừa mứa nhưng dân không xài. Còn tại Tiền Giang số trạm cấp nước hoạt động hết công suất cũng không nhiều. Ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng chi cục Thuỷ lợi Tiền Giang, nói giá bán nước sạch từ 4.000đ/m3 trở lên là khá cao so với thu nhập của cư dân nông thôn.
Theo các nhà khoa học thuỷ lợi, hàng năm ĐBSCL nhận hàng tỉ mét khối nước từ sông Tiền, sông Hậu, nhưng trong năm năm gần đây tình trạng thiếu nước sạch diễn ra ngày càng gay gắt do ô nhiễm. Kết quả khảo sát nguồn nước mặt trên các dòng sông của ngành y tế các tỉnh ĐBSCL cho thấy, nồng độ chất rắn lơ lửng, vi sinh và nhiều chất độc hại đã vượt ngưỡng cho phép hơn 14 lần; dư lượng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật rất cao, từ 0,11mg đến 0,19mg/lít, nên không thể sử dụng cho nhu cầu ăn uống, tắm giặt. Do đó, dù tài nguyên nước trù phú nhưng hàng năm các địa phương trong khu vực phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để xây dựng hệ thống trạm cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân vùng nông thôn.