Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ đã xuất hiện nắng nóng cục bộ. Nhiệt độ cao nhất ngày 10-4 phổ biến 32-34oC, một số nơi có nhiệt độ cao như Mường Tè (Lai Châu) 36,1oC; Mường Lay (Điện Biên) 37,3oC; Tương Dương (Nghệ An) 37,6oC; Tuyên Hóa (Quảng Bình) 36,5oC; Nam Đông (Huế) 36,4oC. Hôm nay (11-4), ở khu vực tây Bắc Bộ tiếp tục có nắng nóng, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ nắng nóng xảy ra ở khu vực vùng núi phía tây, nhiệt độ cao nhất 34-36oC, một số nơi hơn 38oC.
Hiện nay, hệ thống sông trên cả nước toàn quốc, đặc biệt là lưu vực sông Hồng đang trong tình trạng khô cạn nghiêm trọng và kéo dài chưa từng có trong lịch sử. Tổng lượng mưa từ tháng 8-2009 đến tháng 2-2010 thiếu hụt 70-90% so trung bình nhiều năm, có nơi hoàn toàn không mưa. Hiện tượng En Ni-nô sẽ kéo dài đến tháng 5, tình trạng nhiệt độ cao, thiếu nước và khô hạn diễn biến phức tạp và căng thẳng ở vùng Đông Bắc, vùng núi phía bắc và trung du Bắc Bộ.
Tại các tỉnh Bắc Bộ, mùa mưa bão trong năm nay được dự báo sẽ rất khốc liệt. Sẽ có nhiều đợt nắng nóng bất thường, lũ nhiều hơn với cường độ mạnh, nhất là tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Sẽ có khoảng 11 cơn bão với cường độ dự báo cũng sẽ mạnh hơn do ảnh hưởng của hiện tượng En Ni-nô. Mùa mưa tại các tỉnh phía bắc sẽ bắt đầu từ tháng 6, kéo dài đến tháng 8. Các tỉnh phía bắc cần theo dõi diễn biến thủy văn, thời tiết để bố trí lịch thời vụ phù hợp, nhất là vụ lúa mùa.
Tại tỉnh Đác Lắc, khô hạn nặng đã làm gần 700 ha lúa nước có khả năng mất trắng, hơn 2.500 ha cà-phê khô héo. Đến đầu tháng 4, hạn hán đã xảy ra ở các huyện Krông Ana, Krông Pách, Krông Bông, Krông Búc, Krông Năng, Ea H'leo và M'Đrắc, làm 1.716/29.168 ha lúa đông xuân, 2.500/171.000 ha cà-phê bị khô hạn. Hàng nghìn hộ dân trồng cà-phê đang phải mua máy bơm, khoan, đào thêm giếng tìm nguồn nước tưới chống hạn.
Hiện nay, người dân ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước (Long An) đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, phải mua nước với giá 45-50 nghìn đồng/m3. Tuy nhiên, nguồn nước này không thể nấu ăn, chỉ sử dụng tắm giặt. Tại nhiều nơi, người dân không thể khoan nước giếng được, chủ yếu dự trữ nước mưa. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thăm dò địa chất để khoan giếng nhằm cung ứng nước ngọt cho nhân dân và trước mắt, hỗ trợ người dân một phần kinh phí vận chuyển nước ngọt.
Tỉnh Bến Tre hiện có 22.200 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nước biển với độ mặn 4%o xâm nhập 60km, độ mặn 1,6%o đã bao phủ toàn tỉnh. Tại huyện Bình Đại, nguồn nước ngọt khai thác tầng nông dần cạn kiệt, không đủ cấp cho các nhà máy. Huyện Thạnh Phú, có 7/8 nhà máy nước nông thôn, nhưng nguồn nước cấp cho các nhà máy này cũng đã nhiễm mặn 2-5%o. UBND tỉnh đang xem xét phương án chở nước ngọt cung cấp cho nhân dân vùng ven biển đến hết mùa khô năm nay.