Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thành Liêm: "Nếu không có biện pháp ngay từ bây giờ, sông Tiền, sông Hậu và nhiều dòng sông ở ĐBSCL sẽ... chết như sông Thị Vải!"
Trước khi bước vào kỳ họp HĐND giữa năm, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thành Liêm đã tham gia cùng các đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri và ghi nhận nhiều ý kiến bức xúc về hiện trạng môi trường. Chia sẻ cùng báo Tài nguyên & Môi trường, ông Liêm nói: Bà con phản ứng gay gắt. Nhiều ý kiến đề nghị "dẹp" ngay những cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm. Thực trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn rất nặng nề.
Bảo vệ môi trường (BVMT) là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhưng nhận thức, ý thức BVMT của các ngành, các cấp chưa đúng tầm, nặng lo về kinh tế hơn là BVMT. Hiểu biết về Luật Môi trường còn hạn chế. Đầu tư xử lý và BVMT rất tốn kém. Các cơ sở, doanh nghiệp và người dân chưa quam tâm nhiều về BVMT, chủ yếu là đối phó. Làm giàu là đúng, cần thiết nhưng cũng phải lo BVMT - điều này là văn hóa, đạo đức nghề nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
PV: Mỗi cơ sở, doanh nghiệp, nhà đầu tư khi lập dự án đều có cam kết, báo cáo tác động môi trường, khi triển khai họ có thực hiện các cam kết không, thưa ông ?
Ông Nguyễn Thành Liêm (N.T.Liêm): Họ có làm nhưng qui trình, công nghệ thiết bị, cở sở hạ tầng để xử lý theo qui chuẩn kỹ thuật quốc gia tiêu chuẩn BVMT chưa tương xứng với qui mô. Đô thị hóa, công nghiệp hóa nhưng cơ sở hạ tầng để phục vụ dân sinh, giao thông, điện, nước và các điều kiện để BVMT không đồng bộ. Các khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ thương mại, tàu thuyền, nuôi cá lồng bè... tất cả nước thải, chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt đều đổ ra sông. Sản xuất nông nghiệp mỗi năm tiêu thụ bao nhiêu phân bón, bao nhiêu thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, chai, lọ, bao bì... đều tuồn ra sông mà không qua xử lý. Nếu không có biện pháp ngay từ bây giờ, trong tương lai sông Tiền, sông Hậu và nhiều dòng sông ở ĐBSCL cũng sẽ... chết như sông Thị Vải !
PV: Hiện trạng ô nhiễm môi trường có yếu tố lịch sử. Ông nghĩ sao?
Ông N.T.Liêm: Nhìn lại thời gian qua, theo tôi chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc BVMT. Chưa đầu tư đồng bộ, chỉ nặng phát triển lo chỉ tiêu tăng trưởng chưa đầu tư về cơ sở hạ tầng, hoặc có đầu tư nhưng chưa cân đối. Hầu hết các đô thị đều quá tải về môi trường, tầm nhìn và các yếu tố về môi trường trong quy hoạch phát triển còn hạn chế - ở Vĩnh Long cũng vậy. Quản lý đô thị thiếu chặt chẽ nên không ít trường hợp lấn sông, rạch, diện tích ao, mương, ngày càng hẹp dần, làm sao thoát nước kịp khi nước thủy triều dâng lên trùng hợp với mưa lớn.
Bây giờ khắc phục rất tốn kém. Những con kênh, rạch bị ô nhiễm cần nhiều thời gian và kinh phí mới khắc phục được. Tất nhiên, tốn kém thì cũng phải khắc phục, nếu không đầu tư xử lý sẽ không có nước sạch sinh hoạt, sản xuất, phục vụ cho đời sống hàng ngày. Nhưng nếu đầu tư ngay từ ban đầu, xử lý trước khi bị ô nhiễm thì sẽ có hiệu quả nhiều về kinh tế và xã hội.
PV: Vĩnh Long mới lên thành phố, nếu có lộ trình BVMT tốt ngay từ bây giờ sẽ dễ đi vào nề nếp - ông thấy thế nào?
Ông N.T.Liêm: Đúng! Các bệnh viện, trường học, chợ, từng cụm dân cư... đều phải có chuẩn về BVMT. Nhưng quan trọng là phải có đầu tư, đòi hỏi ý thức, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và từng cá nhân đối với vấn đề BVMT.
Thành phố này được cải tạo nâng cấp, cơ sở hạ tầng đầu tư theo qui mô cũ, mở rộng diện tích xung quanh đây không bao nhiêu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, bệnh viện, chợ, nhà hàng, khách sạn, dân cư... thải nước, rác thải ra môi trường không qua xử lý rất nhiều. Nhưng hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải chưa có, dự án nhà máy xử lý rác triển khai 2 năm cũng chưa tới đâu. Ý thức BVMT cũng còn rất hạn chế. Ngay như các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng các công trình giao thông cũng không quan tâm về môi trường, tiếng ồn xe cộ, bụi, cát đá vận chuyển rơi vãi gây bức xúc cho dân...
PV: Trở lại vấn đề bà con cử tri đề nghị "dẹp" những cơ sở gây ô nhiễm, theo chúng tôi điều đó chính đáng và đúng Luật…
Ông N.T.Liêm: Nhưng thực tế rất nhiều vấn đề phải cân nhắc. Những cơ sở này đầu tư xây dựng hàng tỉ đồng, hầu hết đều từ nguồn vốn vay. Bây giờ "dẹp" ngay thì vốn liếng, tài sản của họ sẽ ra sao? Đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân thế nào? Trong khi Nhà nước đang chủ trương khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng chăn nuôi, công nghiệp chế biến. Không đơn giản !
PV: Khó. Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ thỏa hiệp, chấp nhận ô nhiễm?
Ông N.T.Liêm: Đương nhiên là không! Tôi có chỉ đạo Chi cục BVMT, phải đi khảo sát hết các khu vực mà dân phản ảnh để đánh giá lại. Phải khảo sát, phân loại những cơ sở có cam kết, báo cáo tác động môi trường (ĐTM), đối chiếu thực tế xem họ làm đúng chưa? Hoàn thiện hệ thống xử lý và BVMT đến mức độ nào? Cơ sở nào không làm theo cam kết ĐTM thì mời họ đến nói rõ qui định của pháp luật, hướng dẫn họ nên đầu tư hệ thống xử lý nước, xử lý rác, xử lý mùi hôi (giới thiệu luôn sản phẩm xử lý mùi hôi) để họ khắc phục. Khi mình đã hướng dẫn mà họ không khắc phục thì xử phạt theo qui định hiện hành, tùy theo lỗi vi phạm mà xử lý theo Nghị định 117, khi xử lý rồi nhưng vẫn cố tình vi phạm, thì tùy theo quy định của luật mà tham mưu xử lý, thậm chí tạm đình chỉ ngừng hoạt động.
Cần phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nhưng tuyên truyền, hướng dẫn mà người ta cố tình vi phạm, không thực hiện thì phải đóng cửa.
PV: Theo ông, hành lang pháp lý về BVMT hiện nay còn bất cập ?
Ông N.T.Liêm: Cần phải tiếp tục hoàn thiện, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung theo xu thế phát triển. Nhưng với hành lang pháp lý hiện có, cứ tổ chức thực hiện triệt để, ý thức chấp hành cao thì... cũng tốt lắm rồi !
PV: Xin cảm ơn ông !