Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hải Dương đã có báo cáo gửi Bộ TN&MT về tình hình khai thác, sử dụng nước trên địa bàn.
Theo báo cáo, số lượng công trình khai thác, sử dụng nước mặt đã được cấp phép từ 2006 đến nay là 95 công trình. Số lượng công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất đã cấp phép đến nay là 125 công trình. Đồng thời, tổng lượng nước khai thác, sử dụng đã được cấp phép là 408.767 m3/ngày đêm; trong đó nước mặt là 374.154 m3/ngày đêm, nước dưới đất là 34.613 m3/ngày đêm.
Về chất lượng nước hệ thống các sông tự nhiên trên địa bàn, diễn biến chất lượng nước sông Thái Bình, các phân lưu của sông Thái Bình và sông Luộc trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy, chất lượng nước sông có thời điểm các thông số NO2-N, TSS vượt quy chuẩn cho phép nhưng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, chất lượng nước sông vẫn đáp ứng cho các mục đích tưới tiêu, cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp quản lý, xử lý phù hợp.
Đặc biệt, chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải chảy qua địa bàn tỉnh Hải Dương đã và đang có dấu hiệu ô nhiễm, mặc dù tình trạng ô nhiễm không cao nhưng không đảm bảo cho việc cấp nước sinh hoạt, khó kiểm soát về chất lượng vì chịu ảnh hưởng và phụ thuộc nhiều chất lượng nước từ thượng nguồn chảy về. Tuy nhiên, chất lượng nước sông vẫn đảm bảo cho các mục đích tưới tiêu và mục đích tương đương khác.
Việc quản lý nhà nước về tài nguyên nước, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND của UBDN tỉnh về việc đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Về hoạt động điều tra cơ bản nước dưới đất, Sở TN&MT đã tiến hành điều tra, tìm kiếm trên phạm vi diện tích khoảng 842 km2, bao gồm các khu vực: tuyến Phả Lại – Sao Đỏ (116 km2), khu vực Nam Sách – Thành phố Hải Dương (138 km2), khu vực phía Tây huyện Cẩm Giàng thuộc địa phận các xã Ngọc Liên và Cẩm Hưng (150 km2); các khu vực Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện và Ninh Giang (438 km2); kết quả tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất đã phát hiện 6 phân vị địa tầng nước. Theo đó, đã cơ bản xác định được diện phân bố, thế nằm, khả năng tàng trữ, lưu thông nước, trữ lượng và chất lượng nước của các tầng chứa nước.
Đối với nước mặt, Sở đã hoàn thành quy hoạch tài nguyên nước toàn tỉnh giai đoạn 2007-2020, trong nội dung quy hoạch đã sơ bộ xây dựng được phương án phân bổ nguồn nước trên địa bàn toàn tỉnh cho các lưu vực sông. Trên một số tuyến sông lớn như sông Thái Bình, sông Kinh Thầy và sông Gùa… đã có trạm quan trắc về mực nước.
Cùng với đó, Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ “Lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ tỉnh Hải Dương” theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1760/QĐ-UBND ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt đề cương và dự toán nhiệm vụ “Lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ tỉnh Hải Dương”.
Về tổng số quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước UBND tỉnh ban hành là 60 quyết định với tổng số tiền là 6.834.001.928 đồng; tổng số quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước Bộ TN&MT ban hành trên địa bàn tỉnh là 03 quyết định với tổng số tiền là 172.605.349.000 đồng.
Trong thời gian qua, Sở TN&MT đã thực hiện 62 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với 228 tổ chức và cá nhân; tiền hành xử phạt 14 tổ chức, cá nhân với tổng só tiền xử phạt là 1.280.000.000 đồng.