Tham dự cuộc họp có Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh - Phó Chủ tịch Hội đồng; cùng các thành viên Hội đồng là đại diện các Bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại điện Lãnh đạo UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu; cùng đại điện một số cơ quan, chuyên gia tài nguyên nước.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, đơn vị lập Quy hoạch cho biết, lưu vực sông Cửu Long (LVSCL) có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với tiềm năng nông nghiệp lớn, trong nhiều năm qua, LVSCL luôn đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa gạo, 70% lượng trái cây của cả nước, và đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Nguồn nước LVSCL được đánh giá là dồi dào với tổng lượng tài nguyên nước hàng năm khoảng 474 tỷ m3 , trong đó lượng nước nội sinh từ mưa trên LVSCL khoảng 30 tỷ m3 và lượng nước từ thượng lưu chảy về LVSCL khoảng 441 tỷ m3.
Hiện nay, LVSCL đã và đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như nước biển dâng (NBD), hạn hán, gia tăng xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất, các tác động do khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng lưu Mê Công…
Từ thực trạng và những thách thức nêu trên, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng nhằm quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, khôi phục nguồn nước suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu gồm: Kết luận số 36/KL-TW của Bộ Chính trị ngày 23 tháng 6 năm 2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, việc lập và phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết góp phần giải quyết những thách thức nêu trên và hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bảo đảm an ninh tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu trên lưu vực sông, điều hòa, phân bổ nguồn nước một cách phù hợp, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước, nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; phục hồi các nguồn nước, cảnh quan môi trường các dòng sông bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia báo cáo tại cuộc họp
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm hài hòa lợi ích cho các địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước, đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt và các ngành sản xuất công nghiệp; Bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chức năng nguồn nước, nguồn sinh thủy, sự lưu thông dòng chảy, các hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị đa dạng sinh học; Bảo đảm lưu thông dòng chảy, phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, phòng, chống sụt, lún do khai thác nước dưới đất.
Đồng thời, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng, ưu tiên đối với các khu vực trọng điểm phát triểm kinh tế - xã hội; Quản lý, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu giám sát thực hiện quy hoạch, một số chỉ số an ninh tài nguyên nước của lưu vực sông phù hợp.
Phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cơ bản như: 100% các nguồn nước sông liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải; 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học không được san lấp được công bố; 70% nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ được cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 20% từ các đô thị từ loại V trở lên được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
Tầm nhìn đến năm 2050 của Quy hoạch là duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm an ninh tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia; Tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tối đa tác hại do nước gây ra. Hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh; Bổ sung và nâng cao một số chỉ tiêu của quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước phù hợp với giai đoạn phát triển của quốc gia, ngang bằng với các quốc gia phát triển trong khu vực; bảo đảm an ninh tài nguyên nước, nâng cao giá trị của nước phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.
Trên cơ sở đó, phạm vi của Quy hoạch bao gồm diện tích 13 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Long An, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, với diện tích 39.945 km2 (không tính diện tích các đảo). Đối tượng lập quy hoạch là nguồn nước mặt, nước dưới đất trên lưu vực sông Cửu Long.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Quy hoạch sẽ triển khai thực hiện các nhóm nội dung chính như sau: - Đánh giá số lượng, chất lượng của nguồn nước và dự báo xu thế biến động dòng chảy, mực nước của các tầng chứa nước; Đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Dự báo nhu cầu sử dụng nước; Phân vùng chức năng của nguồn nước; Xác định tỷ lệ phân bổ tài nguyên nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước; Xác định nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước; Xác định thứ tự ưu tiên và tỷ lệ phân bổ trường hợp hạn hán, thiếu nước; Xác định yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước đối với các hoạt động khai thác, sử dụng nước và các hệ sinh thái thủy sinh; Xác định các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; đánh giá diễn biến chất lượng nước, phân vùng chất lượng nước; Xác định khu vực bờ sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt, lở; Xác định khu vực bị sụt, lún đất hoặc có nguy cơ bị sụt, lún đất do thăm dò, khai thác NDĐ; tình hình, diễn biến, xác định nguyên nhân sụt, lún đất; Xác định các giải pháp thực hiện phân bổ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; ….
Sản phẩm quy hoạch bao gồm: Báo cáo tổng hợp Quy hoạch; Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; Bản đồ tổng hợp hiện trạng tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000; Bản đồ quy hoạch tổng hợp lưu vực sông tỷ lệ 1:100.000; Cơ sở dữ liệu về quy hoạch và bộ mô hình số lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; Dự thảo tờ trình, dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; Danh mục công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước.
Ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại cuộc họp
Góp ý tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đã phát biểu, góp ý chi tiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ sản phẩm của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng cũng nhất trí thông qua Quy hoạch sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên hội đồng trước khi trình phê duyệt.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến, Ủy viên phản biện 1 đánh giá, về cơ bản các nội dung của Quy hoạch đã bám sát quy định về lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; quy định nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng hợp LVS Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nh́ìn đến năm 2050 được duyệt tại Quyết định số 3355/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2019 và các quyết định điều chỉnh. Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng đã xem xét, cập nhật các chủ trương, định dướng của Đảng, Nhà nước có liên quan.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến, Ủy viên phản biện 1 phát biểu tại cuộc họp
Để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến đề nghị: Thứ nhất, về quan điểm, mục tiêu lập quy hoạch cần bổ sung nội dung về chủ động tích trữ, điều hoà nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả; bổ sung luận chứng lựa chọn mục tiêu quy hoạch, đặc biệt là bảng thuyết minh hiện trạng, các văn bản, quy định để làm căn cứ xác định chỉ tiêu trong mục tiêu. Thứ hai, về nội dung quy hoạch, cần bổ sung cụ thể các chỉ số về quy hoạch để đảm bảo quy hoạch có giá trị pháp lý trong công tác quản lý, điều hòa, bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch để phù hợp với nội dung quy hoạch;...
PGS. TS. Nguyễn Tiền Giang, Ủy viên phản biện 2 nhận xét, nội dung lập quy hoạch là phù hợp, có tính khoa học và độ tin cậy nhất định, xét trong bối cảnh thời gian và tính phức tạp của vùng cần lập quy hoạch. Phương pháp xác định lượng nước có thể khai thác, sử dụng là một điểm mới, tương đối logic và có cơ sở lý luận. Báo cáo tổng hợp của Quy hoạch được thực hiện công phu, bài bản, có một số tính mới, dữ liệu được cập nhật khá đầy đủ. Để hoàn thiện Quy hoạch, PGS. TS. Nguyễn Tiền Giang cũng đã có những ý kiến góp ý cụ thể về tiêu chí phân loại nước ngọt, lợ, mặn trong Quy hoạch; tính toán lượng nước trữ trong các sông, kênh; nhu cầu khai thác, sử dụng nước gắn với Quy hoạch vùng...
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị làm rõ tính khả thi của mục tiêu, cập nhật số liệu mới đối với các khu vực sạt lở, rà soát lại các kết quả tính toán về lượng nước mặt nội sinh, làm rõ phương pháp tính toán, ý nghĩa và các thành phần tạo nên nước mặt nội sinh ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Về phân vùng chức năng nguồn nước, cần bổ sung thêm phân tích về hiện trạng khai thác sử dụng nước, hiện trạng xả thải, cũng như các quy hoạch phát triển về khai thác sử dụng nước và xả thải trên các đoạn sông để làm căn cứ phân vùng chức năng nguồn nước cho các đoạn sông;….
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ phát biểu tại cuộc họp
Bên cạnh đó, các đại diện UBND các tỉnh cũng đề nghị làm rõ hơn các kế hoạch, định hướng của từng vùng.
Kết luận cuộc họp, thay mặt Chủ tịch Hội đồng, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh - Phó Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý chi tiết, mang tính chất xây dựng cho bản Quy hoạch của các thành viên Hội đồng tại cuộc họp.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh - Phó Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận cuộc họp
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng Châu Trần Vĩnh đề nghị đơn vị thực hiện nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tiếp tục hoàn thiện bản Quy hoạch. Đồng thời, trong dự thảo Quy hoạch cần làm rõ, nổi bật, bám sát các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước liên quan đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Báo cáo nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công; Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; và các văn bản liên quan khác làm cơ sở để xác định quan điểm, mục tiêu, nội dung, phương pháp lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả.