Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhiều lần người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã có ý kiến về chất lượng nước của nhà máy cấp nước sạch tập trung thị trấn Lương Bằng (Kim Động).
Các ý kiến phản ánh cho biết, nước sau xử lý của nhà máy tại một số thời điểm có màu vàng đục, có mùi hôi ảnh hưởng tới việc sử dụng nước cho sinh hoạt.
Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra đã có kết luận. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là do chất lượng nước mặt của sông Cửu An (nguồn cung cấp nước cho nhà máy) đang bị ô nhiễm. Tại nhiều thời điểm trong năm, nhất là vào mùa khô, nước có màu đen, có mùi hôi nên đã ảnh hưởng tới hiệu quả xử lý của nhà máy nước, dẫn đến chất lượng nước cấp đầu ra của nhà máy tới các hộ dân không bảo đảm.
Cũng ở trong tình trạng tương tự như sông Cửu An, nhiều con sông, dòng chảy khác trên địa bàn tỉnh vốn là những dòng nước trong lành, xanh mát giờ cũng đang bị đổi màu, bị ô nhiễm.
Với hệ thống sông ngòi, kênh mương trải dài trên địa bàn, nên tỉnh ta được đánh giá có nguồn nước mặt dồi dào, phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu lấy nước phục vụ sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, khi nhu cầu sử dụng nước phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng, nhất là hoạt động của thủy điện trên thượng nguồn các con sông lớn khiến nguồn nước lưu thông xuống tỉnh ta giảm mạnh và không ổn định. Thêm vào đó là những tác động của biến đổi khí hậu, diện tích mặt nước bị thu hẹp. Sự suy giảm về trữ lượng đã ảnh hưởng lớn tới việc khai thác trực tiếp nguồn nước mặt, sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng là tác nhân làm tăng nguy cơ và mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt và ô nhiễm môi trường sinh thái. Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Theo các kết quả quan trắc lưu vực sông thuộc đồng bằng Bắc bộ do Cục Quản lý tài nguyên nước thực hiện từ năm 2009 đến nay cho thấy, mực nước mặt trên các sông chính ở tỉnh ta có xu hướng giảm qua các năm. Mặt khác, nhiều diện tích mặt nước do phát triển kinh tế đã bị chuyển mục đích sử dụng hoặc do không được lưu thông thường xuyên đã bị bồi lắng. Đây là những nguyên nhân chính khiến diện tích mặt nước trên địa bàn tỉnh giảm, kéo theo đó là giảm cả về trữ lượng và chất lượng nước mặt. Phần lớn nước mặt hiện nay (kể cả nước mặt tại các sông lớn như sông Hồng, sông Luộc) chỉ được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, chỉ một lượng nhỏ được khai thác cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và một số công trình cấp nước sạch”. Việc khai thác nước mặt phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt ngày càng ít được áp dụng vì sau khi khai thác đòi hỏi phải xử lý trong khi nước mặt hiện đã bị nhiễm bẩn với nhiều tạp chất khó xử lý, thậm chí có chứa cả các hóa chất, dầu mỡ, kim loại nặng...
Vào mùa khô khi lượng nước phát sinh tại chỗ thấp, lại hầu như không được tiếp nhận nước sạch từ thượng nguồn khiến dòng nước gần như không lưu thông, phần nào làm giảm khả năng hòa tan của oxi trong nước (có thời điểm và có nơi chỉ số ôxi hòa tan trong nước giảm xuống mức gần như bằng không) và như vậy về mặt vật lý đã làm giảm khả năng tự làm sạch của nước. Ngoài ra, hàng ngày nước mặt vẫn phải tiếp nhận các nguồn gây ô nhiễm đến từ nước thải, khí thải và rác thải. Những tác nhân này đã làm gia tăng thêm khả năng và mức độ ô nhiễm nước mặt.
Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Qua kết quả quan trắc, phân tích nước mặt gần đây cho thấy nhiều con sông, con kênh trên địa bàn tỉnh như: Sông Hồng, sông Luộc, sông Như Quỳnh, sông Cầu Lường, sông Cửu An, sông thuộc hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải… bị ô nhiễm, thậm chí có nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Có chỉ tiêu ô nhiễm vượt hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần tiêu chuẩn cho phép. Ngoài tác nhân gây ô nhiễm đến từ sản xuất, sinh hoạt thì việc các dòng sông, dòng kênh này ít được nạo vét, khơi thông cũng là nguyên nhân làm gia tăng mức độ ô nhiễm”.
Bảo vệ nguồn nước mặt không chỉ là bảo vệ một nguồn tài nguyên quý giá mà còn góp phần điều hòa không khí, ổn định vi khí hậu, bảo vệ sức khỏe và sức sản xuất của nền kinh tế.