Khai thác hiệu quả tài nguyên nước
Chủ nhật - 29/11/2009 05:48
Khu bể lắng lọc, xử lý nước sạch của Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Bắc Giang.
Thời gian qua, tài nguyên nước trên địa bàn từng bước được quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên trong khai thác, sử dụng tài nguyên này còn không ít vấn đề mà chính quyền, ngành chức năng cần quan tâm, có biện pháp chỉ đạo kịp thời…
Ông Dương Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết kết quả nổi bật trong quản lý hoạt động tài nguyên nước thời gian qua là ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý quan trọng trong lĩnh vực này. Đó là Quyết định số 50 của UBND tỉnh quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, Quyết định 113 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước giai đoạn 2005-2010. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân; cấp phát tài liệu, hướng dẫn các địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước hoạt động tài nguyên nước theo phân cấp. Hàng năm, Sở còn ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê các cơ sở có hoạt động tài nguyên nước, đôn đốc việc lập, hoàn tất hồ sơ, thủ tục xin cấp phép hoạt động này, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong hoạt động tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân khai thác nước, xả nước thải vào môi trường….
Bằng những biện pháp đồng bộ đó, ý thức của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước từng bước nâng lên, phần lớn đã chủ động hơn trong việc thực hiện các quy định thuộc lĩnh vực này. 10 tháng năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp 60 giấy phép cho tổ chức, cá nhân, nâng tổng số cơ sở được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này lên 125 đơn vị. Trong đó, có 63 cơ sở khai thác nước còn lại là xả nước thải và đơn vị hành nghề khoan. Tuy nhiên, trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước còn không ít vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là tình trạng khai thác nước ngầm, nước mặt tràn lan. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, trên địa bàn có 70 nghìn giếng khoan và giếng đào tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, trong đó gần 5 nghìn giếng không sử dụng nhưng chưa được trám lấp theo quy định tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước cao. Nhiều tổ chức cá nhân chấp hành chưa nghiêm quy định của Nhà nước trong hoạt động tài nguyên nước, chưa được cấp phép nhưng vẫn khai thác nguồn nước hoặc xả nước thải vào môi trường. Công ty TNHH Giấy Bắc Hà (đứng chân trên địa bàn xã Song Khê, huyện Yên Dũng) là doanh nghiệp khai thác và xả nước thải với khối lượng lớn. Mặc dù đã đi vào sản xuất mấy năm nay, ngành chức năng có văn bản đôn đốc đơn vị lập hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động tài nguyên nước nhiều lần nhưng đến nay Công ty vẫn chưa chấp hành. Trong khi đó, nước thải từ hoạt động sản xuất giấy của đơn vị gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân trong khu vực. Theo tổng hợp của các huyện, thành phố, đến nay mới có 52/155 đơn vị được cấp phép xả nước thải, 63/133 đơn vị được cấp phép khai thác nước và 10/180 đơn vị có giấy phép hành nghề khoan. Phần lớn các công trình nước sạch tập trung được xây dựng thời gian qua, nhất là tại các huyện miền núi đều không xin phép khai thác nước trước khi khởi công.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn trước đây chưa được quan tâm đúng mức. Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ năm 1998 nhưng một thời gian dài sau đó tỉnh mới có các văn bản quy định quản lý hoạt động này trên địa bàn. Tại các địa phương do thiếu cán bộ hoặc cán bộ không có chuyên môn nên quản lý hoạt động tài nguyên nước chưa triệt để. Bên cạnh đó là ý thức của một số tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước chưa cao, nhiều đơn vị được đôn đốc nhắc nhở lập hồ sơ thủ tục xin cấp phép hoạt động tài nguyên nước nhiều lần nhưng không chấp hành. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tài nguyên nước của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế, nhiều sai phạm chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm nên tính răn đe không cao…
Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của xã hội. Nguồn nước mặt của tỉnh khá dồi dào nhưng trữ lượng nước ngầm thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực. Do vậy, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh ô nhiễm môi trường là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch điều tra, lập danh sách chi tiết các giếng khoan không sử dụng, tổ chức lấp theo quy định phòng tránh ô nhiễm nguồn nước ngầm; điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải trên địa bàn. Việc đôn đốc các tổ chức cá nhân xin phép hoạt động tài nguyên nước, kiểm tra các cơ sở sau cấp phép cũng sẽ được tăng cường. Đi đôi với các biện pháp trên, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này, cảnh báo nguy cơ thiếu nước ngầm, ô nhiễm môi trường nếu các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các quy định trong khai thác, sử dụng nước. Nhiều ý kiến của lãnh đạo ngành, địa phương cho rằng cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước bằng việc kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác này từ tỉnh đến cơ sở, đầu tư trang thiết bị phục vụ quan trắc môi trường.
Nguồn tin: Huy Nam - Báo Bắc Giang