Hình ảnh minh họa. Nguồn internet
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 14 hồ sơ với tổng số tiền trên 11,8 tỷ đồng; Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt 34 hồ sơ với tổng số tiền trên 360,2 tỷ đồng.
Đến tháng 4/2022, UBND tỉnh đã cấp là 53 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt (cấp nước sinh hoạt, chế biến khai thác khoáng sản, thủy điện, sản xuất chế biến nông lâm sản), 19 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (bệnh viện, chế biến khoáng sản, sản xuất chế biến nông lầm sản); cấp 03 giấy phép thăm dò nước dưới đất, 03 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất (chăn nuôi, sản xuất dược liệu); 01 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 38 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt.
Thực hiện theo quy định Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ, đối với dự án thủy điện có dung tích hồ chứa từ 1.000.000 m3 trở lên phải thực hiện lập hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa thủy điện; UBND tỉnh đã phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa cho 22 dự án thủy điện và 01 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định. UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt kết quả Điều tra, đánh giá, khoanh định hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang tại Quyết định số 1845/QĐ-UBND ngày 07/9/2018; phê duyệt kết quả Khoanh định hành lang bảo vệ nguồn nước sông nội tỉnh cấp 3, cấp 4, cấp 5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang tại Quyết định số 2521/QĐ-UBND ngày 28/12/2020; đồng thời có các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị quản lý hồ, đập xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa công trình thủy lợi theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ.
Về hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước thực hiện các dự án như: Kiểm kê hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước tỉnh Hà Giang; Điều tra, khoanh định vùng cấm, hạn chế khai thác và các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất tỉnh Hà Giang; Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; Lập Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng năm 2030; Điều tra đánh giá thực trạng trữ lượng nguồn nước các giếng khoan tại huyện Bắc Quang, Bắc Mê, Vị Xuyên phục vụ công tác quản lý, khai thác sử dụng nước bền vững; Điều tra, phân tích, lập mô hình và xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu Sông Lô thuộc địa phận tỉnh Hà Giang.
Cùng với đó, Điều tra, đánh giá biến động dòng chảy trên lưu vực Sông Lô thuộc địa phần tỉnh Hà Giang; Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sông nội tỉnh cấp 2 tại huyện Bắc Quang và Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; Điều tra, đánh giá xác định các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất nhằm bảo vệ tài nguyên nước dưới đất khỏi nguy cơ suy thoái và cạn kiệt nước dưới đất, tỉnh Hà Giang; Xây dựng, khai dẫn trạm cấp nước xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang công suất 150 m3/ngày đêm; Điều tra, xác định dòng chảy tối thiểu các nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh (đang triển khai thực hiện theo kế hoạch).
Năm 2017, UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng năm 2030 tại Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 09/8/2017. Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang tích hợp các quy hoạch về lĩnh vực tài nguyên nước đã phê duyệt vào Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật quy hoạch.
Công tác điều tra, đánh giá, phê duyệt và công bố dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt tại Quyết định số 2449/QĐ-UBND ngày 22/12/2020. Đến nay, nhiệm vụ đang được triển khai theo kế hoạch, dự kiến trong Quý II năm 2022 sẽ hoàn thành.
Báo cáo của TN&MT Hà Giang cũng cho biết, thực hiện Luật tài nguyên nước năm 2012, công tác tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước cơ bản đã chấp hành đầy đủ, nghiêm túc theo quy định của luật, tuy nhiên một số tổ chức vẫn chưa chấp hành nghiêm luật tài nguyên nước, chưa thực hiện việc lập hồ sơ và cấp giấy phép khai thác sử dụng nước theo quy định. Nguyên dân do một số công trình thủy điện đã khai thác, sử dụng nước để vận hành phát điện từ lâu (trước thời điểm lập quy hoạch thủy điện tỉnh Hà Giang năm 2005), thay đổi chủ đầu tư dẫn đến các hồ sơ pháp lý, hồ sơ thiết kế bị thất lạc. Theo đó, UBND tỉnh Hà giang đã chỉ đạo các cơ quan tổ chức kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đến nay các tổ chức, cá nhân đã chấp hành quy định pháp luật về tài nguyên nước.