Hồ thủy lợi Sông Dinh 3 phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt cho Hàm Tân, La Gi.
Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2015 có chủ đề : “Nước và Phát triển bền vững” hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về mối liên hệ giữa phát triển bền vững và tài nguyên nước. Các nhà khoa học cho hay, nguồn tài nguyên nước trên các lưu vực sông đang bị khai thác quá mức trước những áp lực về phát triển kinh tế xã hội, tài nguyên nước ngày càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, mang tính chiến lược, tầm toàn cầu.
Với thông điệp năm nay, nhấn mạnh sự cần thiết nước là cốt lõi của phát triển bền vững, nước giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, nước giúp đảm bảo an ninh năng lượng, nước đảm bảo cho quá trình đô thị hóa thành công; càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng cần nhiều nước; nước đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời thông điệp kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về mối liên hệ giữa phát triển bền vững và tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức mối tương quan chặt chẽ hai yếu tố “Nước và Phát triển bền vững”; tìm kiếm biện pháp quản lý đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu con người thông qua khai thác bền vững tài nguyên nước, sử dụng hiệu quả tiết kiệm hướng đến nền kinh tế tăng trưởng xanh…
Bình Thuận cũng không nằm ngoài ngoại lệ, địa phương đang đối mặt với nhiều thử thách liên quan đến nguồn nước. Lượng mưa hàng năm trên địa bàn thấp so với các vùng miền khác trong cả nước; phân bố không đồng đều giữa các tháng trong năm; nguồn nước ngầm trên địa bàn bị suy giảm nghiêm trọng, một số nơi nhiễm bẩn. Địa hình của tỉnh cũng bị chia cắt mạnh nên nhiều sông, suối địa phương thường ngắn, dốc, diện tích lưu vực nhỏ; dẫn đến tình trạng lũ vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô thường xuyên. Điển hình mùa khô 2014- 2015, hạn hán kéo dài, tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt diễn ra nhiều nơi trong tỉnh…

Kênh dẫn nước sản xuất. |
Bên cạnh đó, tình trạng lãng phí nguồn nước vẫn còn diễn ra, ý thức tiết kiệm nước chưa hình thành trong đại bộ phận nhân dân. Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh còn phải chịu áp lực gây ô nhiễm của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, nước thải từ các khu dân cư. Nguồn nước ngầm quý giá đang được khai thác với tốc độ ngày càng nhanh. Do đó, để giải quyết vấn đề “Nước và Phát triển bền vững” trong bối cảnh tài nguyên nước ngày càng suy giảm, cạn kiệt, trong khi nhu cầu nước cho sản xuất, các hoạt động khác ngày càng tăng, cần những giải pháp mang tính tổng thể không chỉ bó hẹp trong ngành tài nguyên nước mà liên quan đến nhiều ngành khác như nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông… Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho rằng: Chính sách về “Nước và Phát triển bền vững” phải được song hành, lên kế hoạch cùng nhau, không tách rời các chính sách khác. Quản lý tài nguyên “Nước và Phát triển bền vững” đặt trong quy hoạch phát triển bền vững. Tăng hiệu quả sử dụng nước trong các hoạt động tưới tiêu, sử dụng hợp lý hơn ở các vùng nông thôn, đô thị, bơm, cấp nước, nối mạng thủy lợi, tái sử dụng nước. Hợp tác trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nâng cao ý thức tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn nước của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân (tưới tiêu, sinh hoạt…).