Phát triển thủy điện: Nhìn từ Thủy điện Sê San 3A
Thứ tư - 16/09/2009 07:51
Phát triển thủy điện: Nhìn từ Thủy điện Sê San 3A
Theo quy định, sử dụng nước mặt để phát điện phải dựa theo giấy phép do Cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước cấp. Khai thác, sử dụng nước cho thủy điện cần đáp ứng đa mục tiêu, như phòng chống lụt bão, tưới tiêu, nông nghiệp, giao thông thủy, giải trí... để tài nguyên nước (TNN) được sử dụng một cách kinh tế, hiệu quả và bền vững.
Hội thảo "Sự tham gia của cộng đồng, cơ chế đền bù và chia sẻ lợi ích trong phát triển thủy điện" do Cục Quản lý TNN phối hợp với Cục TNN và Năng lượng Na Uy tổ chức mới đây là một nội dung nằm trong chương trình Dự án "Xây dựng quy trình và tăng cường năng lực cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước cho thủy điện", bắt đầu từ tháng 12/2006, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2010.
Dự án Thủy điện Sê San 3A hoàn thành năm 2007 có cơ chế bồi thường hợp lòng dân các huyện ChưPăh, huyện IaGrai - tỉnh Gia Lai; huyện Sa Thầy - tỉnh Kon Tum có thể xem là một kinh nghiệm quý cho xây dựng các công trình thủy điện.
Cơ chế bồi thường thích hợp
Sau khi thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Sê San 3A tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum, Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 3A đã liên hệ với chính quyền địa phương các huyện ChưPăh, huyện IaGrai - tỉnh Gia Lai ; huyện Sa Thầy - tỉnh Kon Tum thành lập các Hội đồng đền bù thiệt hại, GPMB của dự án Thủy điện Sê San 3A.
Cty phối hợp với Hội đồng đền bù, chính quyền địa phương, tổ chức họp dân vùng thi công dự án để tuyên truyền và triển khai thực hiện các vấn đề liên quan đến tái định canh, tái định cư, bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân.
Ông Hồ Trung Đông, Giám đốc Cty cổ phần Thủy điện Sê San 3A cho biết, cần bồi thường trực tiếp cho người bị ảnh hưởng, bảo đảm điều kiện sống và sinh hoạt sau khi thực hiện dự án bằng hoặc cao hơn trước khi có dự án. Cty đã xây dựng nhà cho 155 hộ dân đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống điện sinh hoạt, đồng thời đầu tư đất sản xuất định canh với mức đảm bảo cho mỗi hộ ít nhất là 2ha đất sản xuất và hỗ trợ ổn định đời sống.
Ngay từ những ngày đầu triển khai và thực hiện việc điều tra, khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi, UBND huyện đã cử các ban ngành liên quan phối hợp thực hiện một cách đồng bộ tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đề xuất những kiến nghị chính đáng đến cấp có thẩm quyền. Đồng thời tuyên truyền vận động, giải thích để nhân dân hiểu, chấp hành và ủng hộ chủ trương của Nhà nước.
Một số đề xuất trong chia sẻ lợi ích
Hiện các công trình thủy điện xây dựng là khá lớn nhưng việc chia sẻ lợi ích tại một số nhà máy thủy điện chưa hợp lý và chưa bảo đảm đời sống ổn định lâu dài của người dân trong vùng. Do vậy, cần có quy định cụ thể cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất được đền bù góp một phần kinh phí và trở thành cổ đông của nhà máy để hưởng lợi lâu dài với công trình. Về phía nhà máy, phải trích phần lợi nhuận để đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm trong vùng dự án.
Phát triển thủy điện làm cho các con sông mất đi tính nguyên trạng và khả năng phục hồi của hệ sinh thái, ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào những con sông này. Do vậy, cần phải có chiến lược phát triển thủy điện bền vững và những vấn đề về môi trường cần được nêu ra sớm hơn trong quá trình quy hoạch.