Quản lý khai thác nước ngầm tại TP.HCM: Cần nhiều biện pháp tổng thể
Thứ sáu - 04/12/2009 05:08
Hiện nay, trên địa bàn TP. HCM có khoảng 200 ngàn giếng khoan các loại với công suất xấp xỉ 1 triệu m3/ngày đêm. Điều đáng nói tình hình khai thác nước ngầm trái phép vẫn chưa được chấn chỉnh, chất lượng nước ngầm có dấu hiệu ô nhiễm nặng, mực nước ngầm hạ thấp…
Khai thác trái phép và suy giảm chất lượng nước ngầm
Hiện nay, nguồn nước ngầm của TP.HCM đang bị khai thác ngày một tăng, dẫn tới nguồn nước ở tầng ngầm thứ hai đã có biểu hiện suy giảm đáng kể. Nhiều khu vực, mật độ giếng khoan tập trung quá dày đã tạo thành các phễu nước, gây mất cân đối trong việc bổ sung trữ lượng nước ngầm. Mật độ trung bình giếng khoan của thành phố là 50 giếng/km2, trong đó quận Phú Nhuận là khu vực tập trung nhiều giếng khoan nhất với 872 giếng/km2. Ngoài ra, còn có nhiều giếng khoan có qui mô khai thác từ vài chục ngàn m3 khối đến 100.000, 200.000 m3/ngày đêm như : Nhà máy Nước ngầm Hóc Môn (công suất 150.000 m3/ngày đêm), các công ty sản xuất nước giải khát, rượu bia, nước tinh khiết... ở các quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức...
Việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn tới hạ thấp mực nước ngầm, theo đó mực nước ngầm của TP.HCM bị tụt xuống gần 1 mét mỗi năm.Tại các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, mặc dù ở khá xa các nhà máy khai thác nước ngầm lớn của thành phố, nhưng mực nước ngầm cũng bị tụt xuống từ 0,4 đến 0,74 mét/năm.
Bên cạnh đó, chất lượng nước ngầm của TP.HCM cũng ngày càng báo động, việc khai thác quá mức dẫn tới tình trạng các tầng nuớc ngầm bị thấm và nhiễm bẩn, nhiễm mặn ngày càng nhanh hơn. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM ( Sở TN&MT), kết quả quan trắc 11 vị trí quan trắc nước ngầm từ đầu năm đến nay có 8 điểm không đạt tiêu chuẩn nước uống do ô nhiễm hữu cơ, nhiễm mặn…Mức độ ô nhiễm tập trung nhiều hơn ở các khu vực ngoại thành. Tại nhiều vị trí khảo sát ghi nhận hàm lượng nitơ ở mức rất cao, nhất là ở các quận 9, 10, 11, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Tân, Bình Phú…Hầu hết nước tại tầng ngầm đã bị ô nhiễm vi sinh. Nước ngầm lấy từ các giếng khoan gần kênh rạch ô nhiễm, gần khu công nghiệp thì mức độ nhiễm bẩn càng cao hơn. Qua theo dõi, khu vực các xã Hiệp Phước, Phước Kiển, Long Thới (huyện Nhà Bè) và xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) nước ngầm được xác định nhiễm vi sinh gây các bệnh về đường tiêu hóa. Nuớc ngầm ở trạm Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) bị ô nhiễm Amoni và có hàm luợng nhôm cao, độ mặn tăng; khu vực Linh Trung, Trường Thọ ( Thủ Đức), Tân Tạo, Lê Minh Xuân ( Bình Chánh)… nồng độ sắt cũng vượt tiêu chuẩn cho phép…Còn theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn TP.HCM, nồng độ sắt tại nhiều nơi cũng chỉ đạt tiêu chuẩn nguồn nước loại B, độ pH trong nước ngầm tại nhiều khu vực vẫn rất thấp và chỉ xứng tầm chất lượng nước loại C.
Cần nhiều biện pháp tổng thể
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khai thác nước ngầm tại TP.HCM đang ở mức cao là do hệ thống nước máy của thành phố chưa phủ kín địa bàn, nước sạch chưa đến với người dân, tình trạng cấp nước không ổn định. Được biết, hiện ngành cấp nước của thành phố chỉ có khả năng cung cấp trên dưới 1,2 triệu mét khối nước sạch/ngày, trong khi nhu cầu phải từ 1,7 triệu mét khối/ngày trở lên. Tại nhiều khu vực ở Củ Chi, Thủ Đức, Bình Chánh… người dân chỉ biết khai thác nước ngầm để sử dụng vì mạng lưới cấp nước chưa phát triển tới.
Tuy nhiên, do công tác quản lý còn lỏng lẻo nên tại một số khu vực đã có hệ thống cung cấp nước sạch, nhiều đơn vị và cá nhân vẫn lén lút khai thác nước ngầm trái phép, không xin phép các cơ quan chức năng. Từ năm 2007, mặc dù UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 69/2007/QĐ-UBND về việc cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất. Theo đó, có 29 phường ở 13 quận, huyện phải hạn chế khai thác nước ngầm. Thế nhưng, trong thời gian qua việc khai thác nước ngầm trái phép vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều cơ sở sản xuất bí mật khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất để tiết kiệm chi phí so với dùng nước sạch của thành phố. Ngay cả một số hộ dân tại các khu vực trung tâm quận 1, quận 3, quận 5….vẫn khai thác nước ngầm nhằm mục đích phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Phước - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM , sở dĩ công tác quản lý tình trạng khai thác nước ngầm trên địa bàn còn nhiều hạn chế là bởi lực lượng cán bộ quản lý từ thành phố đến các quận huyện còn quá mỏng, không có đủ cán bộ để làm công tác kiểm tra, quản lý các giếng khoan.
Bên cạnh đó, hiện nay quy trình và kỹ thuật khai thác nước dưới đất không đảm bảo kỹ thuật. Qua các đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với những cơ sở đang hành nghề khoan giếng khai thác nuớc ngầm cho thấy, phần lớn các cơ sở này đều có kiến thức rất hạn chế về các tầng nước ngầm. Vì vậy, dẫn tới những cơ sở này khoan giếng không theo quy trình, quy hoạch mà chỉ nhằm đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Phước cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý và đảm bảo chất lượng nguồn nước ngầm cần phối hợp tổng thể nhiều biện pháp : Đẩy mạnh cung cấp nguồn nước sạch cho người dân; tăng cường cán bộ quản lý, giám sát hoạt động khoan giếng; có nhiều chế tài mạnh mẽ về quản lý và xử phạt; điều chỉnh thuế tài nguyên cho phù hợp… Đặc biệt, phải có biện pháp mạnh mẽ quản lý nguồn nước mặt.
Hiện nay, nguồn nước trên các hệ thống sông, rạch đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân; cung cấp nước cho các nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch. Nếu nguồn nước mặt này bị ô nhiễm, không đảm bảo thì người dân sẽ khai thác nước ngầm, đồng thời các nhà máy nước sạch sẽ khai thác nguồn nước dưới đất. Đồng thời, khi nguồn nước mặt bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng, thẩm thấu đến chất lượng nước ngầm. Khi đó, chất lượng nước mặt và nước ngầm đều không thể sử dụng được. Vì vậy, việc hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm phải làm song song. Những khu vực bị ô nhiễm nguồn nước mặt cục bộ phải có phương án xử lý tránh thẩm thấu xuống nước ngầm.
Theo ông Phước, thời gian vừa qua, TP.HCM đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt. Trong đó, yêu cầu 100% các KCN, KCX phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung; giám sát chặt chẽ nguồn xả thải của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đồng thời, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố thường xuyên đo đạc, phân tích mẫu nước để theo dõi chất lượng nguồn nước mặt...
Nguồn tin: Thanh Nguyễn