Sáng mai 6/01, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngày 27 tháng 12 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1622/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước, là định hướng điều hòa, phân bổ tài nguyên nước đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và là một trong những cơ sở quan trọng cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Nội dung nổi bật của Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050:
Thứ nhất, Quy hoạch tài nguyên nước là quy hoạch tổng hợp, có sự gắn kết với các quy hoạch ngành quốc gia khác có sử dụng nước như quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia,...
Theo đó, Quy hoạch tài nguyên nước cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường,… đặc biệt là kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Do vậy, các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác; vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia và các nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên nước đã được định hướng tổng thể trong quy hoạch tài nguyên nước, trong đó thể hiện đầy đủ, bao trùm các giải pháp công trình, phi công trình và được xem xét tổng thể trên cơ sở tài nguyên nước theo các lưu vực sông trên phạm vi toàn quốc, hiện trạng, nhu cầu sử dụng nước của các ngành có khai thác, sử dụng nước.
Thứ hai, Quy hoạch tài nguyên nước là một trong những cơ sở cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Thứ ba, Quy hoạch tài nguyên nước là định hướng tổng thể cấp quốc gia trong việc quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra, đồng thời cũng định hướng tổng thể cho 06 vùng phát triển kinh tế - xã hội (Trung du và miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long), 13 lưu vực sông lớn (Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpok, Đồng Nai, Cửu Long), nhóm lưu vực sông ven biển và một số đảo trên lãnh thổ Việt Nam triển khai thực hiện trong quá trình lập quy hoạch.
Thứ tư, Quy hoạch tài nguyên nước hướng tới quản lý, sử dụng, phát triển bền vững, tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông, liên vùng, liên tỉnh; mọi nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.
Đồng thời, hướng tới bảo vệ số lượng và chất lượng, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ với duy trì, phát triển nguồn sinh thủy, nâng cao khả năng tích trữ nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; hợp tác, chia sẻ công bằng và hợp lý tài nguyên nước xuyên biên giới. Phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra với phương châm phòng ngừa là chính, giảm thiểu tối đa tổn thất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong quá trình lập quy hoạch, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương để đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch tài nguyên nước với các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan. Đồng thời, đã hợp tác, phối hợp với Ngân hàng thế giới, Úc, Pháp và nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua các cuộc họp kỹ thuật nhằm trao đổi về kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng quy hoạch tài nguyên nước cấp quốc gia và đã nhận được sự tham gia, đóng góp tâm huyết của các chuyên gia đầu ngành về tài nguyên nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng cảm ơn sự đồng hành, phối hợp của các Bộ ngành, cơ quan trung ương, các địa phương, các Tổ chức Quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần vào sự thành công trong công tác lập Quy hoạch tài nguyên nước.
Chi tiết Quyết định số 1622/QĐ-TTg xin mời xem
Tại đây