Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hoạt động của địa phương

Sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Tằng Loỏng

Thứ ba - 27/06/2017 14:16
Nhà máy hóa chất Đức Giang - Lào Cai xả khí thải gây ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai).

Nhà máy hóa chất Đức Giang - Lào Cai xả khí thải gây ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai).

Cá chết bất thường, nhiều diện tích lúa, hoa màu và các loại cây trồng bị héo, táp, cháy lá. Hàng trăm hộ dân phải sống trong cảnh ngột ngạt vì khói, bụi, ô nhiễm nguồn nước. Đó là hậu quả do ô nhiễm môi trường từ sự phát triển “nóng” khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng (tỉnh Lào Cai) với quy hoạch, đầu tư không đồng bộ, gây ra nhiều bức xúc cho người dân trong vùng.

Suối Trát là nguồn nước chính phục vụ người dân xã Xuân Giao (Bảo Thắng, Lào Cai) nuôi thủy sản, trồng lúa và các loại hoa màu. Mới đây, nhiều hộ dân ở thôn Tân Lợi, xã Xuân Giao dẫn nước từ suối Trát về ao nuôi cá đã khiến cá bị chết hàng loạt. Nguyên nhân là do Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2, thuộc KCN Tằng Loỏng bị bục đường ống dẫn nước, khiến nước thải lẫn hóa chất tràn vào hệ thống thoát nước chung, rồi đổ ra suối Trát.

Nhà máy hóa chất Đức Giang - Lào Cai xả khí thải gây ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai).


Anh Đặng Văn Phương, ở tổ 3, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, cho biết: Cùng thời điểm tháng 3-2017, khu vực huyện Bảo Thắng liên tiếp có mưa lớn. Nước mưa chảy trên mặt bằng Nhà máy gang thép Việt Trung, Nhà máy Hóa chất - Phân bón Lào Cai, Nhà máy Hóa chất Đức Giang - Lào Cai và nhiều cơ sở sản xuất khác trong KCN Tằng Loỏng, kéo theo bùn đất, chất phụ gia, chất thải rắn đổ về cánh đồng thôn 5, xã Xuân Giao, vùi lấp nhiều diện tích lúa, hoa màu. Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Hoàng Chí Hiền thừa nhận: Những thông tin về cá chết, lúa, hoa màu bị vùi lấp nêu trên là có thật. Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2, đơn vị gây ô nhiễm nguồn nước suối Trát, làm cá chết hàng loạt đã nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng với số tiền 300 triệu đồng. Tháng 5-2017, UBND huyện Bảo Thắng phải tạm ứng kinh phí chi trả hỗ trợ 121 lượt hộ dân có cây trồng bị chết do khí thải của một số nhà máy, cơ sở sản xuất gây ra trong các năm 2015, 2016 và đầu năm 2017. Hiện tại, có 374 hộ sống trong khu vực ô nhiễm nguy hiểm nhất đang cần sớm di chuyển tái định cư, tổng diện tích đất phải thu hồi là 60,86 ha đất sản xuất và 6,5 ha đất ở, bao gồm: 202 hộ ở thị trấn Tằng Loỏng, 151 hộ ở xã Phú Nhuận, 21 hộ thuộc xã Xuân Giao.


Đây không phải là lần đầu KCN Tằng Loỏng xảy ra sự cố môi trường. Từ năm 2011 đến nay, năm nào người dân ở đây cũng phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Có năm thì cá ở trong ao, cá ngoài khe suối chết hàng loạt, nhất là khi có một nhà máy, cơ sở sản xuất nào đó trong KCN Tằng Loỏng để xảy ra sự cố môi trường. Có năm, 1 ha lúa ở thôn Khe Chom, 1.000 m2 ngô, dứa và 10.347 cây ăn quả, cây lâm nghiệp tại tổ 1, tổ 2, tổ 7, tổ 9, khu vực thôn Mã Ngan, đều thuộc thị trấn Tằng Loỏng bị táp, héo, cháy lá, hoặc không ra hoa kết trái được. Chị Đinh Thị Lan ở thị trấn Tằng Loỏng cho biết: Một số cơ sở sản xuất trong KCN Tằng Loỏng thường lợi dụng đêm tối xả khí thải hỗn hợp có mùi tanh hôi, độc hại làm hủy hoại môi trường, môi sinh. Dịp hè nắng nóng, xe tải vận chuyển hóa chất, xe chở quặng quá tải chạy ầm ầm qua thị trấn Tằng Loỏng làm bụi bẩn bay mù mịt, không khí ở đây thêm ngột ngạt, khó chịu.


Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Dương thừa nhận: Sự cộng hưởng các luồng khí thải SO2, NO2, CO từ các nhà máy sản xuất phốt-pho vàng, sản xuất a-xít, phân bón, hóa chất, luyện đồng, sản xuất gang thép trong KCN Tằng Loỏng đồng loạt thải ra môi trường làm cả một vùng rộng lớn quá tải. Không khí ô nhiễm do khí thải, do bụi bẩn của xe vận chuyển hàng hóa, nguồn nước bị ô nhiễm do sự cố của một số nhà máy, do nước rỉ từ các bãi chất thải rắn... làm người dân ở thị trấn Tằng Loỏng, các xã Xuân Giao, Phú Nhuận (Bảo Thắng) phải hứng chịu thiệt hại đủ đường và việc họ bức xúc là có cơ sở.


Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai Đào Duy Nhất cho biết: KCN Tằng Loỏng trước đây là Nhà máy tuyển quặng Apatit Lào Cai, xây dựng từ năm 1980. Năm 2006, tỉnh Lào Cai quy hoạch khu vực nêu trên thành cụm công nghiệp - đô thị, có diện tích 269 ha. Năm 2011, tỉnh Lào Cai tiếp tục điều chỉnh cụm công nghiệp - đô thị này thành KCN Tằng Loỏng, có diện tích hơn 1.100 ha. Hiện KCN đã thu hút 32 dự án đăng ký đầu tư. Trong đó, có 18 nhà máy, xí nghiệp, công ty, thuộc 25 dự án đi vào hoạt động theo các nhóm ngành, nghề: Sản xuất hóa chất; sản xuất phân bón và chất phụ gia thức ăn gia súc; chế biến sâu khoáng sản, luyện kim; và sản xuất cơ khí.


Thu hút đầu tư nhanh là điều đáng mừng, nhưng KCN Tằng Loỏng lại bộc lộ rõ sự phát triển “nóng” với nhiều bất cập. Trước hết, đó là tình trạng quy hoạch, đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ. Năm 2015, KCN Tằng Loỏng mới xây dựng được nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất 3.000 m3/ngày, đêm, chỉ bảo đảm xử lý nước thải tập trung cho 12 trong số 18 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Nước thải của sáu nhà máy còn lại chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông, hệ thống thu gom thoát nước thải bề mặt chưa hoàn thiện, cho nên mỗi lần mưa xuống, nước thải từ KCN tràn qua các cụm dân cư, đổ ra đồng ruộng gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng. Nghiêm trọng hơn, sau hơn 10 năm hoạt động, KCN Tằng Loỏng vẫn chưa có nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung, mặc dù lượng chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất rất lớn, tới 5,89 triệu tấn/năm.


Nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập nêu trên là do công tác quản lý đối với KCN Tằng Loỏng chồng chéo, vướng mắc và thiếu rõ ràng. Ban kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai là đơn vị được giao chức năng quản lý KCN Tằng Loỏng, song ban này lại không có quyền thanh tra, xử phạt các doanh nghiệp vi phạm về môi trường. Do vậy, một số doanh nghiệp trong KCN Tằng Loỏng “lách luật” để tùy tiện tập kết, lưu trữ chất thải rắn ngay trong khuôn viên của đơn vị. Một số doanh nghiệp xây dựng hồ điều hòa, lại không lót đáy, hoặc không lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Mặt khác, một số đơn vị như: Nhà máy DAP số 2, Nhà máy Phúc Lâm, Công ty Phốt-pho Đông - Nam Á... khi để xảy ra sự cố, chưa chủ động báo cáo cơ quan chức năng của tỉnh để có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời, dẫn tới ô nhiễm môi trường. Điều này cho thấy một số doanh nghiệp trong KCN Tằng Loỏng mới chỉ chú trọng mục đích kinh doanh, mà chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường và chấp hành pháp luật về môi trường.


Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Dương cho biết: Việc giải phóng mặt bằng tại KCN Tằng Loỏng không triển khai cùng một thời điểm. Có dự án nào thì các ngành chức năng của tỉnh giải phóng mặt bằng cho dự án đó, cho nên còn nhiều hộ dân nằm lẫn, xen kẽ, giáp ranh hàng rào KCN Tằng Loỏng.


Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nêu trên, tỉnh Lào Cai cần chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường ở các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong KCN Tằng Loỏng. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm doanh nghiệp gây ô nhiễm trực tiếp, ô nhiễm cộng hưởng về khí thải để xử lý khách quan, chính xác. Khẩn trương xem xét, yêu cầu các doanh nghiệp trong KCN Tằng Loỏng phối hợp, hỗ trợ kinh phí di chuyển 374 hộ dân ra khỏi khu vực ô nhiễm nguy hiểm nhất. Hỗ trợ xây dựng các khu, điểm tái định cư tại thôn Phú An, xã Phú Nhuận và tại các xã Sơn Hà, Sơn Hải (huyện Bảo Thắng), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường sớm ổn định cuộc sống, sản xuất phù hợp với tập quán canh tác.

Tác giả bài viết: HOÀNG DIỆP

Nguồn tin: nhandan.com.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi