Sơn La: Quy hoạch sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước vì môi trường xanh - sạch - đẹp
Thứ ba - 03/02/2015 15:00
Dự án kè bờ suối Nậm La (Thành phố) khơi thông lòng suối góp phần cải thiện môi trường nước suối Nậm La.
Chưa bao giờ vấn đề quy hoạch sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước lại được toàn xã hội quan tâm như hiện nay. Những tác động của con người khiến nguồn nước ở nhiều nơi đang có nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt.
Trước thực tế đó, tỉnh ta đã công bố quy hoạch sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, đây sẽ là cơ sở góp phần hài hoà giữa khai thác và bảo vệ, bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Sơn La có nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm khá dồi dào, riêng tài nguyên nước mặt của toàn tỉnh hằng năm vào khoảng 19 tỷ m3, tập trung chủ yếu hai con sông lớn là sông Đà, sông Mã, các phụ lưu và các suối nhỏ. Nguồn nước dưới đất của tỉnh phân bố không đều, mực nước thấp, khai thác khó khăn, tồn tại dưới 2 dạng: Nước dưới đất chứa trong các kẽ nứt của đá hình thành do đá bị phong hoá mạnh và nước Kaster hình thành từ núi đá vôi. Theo điều tra chưa đầy đủ, hiện ở Sơn La có khoảng 140 mó nước xuất lộ với lưu lượng từ vài lít/s đến vài triệu lít/s.
Những năm gần đây, trước tác động của con người khiến cho nguồn nước ở nhiều sông, suối đang bị ô nhiễm, thậm chí cạn kiệt. Nguyên nhân là do việc đầu tư, xây dựng hàng loạt các công trình thuỷ điện, đập, hồ chứa nước khiến phía hạ lưu thiếu nước; tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn; thói quen lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc diệt cỏ của nông dân trong sản xuất nông nghiệp; ở các khu đô thị, toàn bộ nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả, thải trực tiếp xuống suối... Mặc dù tình trạng ô nhiễm nước mặt hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa nghiêm trọng như các tỉnh miền xuôi, nhưng cũng đáng báo động. Trong đó, phải kể đến hoạt động sản xuất của Nhà máy đường Sơn La đang gây ô nhiễm suối Nậm Pàn (Mai Sơn); việc xả thải chất thải sinh hoạt trực tiếp chưa qua xử lý cũng đang gây ô nhiễm suối Nậm La (Thành Phố) hoặc việc sơ chế nông sản đã gây ô nhiễm nguồn nước ở Thành Phố, Mai Sơn, Thuận Châu và Mộc Châu. Riêng nguồn nước dưới đất trên địa bàn của tỉnh vẫn giữ nguyên hiện trạng và chất lượng chưa bị tác động nhiều.
Theo quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, tỉnh ta sẽ phân bổ tài nguyên nước mặt bảo đảm hài hoà, hợp lý ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp có giá trị cao tiêu tốn ít nước và cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế xung đột giữa các tổ chức, cá nhân sử dụng nước. Lượng nước sử dụng hiện tại cho các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh vào khoảng 697 triệu m3/năm (chiếm 5,5% nguồn nước), dự báo đến năm 2015 tăng lên 741 triệu m3, đến năm 2020 là 774 triệu m3 và đến năm 2025 trên 900 triệu m3. Như vậy, đến năm 2025 nguồn nước trên địa bàn hoàn toàn có thể đáp ứng cho các nhu cầu khai thác, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đối với quy hoạch phân bổ nguồn tài nguyên nước dưới đất (nước ngầm) sẽ bảo đảm nhu cầu cho khai thác, sử dụng cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng. Trữ lượng nước ngầm của tỉnh được chia thành 6 vùng. Cụ thể: phân bố lưu vực suối Sập Vạt, Nậm La, Suối Tấc, Suối Muội, Nậm Ty và phụ cận Nậm Pàn.
Việc khai thác, sử dụng chưa hợp lý, chưa đi đôi với bảo vệ trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mạnh thời gian qua đã và đang làm nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất. Sự suy giảm nguồn nước trở thành thách thức lớn trong bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững. Để khắc phục tình trạng này, giải pháp quan trọng nhất cần thực hiện để bảo vệ nguồn nước là làm tốt công tác trồng, khoanh nuôi và bảo vệ tốt diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ lưu vực các sông; tăng cường năng lực, thiết bị, công cụ phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước các cấp; thực hiện đánh giá, kiểm kê tài nguyên nước định kỳ đối với các sông, suối có nguồn nước lớn và tầng chứa nước có trữ lượng lớn, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đối với các tổ chức đang hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước...
Việc quy hoạch để sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, hài hoà các lợi ích trong bối cảnh nguồn nước suy giảm do biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng khi an ninh nguồn nước đang bị đe doạ bởi tác động của con người. Vì vậy, việc bảo vệ nguồn nước là nhiệm vụ chung của toàn xã hội không của riêng cá nhân, tổ chức nào, tất cả hãy chung tay vì một thế giới mãi xanh - sạch - đẹp.
Tác giả bài viết: Minh Thu