Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hoạt động của địa phương

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/3: UBTVQH XEM XÉT CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI) VÀ CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN THÁNG 02/2023

Thứ tư - 15/03/2023 22:02
Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo chương trình Phiên họp, 14h00 chiều 15/3/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 02/2023.
Theo chương trình Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội luân phiên điều hành Phiên họp.
 

Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
14h02: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung UBTVQH cho ý kiến ​​về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
 
Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành cho ý kiến ​​về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; lãnh đạo, diện Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Giao thông tải, Bộ Tài chính; đại diện Văn phòng Chính phủ cùng một số cơ quan hữu quan. Tiếp theo, đại diện cơ quan soạn thảo sẽ trình bày trình bày về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

 
14h04: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành báo cáo bản tóm tắt dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
 
Trình bày Tiểu dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước.
 
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…
 
Do đó, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, cần nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành.

 
Điều này nhằm mục đích hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; trọng phòng phòng ngừa, kiểm tra giám sát và phục hồi các nguồn nước bị suy suy thoái, kiệt quệ và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương giải quyết các chồng chéo, xung đột pháp luật.
 
Quan điểm xây dựng Luật này là nhằm thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Đồng thời kế thừa các quy định của Luật 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp.

 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 88 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 10 điều; sửa đổi, bổ sung 62 điều; bổ sung mới 16 điều) và bãi bỏ 08 điều. Cụ thể, về quy định chung, sửa đổi, bổ sung về phạm vi điều chỉnh, trong đó sửa đổi, bổ sung phát triển tài nguyên nước (Điều 1); bổ sung quy định về áp dụng pháp luật (Điều 4); sửa đổi, bổ sung quy định về các loại hình cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, vận hành…
 
Về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, gồm 13 điều (từ Điều 13 đến Điều 25), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về điều tra cơ bản tài nguyên nước theo hướng quy định rõ các hoạt động thuộc đối tượng điều tra định kỳ thường xuyên và không định kỳ; trách nhiệm tổ chức, cá nhân phải cập nhật kết quả thực hiện vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; trách nhiệm phê duyệt và công bố dòng chảy tối thiểu và khả năng tiếp nhận nước thải vào nguồn nước theo hướng công bố ở những khu vực, nguồn nước quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…

 
Về bảo vệ tài nguyên nước (từ Điều 26 đến Điều 38), bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước (Điều 26), Dòng chảy tối thiểu (Điều 28), ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 29), Bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa (Điều 35) nhằm quản lý chặt chẽ hơn về số lượng, chất lượng nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Đồng thời sửa đổi bổ sung các quy định về bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt theo hướng quy định các nội dung bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt và trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức/cá nhân trong bảo vệ chất lượng nguồn nước cho sinh hoạt…
 
Liên quan đến điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước, sửa đổi, bổ sung quy định các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng; Hoạt động điều hòa, phân bổ tài nguyên nước và quy định trách nhiệm điều hòa, phân bổ tài nguyên nước (Điều 39)…. Đồng thời bổ sung mới Điều 40 về điều hoà, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước theo hướng quy định trách nhiệm và nội dung thực hiện điều hoà, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước. Thứ trưởng Lê Công Thành cũng nêu rõ, dự án Luật đã bổ sung mới Điều 68 về thuế, phí về tài nguyên nước theo hướng quy định về thuế tài nguyên liên quan đến tài nguyên nước; giá tính thuế tài nguyên.
 
Bổ sung mới Điều 70 về dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước, trong đó quy định cụ thể các dịch vụ; nguyên tắc chi trả dịch vụ; trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong cung cấp dịch vụ. Bổ sung mới Điều 71 về tích hợp hoạt động tài nguyên nước, trong đó làm rõ mục đích, ý nghĩa về tích hợp tài nguyên nước và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia thực hiện tích hợp tài nguyên nước. Đồng thời bổ sung mới về ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước, trong đó quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước; các hoạt động bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước được ưu đãi, hỗ trợ. Bổ sung mới về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên.
 
14h17: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
 
Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước như Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa được Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai…

 
Tuy nhiên, dự thảo Luật cần tập trung làm rõ hơn quan điểm về chủ động tích nước, trữ nước; điều tiết, bảo đảm đủ nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất; kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước; ứng dụng KH&CN trong quản trị, phát triển tài nguyên nước. 

Về tên gọi của Luật và phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh và tên gọi dự thảo Luật để quản lý toàn diện các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước. Bên cạnh đó, ý kiến đề nghị đổi tên Luật thành “Luật Quản lý nguồn nước” cho phù hợp với quản lý nước của các luật về khai thác, sử dụng nước hiện hành; làm rõ lý do không điều chỉnh đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; bổ sung điều chỉnh đối với nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... Đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ các ý kiến nêu trên.
 
Về một số nội dung chính trong Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần rà soát thể hiện cô đọng, rõ nét hơn quan điểm quản lý tổng thể, thống nhất tài nguyên nước, thuận theo tự nhiên nhưng có kiểm soát; đồng thời cần làm rõ vai trò, chức năng của tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng điều phối, giám sát khai thác, sử dụng nước để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước.


 
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với việc bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy cho phù hợp; cần đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về thuế, giá và mục đích sử dụng, điều kiện khai thác, đặc điểm kinh tế - xã hội của khu vực, lưu vực sông. Đồng thời, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cũng cơ bản tán thành quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp.
 
Các quy định trong dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung mới, thể chế hóa các quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn quan điểm phân định rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên nước với quản lý khai thác công trình của các Bộ, ngành.

 
Về hiệu lực thi hành, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật để bảo đảm có đủ thời gian cần thiết cho việc triển khai thực hiện; cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để xác định lộ trình thực hiện phù hợp, khả thi của một số quy định, chính sách mới trong dự thảo Luật và thể hiện cụ thể tại quy định về điều khoản chuyển tiếp.
 
14h29: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
 
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 đã tạo sự khuôn khổ pháp lý để bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, góp phần vào việc của việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững hơn. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, luật đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như: giao thoa chồng chéo, các luật khác thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, cơ chế chính sách để khuyến khích nguồn lực xã hội hóa định giá tài nguyên nước, sử dụng, phân bổ nguồn thu, quản lý, khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước còn bất cập. 

 
Vì vậy, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có báo cáo thẩm tra. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về sự phù hợp của luật với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật. Lưu ý việc thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên; cho ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật; có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định thêm về nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…

 
Về một số vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung thảo luận các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước các quy định về phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, công cụ, chính sách, nguồn lực hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, thanh tra, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước…; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật có đủ điều kiện để trình Quốc hội.
 
14h34: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu:
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết dự án Luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, tương đối toàn diện và hoàn chỉnh. Tán thành việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, thể chế hóa đầy đủ Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 


 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, thực tế, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước vẫn còn bất cập, chồng chéo, chưa rõ cơ chế phối hợp, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan liên quan, gây khó khăn cho quá trình thực thi, triển khai, áp dụng. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa tháo gỡ được các khó khăn này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có những quy định phân định rõ trách nhiệm, đảm bảo sự thống nhất, tính khả thi trong quy định pháp luật.
 
Về ưu tiên áp dụng Luật Tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, đối chiếu với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và qua rà soát các văn thì có khoảng 48 Luật có quy định khác với Luật Tài nguyên nước. Do đó, phải khắc phục vấn đề này để tránh vướng mắc khi thực hiện.

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh với các luật khác có liên quan như Luật Khoáng sản, Luật Biển Việt Nam để đảm bảo không chồng chéo. Đồng thời cũng cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định trong pháp luật có liên quan, đặc biệt là những vấn đề có cách tiếp cận đa chiều, để đưa ra quy định nhất quán, tránh mâu thuẫn.
 
Về thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước, đăng ký khai thác, sử dụng nước và chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, quy định này khá là chung chung. Như vậy là chưa phù hợp. Đề nghị cần tổng kết thực tiễn, quy định thẩm quyền cụ thể trên tinh thần phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường cấp tỉnh một cách rõ ràng. Quy định cụ thể để đảm bảo tính thống nhất, tránh tạo hẽ hở, tạo tiêu cực.
 
14h51: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu:
 
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn về việc bổ sung cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tại Điều 2 dự thảo Luật. Theo đó, tại các văn bản quy phạm pháp luật, đây là những đối tượng phải áp dụng quy định, do đó cần cân nhắc sự cần thiết khi bổ sung vào dự thảo Luật.


 
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ thêm về quy định liên quan tới các tổ chức, cá nhân được điều tra cơ bản về tài nguyên nước. Theo đó, cần làm rõ điều kiện sử dụng ngân sách nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân để tham gia vào điều tra cơ bản tài nguyên nước cũng như cơ chế để các cơ quan có chức năng thẩm tra, thẩm định kết quả điều tra cơ bản cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về tài nguyên nước.


 
Đối với việc bổ sung nhân tạo của nước dưới đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết dự thảo đã quy định phải quan tâm đến những vùng có mực nước bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức.Tuy nhiên, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị cần quy định để hạn chế tối đa việc khai thác, sử dụng nguồn nước dưới mặt đất ở những khu vực này. Đồng thời cần cân nhắc về chính sách xem xét miễn giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước ở những vùng này.
 
14h57: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu:
 
Đánh giá cao quá trình chuẩn bị của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước, đồng thời cho biết hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định pháp luật. Cho biết Luật Tài nguyên nước có liên quan đến 11 luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ đây là luật khung hay luật chi tiết để có phương án sửa đổi bổ sung phù hợp, đồng thời bày tỏ quan điểm nên xác định Luật Tài nguyên nước là luật chi tiết, hạn chế các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết.


 
Đối với quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung nguyên tắc phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên môn, chuyên ngành khác. Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung quy định quyền của tổ chức khai thác, sử dụng nước được nhà nước hỗ trợ khi phải điều chỉnh chế độ khai thác, vận hành công trình theo yêu cầu phục vụ an sinh xã hội.
 
15h03: Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu:
 
Cho ý kiến lần đầu về dự án Luật này, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh rất quan tâm đến dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và đã có 2 báo cáo gửi cơ quan thẩm tra. Đồng thời bày tỏ thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Về bảo vệ các công trình hồ đập có chức năng trữ lượng lớn để phục vụ sản xuất phục vụ cho sinh hoạt, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới lo ngại nếu các đập này bị vỡ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Do đó đề nghị bảo vệ hồ đập ngoài trách nhiệm chung thì còn có trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

 
Về tích trữ nước ngọt để sản xuất kinh doanh ở vùng xâm nhập mặn, vùng núi, vùng cao, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu dẫn chứng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nước bị xâm nhập mặn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và cuộc sống của người dân, do vậy cần có hồ chứa nước ngọt để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Hay khi bị hạn hán cũng cần hồ chứa nước nhỏ để đảm bảo phòng cháy, chữa cháy và sinh quyển. Do vậy, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới đề nghị nghiên cứu về các hồ tích luỹ nước để phục vụ cho sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái.
 
Đối với các sông nối liền với nước ngoài, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị cần nhấn mạnh và quan tâm đến vai trò hợp tác quốc tế của các Uỷ ban trong sử dụng nguồn nước.

 
Liên quan đến vấn đề khai thác nước ngầm hiện nay, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho rằng, đối với đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù nhà nước quản lý chặt chẽ khai thác nước ngầm nhưng người dân vẫn khai thác nước ngầm cho sinh hoạt và cho cả sản xuất. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và có chế tài để quản lý vừa đảm bảo môi trường sinh thái, vừa đảm bảo sinh hoạt của người dân.
 
15h08: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu:
 
Góp ý về giải thích từ ngữ tại khoản 2 Điều 3 quy định khai thác, sử dụng nước là hoạt động khai thác tiềm năng, giá trị nguồn nước để phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế xã hội… Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc liệt kê như vậy là không phù hợp, vì có những nội dung không có liệt kê hết. Vì vậy chỉ nên quy định: khai thác, sử dụng nước là hoạt động khai thác các tiềm năng, giá trị của nguồn nước thông qua công trình lấy nước, trữ nước, chuyển nước, dẫn nước, sử dụng mặt nước. Góp ý khoản 2, Điều 47 nêu một số nội dung không cấp phép: các công trình khai thác, sử dụng nước quy định tại khoản 1 là công trình nhỏ, nhưng dự thảo không lượng hóa thế nào là nhỏ, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

 
Đồng tình với ý kiến phát biểu tại phiên họp liên quan đến thuế, phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ, các nội dung liên quan đến thuế, phí đã được quy định tại các luật chuyên ngành về thuế phí. Nội dung Điều 68 của dự thảo luật chủ yếu dẫn chiếu các luật về thuế, phí như Luật Thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường… Như vậy, quy định Điều 68 của dự thảo luật không cần thiết.
 
Về cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoản 1 Điều 69 quy định các trường hợp phải nộp tiền nhưng chưa rõ ràng, trùng lắp với khoản 2 quy định khai thác nước để phục vụ hoạt động dịch vụ sản xuất đã bao hàm các hoạt động sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực, kể cả nông nghiệp, trừ khai thác nước sử dụng cho sinh hoạt của hộ gia đình. Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo thiết kế lại rõ ràng hơn.

 
Đối với khoản 1 Điều 72 dự thảo quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ, phát triển tích trữ nước và nguồn phục hồi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu đãi miễn, giảm thuế, mức độ, phạm vi ưu đãi… được quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, thuế, vì vậy, đề nghị cân nhắc nội dung tại khoản 1 Điều 72.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng cho ý kiến về nguồn lực bảo vệ, phát triển nguồn nước tại Điều 3, đây là nội dung liên quan đến Luật Ngân sách nên việc bố trí ngân sách phải căn cứ vào khả năng ngân sách và yêu cầu nhiệm vụ.
 
15h14: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm cao 
 
Phát biểu tại phiên họp, bày tỏ tán hành với báo cáo thẩm tra sơ bộ và các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, có trách nhiệm cao, bám sát các nhóm chính sách sửa đổi Luật được Quốc hội thông qua. Mặc dù đây là lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật này nhưng với tinh thần từ sớm, từ xa dự án Luật đã được chuẩn bị một cách kĩ lưỡng. 
 
Cho biết bố cục dự án Luật cơ bản hợp lý, Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm các quy định về các loại quy hoạch cần sắp xếp lại bảo đảm logic, đối với từng loại quy hoạch sắp xếp theo thứ tự từ căn cứ, nguyên tắc lập quy hoạch, hồ sơ điều chỉnh, trách nhiệm thẩm định, phê duyệt quy hoạch,  tổ chức thực hiện, trách đối với từng quy hoạch…


 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải tiếp tục rà soát dự thảo Luật để khắc phục tối đa các chồng chéo, xung đột pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm chính sách về mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về tài nguyên nước tại Điều 6 để tương thích và thống nhất với Công ước quốc tế về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia và Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục rà soát đối chiếu với các quy định của Luật Thủy lợi. 
 
Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung và giải thích một số thuật ngữ được sử dụng xuyên suốt cả dự án luật như “phát triển tài nguyên nước”, “phục hồi nguồn nước”, “bổ sung nước nhân tạo”, “tích trữ nước”, “quy hoạch tổng thể điều tra tài nguyên nước”, “quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh”, “cơ sở về hạ tầng tài nguyên nước”; lưu ý sử dụng thống nhất các thuật ngữ như về an ninh nguồn nước hay an ninh tài nguyên nước. 
 
Nêu rõ trong tổng số 88 điều của dự thảo Luật có đến 33 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cố gắng rà soát để nội dung nào có thể quy định chi tiết ngay trong Luật thì quy định.
 
Về mặt số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ thực trạng nguồn nước chúng ta đang bị suy thoái rất nặng nề, do đó tại chương 3 dự thảo Luật quy định về Bảo vệ tài nguyên nước cần bổ sung thêm khái niệm về phục hồi và bảo vệ tài nguyên nước hoặc bảo vệ phát triển tài nguyên nước. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực trạng đã bị suy yếu, suy giảm thì chúng ta phải có trách nhiệm phục hồi, phục vụ tài nguyên nước.
 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát để bổ sung chức năng rất quan trọng của nguồn nước là chức năng phòng chống thiên tai như thoát lũ, chứa lũ; điều hòa, chống úng, chống ngập; hành lang bảo vệ nguồn nước; bổ sung khái niệm hành lang thoát lũ; quy định cụ thể hơn về phân cấp và lội trình xác định dòng chảy tối thiểu; khái niệm về chỉnh trị sông, nạo vét, phục hồi lòng dẫn; nghiên cứu quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn để các tổ chức, các cá nhân, các doanh nghiệp phấn đấu đạt được…


 
Chủ tịch Quốc hội cho rằng các quy định mà ở trong phần điều hòa, phân phối tài nguyên nước vẫn chủ yếu tập trung vào các các quy hoạch khai thác. Trong khi duy trì khai thác dưới đất cần có các điều khoản để bảo vệ việc bổ sung tự nhiên nguồn nước dưới mặt đất, thu nước mưa trên bề mặt hạn chế bê tông hóa hoàn toàn bề mặt. Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần cố gắng có những quy định để có cạnh tranh, vai trò các thành phần kinh tế trong khai thác và trong sử dụng người tài nguyên nước và theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị là nên cân nhắc bổ sung quy định về tái sử dụng nước trong dự thảo và các khái niệm như về tái sử dụng nước, cải tạo nước và tuần hoàn nước.
 
Về chính sách tài nguyên về tài chính, về tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội tán thành với ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách là cần tiếp tục đối chiếu, rà soát quy định về giá tính thuế, tài nguyên nước theo quy định pháp luật về thuế, giá. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, giá nước không chỉ là vấn đề mục đích sử dụng, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế - xã hội trong khu vực mà còn theo mức độ khan hiếm tài nguyên nước ở khu vực. Do đó, các luật thuế cũng phải nghiên cứu có những tỷ lệ thuế suất khác nhau nhất là những nơi khan hiếm tài nguyên nước thì phải đánh thuế cao. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, bảo đảm quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và khắc phục tính chồng chéo.
 
15h41: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi):
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cảm ơn các cơ quan của Quốc hội đã đồng hành, theo sát, góp ý trước nhiều ý kiến thẳng thắn, đúng đắn, xây dựng, giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Khó khăn nhất của việc xây dưng Luật Tài nguyên nước là quản lý nước phải tiến hành theo lưu vực, nhưng chúng ta không có cơ quan quản lý về tài nguyên nước theo vùng, theo lưu vực, dẫn đến xuất hiện chồng chéo, vướng mắc. Trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về hệ thống quản lý tài nguyên nước, lấp đầy những lỗ hổng trong quản lý tài nguyên nước, các công trình thủy lợi…


 
Về kết cấu, bố cục, cách thức sắp xếp nội dung trong dự thảo Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để đảm bảo văn bản pháp luật logic, rõ ràng, có tính hệ thống, minh bạch và khả thi.
 
15h47: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
 
Kết luận nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, tuy nhiên, để đủ điều kiện trình Quốc hội, cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
Cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong các luật khác để sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước có đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, kiểm soát điều tiết toàn diện các vấn đề về nước; cần bao quát cả 3 loại nước: nước mặn, nước lợ, nước ngọt.


 
Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược quy hoạch tài nguyên nước để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, thống nhất với các luật khác, quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, ban hành, điều chỉnh danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước; đảm bảo đồng bộ với quy hoạch phòng, chống thiên tai, quy hoạch thủy điện, quy hoạch cấp nước…

 
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, ý kiến cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.
 
 

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi