Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hoạt động của địa phương

TP. Hải Phòng: Chỉ đạo tăng cường toàn diện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước

Thứ năm - 25/08/2022 14:30
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 22/8, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân đã ký ban hành văn bản số 4855/UBND-KS gửi Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội; Các Sở, ban, ngành thành phố; Công an thành phố; Cục thuế thành phố; Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan báo chí - truyền thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Công văn nêu rõ, sau 10 năm thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên nước chưa cao; việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa tiết kiệm, gây lãng phí; xả nước thải chưa xử lý đạt quy chuẩn gây ô nhiễm nguồn nước vẫn còn diễn ra ở một vài nơi; nhiều tổ chức, cá nhân đang khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhưng chưa được cấp giấy phép, không kê khai nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, không lắp đặt thiết bị giám sát, đo lưu lượng nước khai thác, giám sát chất lượng nước trong quá trình khai thác theo quy định.
 
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trên và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; vai trò của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong việc giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn thành phố; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Đồng thời, thực hiện Công văn số 2553/BTNMT-TNN ngày 13/5/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; và Công văn số 2354/TNN-NDĐ ngày 12/7/2022 của Cục Quản lý Tài nguyên nước về cập nhật thông tin của giấy phép tài nguyên nước vào cơ sở dữ liệu giấy phép tài nguyên nước dùng chung. 
 
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo các Sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị, địa phương, các cơ quan truyền thông thực hiện các nội dung cụ thể như sau:
 
Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, các thủ tục hành chính đã ban hành hoặc công bố có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước để đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế bảo đảm phù hợp với Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các Văn bản hướng dẫn thi hành.
 
Rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân đang có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhưng chưa có Giấy phép; dự thảo và trình Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, các nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất thuộc đối tượng xin cấp giấy phép phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định, đảm bảo thực hiện đúng theo Kế hoạch số 247/KH-UBND ngày 19/10/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất nước sạch, đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục.
 
Phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khai nước dưới đất không giấy phép đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách (bao gồm thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, giá dịch vụ thủy lợi). 


 
Tổ chức thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật (nếu có).
 
Cập nhật và vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước (giai đoạn 1) của thành phố; cập nhật thông tin của các giấy phép tài nguyên nước vào cơ sở dữ liệu về thông tin giấy phép tài nguyên nước dùng chung của trung ương tại địa chỉ https://gstnn-gp.monre.gov.vn.
 
Nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở địa phương (gồm: hệ thống hạ tầng mạng, máy chủ và phần mềm giám sát; cơ sở dữ liệu về thông tin, số liệu đo đạc, quan trắc của công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước do UBND thành phố cấp phép) phù hợp với quy định của Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
 
Khẩn trương hoàn thành, trình Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Danh mục nguồn nước nội tỉnh; Danh mục các hồ, ao, đầm phá không được san lấp trên địa bàn thành phố.
 
Tổ chức thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch, phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo đúng quy định; thực hiện tích hợp ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
 
Phối hợp với các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về tài nguyên nước để các tổ chức, cá nhân trong thành phố biết, chấp hành.
 
Thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo, đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ đạo triển khai kịp thời công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.
 
Tham gia ý kiến chuyên ngành về lĩnh vực quản lý tài nguyên nước đối với các dự án có hoạt động khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3 /ngày đêm trở lên; khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản với quy mô từ 0,1m3/ giây trở lên; khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp từ 100m3/ ngày đêm trở lên; khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 50kW; khai thác nước biển phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền từ 10.000m3/ngày đêm trở lên; khai thác nước biển phục vụ các hoạt động trên biển, đảo.
 
Sở Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư khi thực hiện các dự án cấp nước, thoát nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tài nguyên nước và Giấy phép môi trường theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và thông báo đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các dự án thực hiện khoan khảo sát xây dựng, thi công xây dựng có độ sâu từ 10m trở lên để giám sát, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.


 
Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư trong việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong quá trình lập, thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng phải bố trí diện tích phù hợp cho xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và phải chú ý đến vấn đề xả nước thải vào nguồn nước để không làm ảnh hưởng đến môi trường và các tầng chứa nước.
Chỉ đạo phòng ban chuyên môn thực hiện tích hợp ranh giới phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ chi tiết quy hoạch xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 5, khoản 1 Điều 13 Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý nhà nước về xử lý chất thải trong chăn nuôi, sử dụng và thu gom hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. 
 
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện thực hiện tốt phương án quy hoạch thủy lợi, quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt nông thôn.


 
Tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố cấp Giấy phép hoạt động trong phạm vi công trình thủy lợi theo đúng quy định; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác tài nguyên nước mặt, giấy phép môi trường; thực hiện các biện pháp giảm thiểu đưa chất độc hại vào nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.

Chỉ đạo các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi xây dựng phương án cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi; tổ chức thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; phối hợp cùng các Công ty thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc công trình thủy lợi.
 
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, hướng dẫn đơn vị cấp nước sinh hoạt nông thôn lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo đúng quy định.
 
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, tham vấn ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá về quy hoạch phân bổ nguồn nước, phương án cấp nước, thoát nước, xả nước thải vào nguồn nước trong trường hợp thực hiện thủ tục đầu tư các dự án có đề xuất hoạt động khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên; khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản với quy mô từ 0,1m3/ giây trở lên; khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp từ 100m3/ ngày đêm trở lên; khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 50kW; khai thác nước biển phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền từ 10.000m3/ngày đêm trở lên; khai thác nước biển phục vụ các hoạt động trên biển, đảo.
 
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu phân bổ vốn đầu tư công ngân sách thành phố cho các chương trình, dự án đầu tư công về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
Sở Tài chính trên cơ sở đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ, đề án, dự án về tài nguyên nước và các nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Sở Giao thông vận tải tổ chức quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy, quản lý chặt chẽ hoạt động giao thông đường thủy, các công trình liên quan đến nguồn nước phải đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 50 Luật Tài nguyên nước.
 
Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường quản lý hoạt động thể dục, thể thao, giải trí liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phối hợp quản lý nguồn nước đảm bảo việc khai thác sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, không gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, cản chở dòng chảy và các ảnh hưởng xấu khác đến nguồn nước.
 
Cục Thuế thành phố ban hành các thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền chậm nộp, tiền phạt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế do quá thời hạn ghi trên thông báo (nếu có); đôn đốc người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí liên quan đề tài nguyên nước thuộc phạm vi, nhiệm vụ của cơ quan thuế quản lý thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước.
 
Thường xuyên rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, không khả thi trong chính sách thu thuế liên quan đến tài nguyên nước.
 
Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan, công an các quận, huyện tăng cường các biện pháp nắm tình hình, phát hiện kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo đúng quy định.
 
Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất.


 
Khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tận dụng tối đa nguồn nước mặt, đối với nước dưới đất chỉ nên sử dụng cho vùng khan hiếm nước mặt; ưu tiên khai thác nước dưới đất có chất lượng nước tốt để phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt, chế biến lương thực, thực phẩm; vận động tổ chức cá nhân tham gia bảo vệ nguồn nước.
 
Kịp thời phản ánh các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước.
 
Uỷ ban nhân dân các quận, huyện thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; hòa giải, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khoan, đào, nhất là đối với hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ theo quy định tại Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất.
 
Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas trước khi xả thải ra môi trường; tổ chức vận động nhân dân thu gom, xử lý vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, không vệ sinh dụng cụ bón phân, bình phun thuốc trên sông, suối, kênh mương nhằm tránh gây ô nhiễm nguồn nước.
 
Chỉ đạo điều tra, thống kê các giếng khoan, giếng đào đang sử dụng và các giếng không sử dụng; đối với các giếng không sử dụng, yêu cầu chủ quản lý giếng phải thực hiện trám lấp theo quy định để bảo vệ tầng chứa nước; định kỳ gửi báo cáo tổng hợp về Sở Tài nguyên và Môi trường kết quả thống kê và trám lấp giếng theo quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng.
 
Chỉ đạo các phòng chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công trình cấp nước nông thôn, bảo vệ nghiêm ngặt chất lượng nguồn nước.
 
Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức tiếp nhận, kiểm tra, lưu trữ và quản lý hồ sơ đăng ký khai thác nước dưới đất đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác nước dưới đất với quy mô dưới 10m3/ngày đêm theo quy định tại Điều 4, Điều 6 Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Điều 10 Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
 
Phối hợp với các đơn vị quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tổ chức xác định trên thực địa và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ các quy định trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình khai thác, sử dụng nước, các nguồn thải vào nguồn nước trên địa bàn.
 
Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; tổ chức vận động Nhân dân thu gom, xử lý vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, không vệ sinh dụng cụ bón phân, bình phun thuốc trên sông, suối, kênh mương nhằm tránh gây ô nhiễm nguồn nước.

Chi tiết văn bản số 4855/UBND-KS xin mời xem Tại đây

Tác giả bài viết: DWRM

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi