Do đặc điểm sông có bậc thềm sông hẹp, sườn dốc, nhiều thác ghềnh, dòng chảy mạnh, tỉnh Lâm Đồng có lượng mưa tương đối lớn, khoảng 19,5 tỷ m3/năm, nhưng thiếu nước vào mùa khô, nguyên nhân là do sự phân bố không đều của các dòng chảy theo không gian và thời gian, mùa lũ chiếm tới 85-90% tổng lượng dòng chảy của cả năm. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước chính vẫn là nước mặt thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Nếu không tính đến thủy điện, thì các giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt để cấp nước sinh hoạt chiếm 80% lượng nước đã cấp phép.
Về công tác quản lý tài nguyên nước, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tại Quyết định số 149/QĐ-UBND ngày 21/01/2016. Trong năm 2020, tỉnh đã chỉ đạo công tác tiến hành xây dựng, khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Trong năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp 55 giây phép tài nguyên nước mặt (09 giấy phép hành nghề khoan quy mô vừa và nhỏ; 20 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; 06 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 01 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và 19 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước).
Về phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tính đến 30/12/2020 UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt 122 trường hợp tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền là hơn 29,6 tỷ đồng. Đối với các giấy phép sử dụng nước mặt thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến nay đã phê duyệt 24 trường hợp với tổng số tiền là 448,2 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 12/2020, tổng số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã thu là 56,7 tỷ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tại Quyết định số 2766/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 với 504 đoạn sông, suối, 01 hồ tự nhiên, 30 hồ chứa thủy điện và 220 hồ thủy lợi phải lập hành lang bảo vệ. Trong năm 2020 tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ với các đoạn sông, suối và hồ tự nhiên và sẽ triển khai từ năm 2021 đến năm 2023. Với các hồ chứa nước (thủy điện, thủy lợi) đã yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định của Nghị định số 43/2015/ND-CP ngày 06/5/20 15 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Trong năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành thanh kiểm tra đối với 05 cơ sở, sản xuất kinh doanh, có sử dụng nước và xả thải vào nguồn nước. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các cơ quan chức thực hiện giám sát kiểm tra các cơ sở có loại hình hoạt động gây ô nhiễm về môi trường và nguồn nước.