Trong tháng 11/2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Quyết định, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh, nguồn nước liên tỉnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm kê tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh, nguồn nước trên địa bàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.
Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải đăng ký, không phải xin phép
Quyết định cũng quy định cụ thể các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải đăng ký, không phải xin phép bao gồm: Khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt hộ gia đình; xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô nhỏ không vượt quá 5 m3/ngày đêm và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ; xả nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định; xả nước thải nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 10.000m3/ngày đêm hoặc nuôi trồng thủy sản trên sông, suối, hồ chứa.
Thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép tài nguyên nước
Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép hoạt động tài nguyên nước đối với các trường hợp sau: Thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000 m3/ngày đêm; Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng dưới 2 m3/giây; Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy dưới 2.000 kw; Khai thác sử dụng nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng dưới 50.000 m3/ngày đêm; Khai thác, sử dụng nước biển cho mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng dưới 100.000 m3/ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; xả nước thải với lưu lượng dưới 3.000 m3/ngày đêm đối với các hoạt động khác.
Đối với lưu lượng lớn hơn hoặc khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.
Ngoài ra, Quyết định cũng quy định rõ nghĩa vụ tài chính về tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các đối các tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và thuộc các trường hợp sau: Khai thác, sử dụng nước để phát điện thương mại; Khai thác nước mặt, nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp; Khai thác nước dưới đất với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lê để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động tài nguyên nước phải nộp phí thẩm định, lệ phí cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định. Mức thu sẽ được áp dụng theo quy định của UBND tỉnh ban hành.
Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND cũng nêu các quy định về hồ sơ và trình tự cấp phép, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép về tài nguyên nước. Ngoài ra, cũng quy định cụ thể về đình chỉ, thu hồi giấy phép tài nguyên nước và trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước của các cơ quan liên quan.
Quyết định này có hiệu lực sau 6/12/2014 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 84/2008/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh.