Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban KH,CN&MT; Đồng chí Trần Ngọc Hoa, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT; đại diện đoàn ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Lai Châu; Đồng chí Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường); cùng đại điện một số cơ quan liên quan.
Làm việc tại tỉnh Hòa Bình, Đoàn đã nghe đại diện Công ty thủy điện Hòa Bình báo cáo về công tác quản lý, khai thác, sử dụng nước, tài chính về nước trong lĩnh vực thủy điện.
Ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, trong suốt 34 năm vận hành, thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất, nhiệm vụ chống lũ, Nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn vận hành đảm bảo an toàn công trình, điều tiết cắt nhiều trận lũ đảm bảo an toàn, giảm nhẹ thiên tai, trong đó có trận lũ lớn lịch sử năm 1996.
Công ty thực hiện nộp thuế tài nguyên nước hàng năm đầy đủ theo quy định. Giá trị nộp thuế tài nguyên nước các năm được tính trên sản lượng điện. Hàng năm, Công ty nộp thuế tài nguyên nước tại tỉnh Hòa Bình và Sơn La, là nơi có lưu vực hồ với tổng giá trị nộp thuế tài nguyên nước khoảng hơn 800 tỷ đồng mỗi năm.
Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng Đoàn khảo sát thực tế tại Công ty Thủy điện Hòa Bình
“Việc khai thác hồ chứa thủy điện Hòa Bình trong những năm qua cơ bản an toàn cho công trình và hạ du, tận dụng được nguồn tài nguyên nước quý giá. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành theo quy trình hiện nay cũng có những vấn đề bất cập, chưa phù hợp với thực tế diễn biến thủy văn. Theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, quy định mực nước hồ để cố định theo từng thời kỳ lũ, trong khi đó, tình hình thủy văn biến đổi bất thường, có năm lũ về sớm, có năm không có lũ vào mùa lũ chính vụ. Với quy định mực nước hồ cố định theo thời gian như hiện nay, nhiều năm lượng nước xả thừa qua tràn xả lũ tương đối lớn trong khi vào cuối mùa lũ rất khó khăn tích đầy nước hồ nếu không tiết giảm suất phát điện. Điều này gây tổn thất lớn về điện năng và thiếu nước phục vụ cho nông nghiệp vào mùa khô nhất là vụ Đông Xuân” - Ông Phạm Văn Vương cho biết.
Theo ông Phạm Văn Vương, dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) lần này đã có những sửa đổi, đặc biệt là nội dung xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa hướng tới theo thời gian thực góp phần tiết kiệm, tránh xả thừa lãng phí nước.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban KH,CN&MT phát biểu tại buổi làm việc với Công ty Thủy điện Hòa Bình
Góp ý đối với dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi), Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cũng đề nghị rà soát lại quy định về dòng chảy tối thiểu (khoản 17, Điều 3); điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước (điểm a, khoản 2, Điều 40). “Bên cạnh đó, tại khoản 3, Điều 42 quy định: Quy trình vận hành liên hồ chứa phải đảm bảo duy trình dòng chảy tối thiểu, phòng chống lũ lụt, hạn hán, thiếu nước cho hạ du và bố trí dung tích đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của hồ chứa, bao gồm cả dung tích phòng, chống lũ, an toàn cấp nước trong điều kiện thời tiết bình thường và thời tiết bất thường, biến động về nguồn nước có tính đến tác động của biến đổi khí hậu. Đề nghị xem xét nội dung này vì nếu ràng buộc dung tích phòng lũ như vậy thì có thể mâu thuẫn với khoản 4 điều này, theo đó quy trình liên hồ chứa phải được xây dựng hướng tới việc vận hành theo thời gian thực” - Ông Phạm Văn Vương kiến nghị.
Quang cảnh buổi làm việc tại Công ty Thủy điện Hòa Bình
Làm việc tại tỉnh Sơn La, Đoàn công tác đã nghe Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La báo cáo về kết quả công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là kết quả triển khai Luật tài nguyên nước 2012 và các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan; các khó khăn, vướng mắc khi triển khai các văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên nước tại địa phương; và các đề xuất, kiến nghị trong xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo báo cáo của Sở TN&MT Sơn La, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo; Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở ngành, UBND cấp huyện triển khai các nhiệm vụ cụ thể để tăng cường công tác quản lý và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước. Từ năm 2019 đến nay không xảy ra tình trạng ô nhiễm, mất nước đối với các nguồn nước cấp cho sinh hoạt; nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, các hoạt động sản xuất kinh doanh được đảm bảo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Ngay sau khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Sở TN&MT tổ chức triển khai các nội dung về quy hoạch tài nguyên nước theo Điều 15 đến Điều 19 Luật Tài nguyên nước năm 2012 để có cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên nước. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt các quy hoạch sau: Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (Quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 28/8/2012); Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Sơn La từ năm 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 3603/QĐ-UBND ngày 30/12/2014). Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham gia thẩm định các nội dung Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra tại Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang triển khai thực hiện; yêu cầu đơn vị tư vấn cập nhật các nội dung liên quan của Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 vào Quy hoạch tỉnh.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sơn La
Về công tác điều tra cơ bản, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 Phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2372/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 Phê duyệt Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với các nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Sơn La. Hiện nay, Sở TN&MT đã hoàn thành lập đề cương, dự toán nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 đối với các nguồn nước nội tỉnh” và nhiệm vụ “Lập, ban hành Danh mục nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Sơn La” để trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo.
Cùng với đó, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường tuyên truyền về công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương về lĩnh vực tài nguyên nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước để kết nối với cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, dự kiến dự án sẽ vận hành trong năm 2023. Ngoài ra, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã ký cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Công tác bảo vệ tài nguyên nước được quan tâm thực hiện. Tỉnh Sơn La đã phê duyệt Danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước; vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; phê duyệt dòng chảy tối thiểu trên các suối chính; phê duyệt Danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp trên địa bàn tỉnh và các địa phương đã hoàn thành việc trám lấp; cắm mốc vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban KH,CN&MT phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sơn La
Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tham mưu thành lập các Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; thực hiện các hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chế biến nông sản thông qua việc lắp đặt hệ thống camera giám sát việc xử lý chất thải trong quá trình chế biến và truyền hình ảnh về Sở để theo dõi, quản lý. Kết quả trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường ảnh hưởng đến nguồn nước và đời sống nhân dân, nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất được đảm bảo.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 58 dự án thủy điện đang vận hành. Kết quả rà soát cho thấy, các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh đều đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa; phương án bảo vệ đập, hồ chứa; phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; phương án phòng chống thiên tai; thực hiện nghiêm túc việc kiểm định an toàn đập đảm bảo nhiệm vụ vận hành và chống lũ.
Việc cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước được triển khai thực hiện đáp ứng các quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn. Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 182 giấy phép tài nguyên nước. Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất đã được quản lý, cấp phép theo đúng quy định của pháp luật.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, định kỳ và đột xuất đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước.
Bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực tài nguyên nước còn một số nội dung chưa quy định rõ ràng gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện (Việc xác định nguồn nước mặt, nước dưới đất; tính toán số lợi bất hợp pháp; giải quyết tranh chấp nguồn nước tại cơ sở; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính tại cấp huyện,...); Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước tại cấp huyện còn hạn chế do thiếu nguồn lực về con người, kinh phí; ....
Góp ý đối với dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi), Sở TN&MT Sơn La cũng đã có báo cáo góp ý chi tiết đối với Dự thảo 5 Luật tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm làm rõ một số khái niệm, nội dung trong dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại địa phương.
Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khảo sát thực tế tại Công ty Thủy điện Sơn La
Làm việc tại tỉnh Lai Châu, đại diện UBND tỉnh cho biết, triển khai Luật tài nguyên nước 2012 và các văn bản hướng dẫn liên quan, UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang triển khai lập quy hoạch tỉnh trong đó có phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thời kỳ 2021-2030; tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Sở TN&MT đã tham mưu trình UBND tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch số 1000/KH-UBND ngày 31/3/2022 về việc điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với các nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu; ban hành danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh; phê duyệt Danh mục hồ, ao không san ấp trên địa bàn tỉnh; xây dựng danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Lai Châu;…
Đến tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 100 giấy phép tài nguyên nước, trong đó có 32 giấy phép do UBND tỉnh cấp và 68 giấy phép do Bộ TN&MT cấp. Công tác tính thuế tài nguyên; thu nộp và quản lý phí, lệ phí cấp phép tài nguyên nước được thực hiện rõ ràng, đầy đủ và nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định;….
Góp ý đối với dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi), đại diện UBND tỉnh Lai Châu cũng đã có những góp ý cụ thể tại các Điều, khoản của dự thảo Luật. Cùng với đó, UBND tỉnh Lai Châu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế tài chính, công cụ kiểm soát, giám sát tài nguyên nước hiệu quả; đảm bảo giá trị kinh tế của sản phẩm nước; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước, làm các dịch vụ về nước;…nhằm đảm bảo tính thống nhất và khả năng thực thi, phát triển bền vững tài nguyên nước.
Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khảo sát thực tế tại Công ty Thủy điện Lai Châu
Phát biểu kết luận tại các buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác quản lý tài nguyên nước và triển khai thực hiện Luật tài nguyên nước 2012 tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu trong thời gian qua. Đồng thời, Đoàn công tác cũng đã ghi nhận, tiếp thu các nội dung trao đổi, kiến nghị của UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật để bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương và các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (5/2023) và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 (10/2023). Để đảm bảo chất lượng dự luật trước khi được thông qua, dự thảo luật tiếp tục được xin ý kiến, tham vấn chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động nhằm chỉnh lý, hoàn thiện đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế trong luật hiện hành/.