646 nghìn ha lúa đông xuân bị hạn hán và nước mặn * Mực nước các hồ chứa cả nước chỉ đạt bình quân 42 đến 67% lưu lượng thiết kế * 15 tỉnh có các khu vực cảnh báo cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm
Theo Cục Trồng trọt, đến đầu tháng 4, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn xâm nhập đã ảnh hưởng đến 620 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 40% diện tích toàn vùng, tại các tỉnh ven biển Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre. Trong đó, khoảng 100 nghìn ha lúa giảm năng suất. Trong tháng 4 và đầu tháng 5, nước mặn tiếp tục lên cao tại các tỉnh ven biển, tiếp tục ảnh hưởng đến vụ sản xuất hè thu. Các địa phương cần tính toán và có lịch thời vụ xuống giống hợp lý, vừa tránh mặn xâm nhập, vừa tránh được dịch rầy nâu.
Theo Tổng cục Thủy lợi, khô hạn tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới năng suất của khoảng 26 nghìn ha lúa đông xuân ở vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên cả nước đạt thấp (trung bình 5 đến 10 mm). Mực nước trên các con sông đang cạn kiệt, các trạm bơm thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, trạm bơm Triệu Xá (Bắc Ninh)... đã ngừng hoạt động. Nước ở các hồ chứa vùng Bắc Bộ chỉ đạt 57% so với mức thiết kế; các hồ chứa ở vùng Bắc Trung Bộ chỉ đạt 67%, các hồ chứa ở Ðông Nam Bộ chỉ đạt 42%.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðác Nông, do công trình thủy điện Buôn Tua Srah vận hành với lưu lượng xả mạnh, tình trạng sạt lở bờ sông đang xảy ra trầm trọng trong mùa khô năm nay, đoạn sông qua huyện Krông Nô bị uốn cong, đổi hướng liên tục, làm sạt lở 1,5 đến 2 m. UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Bộ Công thương và Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam có phương án khắc phục tình trạng trên.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, trong vụ lúa hè thu, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến 60 nghìn ha lúa của tỉnh, trong đó 30 nghìn ha cần được hỗ trợ khẩn cấp về nước tưới. Hiện đã có 12 nghìn ha bị xâm nhập mặn và người dân vùng nhiễm mặn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho nông dân bơm nước chống hạn vụ lúa hè thu; đầu tư nạo vét 76 công trình kênh cấp 2 tạo nguồn và hỗ trợ lu chứa nước ngọt cho ba nghìn hộ nghèo vùng mặn chứa nước phục vụ sinh hoạt trong mùa khô.
Tỉnh Sóc Trăng hiện gieo cấy được 50.400 ha lúa hè thu, trong đó gần một nửa diện tích thiếu nước tưới hoặc bị mặn xâm nhập. Nhiều hộ dân đã khoan giếng nước ngay tại ruộng lúa để bơm nước lên cứu lúa. Chi phí khoan một giếng ở độ sâu hơn 100 m hết 6,5 triệu đồng. Mặc dù việc khoan giếng có tác dụng trước mắt nhưng về lâu dài sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm trên địa bàn.
Theo Cục BVTV, hiện đã có 21.390 ha lúa vụ đông xuân của 25 tỉnh thành phía bắc bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, các địa phương đã phải tiêu hủy 21 ha. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức công bố dịch từ tỉnh Quảng Ngãi trở ra. Với những địa phương đã công bố dịch, Nhà nước hỗ trợ bốn triệu đồng/ha lúa phải nhổ, 100% tiền mua thuốc trừ rầy.
Ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đại diện của tổ chức Chương trình hợp tác nước và khí hậu Hà Lan (CPWC) xem xét, hỗ trợ 10 triệu ơ-rô từ quỹ tài trợ của Chính phủ Hà Lan, trong đó hai triệu ơ-rô nhằm xây dựng các chính sách về quản lý tài nguyên nước, hai triệu ơ-rô nâng cao kiến thức, năng lực quản lý của cán bộ và sáu triệu ơ-rô triển khai các chương trình, kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo Cục Kiểm lâm, tính đến 4-4, mặc dù trên địa bàn cả nước đã rải rác có mưa, nhưng vẫn còn 15 tỉnh có các khu vực cảnh báo cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, sáu tỉnh có các khu vực cảnh báo cháy rừng ở cấp IV. Cục Kiểm lâm cảnh báo, các địa phương có mức cảnh báo cháy rừng cấp V cần đề phòng cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì hầu hết các kiểu rừng ở khu vực này dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.
Tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, với 300 người tham gia. Tình huống giả định là cháy 2 ha rừng ở thôn Khạ. Các lực lượng tham gia chữa cháy theo phương châm "bốn tại chỗ", báo cháy, huy động nhân dân dập và làm đường băng cản lửa, nhanh chóng dập tắt đám cháy.
Ðoàn công tác T.Ư do Trung tướng Trần Ðại Quang, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Sau khi thực tế tại các Vườn quốc gia U Minh Thượng, U Minh Hạ, rừng ngập mặn tại hai huyện Ngọc Hiển và Năm Căn, nghe Ban Chỉ đạo PCCR các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau báo cáo tình hình, đoàn công tác đề nghị hai tỉnh cần làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về nguy cơ, tác hại của cháy rừng; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong PCCR. Các lực lượng, đặc biệt là lực lượng tại chỗ cần phối hợp chặt chẽ, tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, thường xuyên kiểm tra, tổ chức ứng trực nhằm phát hiện và dập tắt kịp thời các vụ cháy xảy ra...