Đập cừ thép trên kênh xáng Rạch Giá - Hà Tiên, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) giúp ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: LÊ HUY HẢI
Chiều 19-12, tại cuộc họp về tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019 - 2020, Tổng cục Thủy lợi cho biết, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện sớm.
Đáng chú ý, từ giữa tháng 12-2019, nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền 40 đến 50 km, cao hơn năm 2016 khoảng 3 đến 5 km. Tháng 1, tháng 2 và đến giữa tháng 3-2020, ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu vào đất liền 55 đến 110 km. Với tình trạng xâm nhập mặn như vậy gây rủi ro rất lớn cho vụ đông xuân tại khu vực cách biển 50 đến 60 km, sẽ tác động đến các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Kiên Giang.
Tổng diện tích tự nhiên thuộc vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn khoảng hơn 1,8 triệu héc-ta, không bao gồm các khu vực đã có công trình thủy lợi kiểm soát xâm nhập mặn. Vùng ảnh hưởng này cao hơn vùng ảnh hưởng của năm xâm nhập mặn lịch sử 2016 khoảng gần 50.000 ha và làm hơn 120 nghìn hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.