1. Hoàn thiện thể chế, chính sách
a) Hai Bên cùng phối hợp thực hiện nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để thu hút nguồn lực tài chính đầu tư cho các dự án thuộc các lĩnh vực môi trường, đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu; hỗ trợ nghiên cứu cơ sở lý luận để đề xuất quy định về thế chấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước hoàn thiện chính sách tiền tệ, tín dụng trong nước nhằm thúc đẩy sự phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thông tin định hướng, chiến lược và chính sách quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; các chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên trong lĩnh vực môi trường, đất đai, khoáng sản và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 để BIDV có định hướng phát triển các hoạt động tín dụng xanh.
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận thông tin của BIDV về những khó khăn, vướng mắc thực tế trong hoạt động tín dụng, xử lý nợ liên quan đến lĩnh vực môi trường, đất đai, khoáng sản và ứng phó với biến đổi khí hậu để có hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan.
2. Tài trợ phương án vay vốn, dự án đầu tư cho các lĩnh vực môi trường, đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu
a) Hai Bên phối hợp, trao đổi thông tin và xây dựng các chương trình, dự án tài trợ nhằm thu hút, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia triển khai các hoạt động trong lĩnh vực môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; nghiên cứu mô hình sử dụng đất, tài nguyên nước tối ưu nhằm đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, tuân thủ đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và mục đích sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, chiến lược và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu các đối tác, cung cấp thông tin về các dự án trong lĩnh vực môi trường, đất đai, khoáng sản và ứng phó với biến đổi khí hậu, các dự án phát thải các-bon thấp có nhu cầu hợp tác với Ngân hàng, hợp tác chặt chẽ với BIDV và khách hàng của các dự án này để hỗ trợ thực hiện các yêu cầu hồ sơ tín dụng của BIDV bao gồm hỗ trợ cung cấp dữ liệu đánh giá tác tác động môi trường (ĐTM), dữ liệu về các khu vực cảnh báo ô nhiễm môi trường, các báo cáo hiện trạng môi trường, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến môi trường, đất đai, khoáng sản trong hồ sơ pháp lý dự án đầu tư của khách hàng…
c) BIDV ưu tiên đầu tư cho các hoạt động tài trợ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đặc biệt các dự án phục vụ mục tiêu chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như phát triển sản xuất, phân phối các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho các dự án này tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững của đất nước.
d) BIDV thiết kế và triển khai các sản phẩm tài chính bền vững phù hợp với thị trường Việt Nam trên cơ sở thông lệ quốc tế như: (i) Trái phiếu và khoản vay xanh, xã hội, bền vững, (i) Trái phiếu và khoản vay liên kết bền vững… hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển phát thải các-bon thấp tại Việt Nam.
đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ BIDV xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường, tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro môi trường và chỉ tiêu, chỉ số đánh giá mục tiêu và hiệu suất phát triển bền vững của các dự án tài trợ bền vững, dự án ưu tiên ứng phó biến đổi khí hậu cũng như tiêu chí lựa chọn các dự án; thực hiện các đánh giá kỹ thuật về năng lực triển khai các hoạt động giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của khách hàng để phục vụ hoạt động thẩm định và xét duyệt tín dụng của BIDV.
3. Thực hiện vai trò ngân hàng trung gian
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thông tin và giới thiệu các nhà tài trợ, đối tác quốc tế tiềm năng để BIDV tiếp cận hợp tác và đề xuất cùng tham gia với vai trò là ngân hàng trung gian hoặc ngân hàng đồng tài trợ thông qua các hình thức viện trợ không hoàn lại, vay ODA, vay theo hạn mức tín dụng, vay thương mại, đồng tài trợ dự án… phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam để đầu tư, hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên xem xét sử dụng các dịch vụ của BIDV trong quá trình triển khai các dự án liên quan trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
c) Các nhiệm vụ, dự án phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, có ý kiến bằng văn bản đảm bảo phù hợp với các nhiệm vụ ưu tiên trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; không trùng lặp với các nhiệm vụ, dự án đang triển khai và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành làm căn cứ để BIDV thực hiện các thủ tục đầu tư, cung cấp tín dụng.
4. Phát triển thị trường các-bon
Hai Bên phối hợp nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và vận hành sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon của các nước trên thế giới, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển thị trường các-bon trong nước phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
5. Hợp tác về truyền thông, đào tạo, tham gia hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế
a) Trên cơ sở nhu cầu và khả năng của hai Bên, BIDV xem xét tài trợ các cuộc tọa đàm, hội nghị, hội thảo, hoạt động truyền thông trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế tuần hoàn; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, giới thiệu các quy định pháp luật mới trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường; cung cấp các khóa đào tạo cho doanh nghiệp về vai trò của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn, ứng dụng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong doanh nghiệp.
b) Phối hợp đẩy mạnh hoạt động truyền thông về phát triển thị trường các-bon, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chương trình, dự án liên quan đến thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon và thị trường các-bon trong nước, kết nối với thị trường các-bon khu vực và thế giới.
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp tổ chức đào tạo hoặc giới thiệu và hỗ trợ BIDV tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo trong nước và quốc tế về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển ít phát thải, các tiêu chuẩn công nghệ có liên quan tới môi trường, biến đổi khí hậu của Việt Nam phù hợp với quốc tế; thẩm định đối với các dự án môi trường, ứng phó với với biến đổi khí hậu cũng như các xu hướng tài chính bền vững trên thế giới và tại Việt Nam, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động triển khai và tài trợ bảo vệ môi trường, kinh tế các-bon thấp nhằm giúp BIDV nâng cao năng lực triển khai hoạt động tài chính bền vững và khả năng tiếp cận thị trường tài chính quốc tế phục vụ mục tiêu trung hòa các-bon của Việt Nam.
Nguồn tin: Monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn