Hội nghị COP 21 diễn ra từ 29/11 - 12/12/2015 tại Thủ đô Paris, Pháp. Đại diện 195 nước tham dự Hội nghị COP 21 đã chính thức thông qua Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận này là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc suốt hơn 2 thập kỷ qua nhằm thuyết phục Chính phủ các nước hợp tác để giảm khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái Đất.
Hội nghị bao gồm các phiên họp của Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), Hội nghị lần thứ 11 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP 11), Khóa họp thứ 43 Ban bổ trợ về tư vấn khoa học và công nghệ (SBSTA 43), Khóa họp thứ 43 Ban bổ trợ về thực hiện (SBI 43), Khóa họp lần thứ hai Nhóm công tác đặc biệt về thúc đẩy Diễn đàn Durban-phần 12 (ADP2.12).
Dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam dự Hội nghị, trong phát biểu tại phiên khai mạc COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đưa ra cam kết của Việt Nam sẽ góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH và Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 – 2020. Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng Ban công tác đàm phán về BĐKH cho biết, nội dung thoả thuận Paris cũng được Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp và đã có nhiều đóng góp trực tiếp tại các phiên họp các nhóm cũng như tại phiên họp toàn thể của Hội nghị, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam cũng như xây dựng Thỏa thuận.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Phó trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu cho biết, tại Hội nghị COP21 lần này Việt Nam lần đầu tiên sau 20 kỳ họp COP đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện bên lề tại COP. Nhiều hoạt động đa dạng phong phú về hình thức và nội dung đã được triển khai, thu hút quan tâm của các đại biểu quốc tế dự COP21, bao gồm các phiên đối thoại cấp cao, các hội thảo bên lề, các cuộc họp song phương, trưng bày triển lãm hình ảnh ấn phẩm về thành tựu ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, về đất nước con người Việt Nam.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phát biểu tại buổi họp báo
Sự tham gia tích cực cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 đã được nhiều quốc gia chia sẻ và đánh giá cao, qua đó đóng góp thiết thực cho thành công của Hội nghị lịch sử này.
Tại họp báo, đại diện UNDP, các thành viên đoàn đàm phán cũng chia sẻ thêm về những nỗ lực của Việt Nam trong các phiên họp, và đưa ra các cơ hội, thách thức của Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris.
Quang cảnh buổi họp báo
Kết thúc buổi họp báo, Thứ trưởng Trần Hồng Hà gửi lời cảm ơn các đối tác quốc tế như UNDP, WB... đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc xây dựng Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định; các hoạt động của Việt Nam tại Hội nghị COP21. Đồng thời Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới các cơ quan thông tấn báo chí đã phản ánh khá đầy đủ diễn biến Hội nghị COP21. và mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí sẽ tiếp tục truyền tải đầy đủ nội dung và ý nghĩa lịch sử của Thỏa thuận Paris cũng như nỗ lực của Việt Nam đã đóng góp vào thành công của Hội nghị COP21 tới người dân, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng để cùng chung tay với thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu.