Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm xây dựng thể chế, chính sách quản lý tài nguyên nước; công tác thực hiện quy hoạch lưu vực sông; cơ hội và tầm nhìn đối với công tác quy hoạch lưu vực sông tại Việt Nam, thí điểm triển khai thực hiện tại lưu vực sông Đồng Nai.
Chia sẻ kinh nghiệm quy hoạch lưu vực sông lưu vực Murray-Darling, ông George Warne, Cơ quan Hợp tác ngành nước Australia cho biết, lưu vực Murray Darling với mật độ dân số khoảng 2.2 triệu người trên 1 km2, trong đó có 120.000 người dân tộc từ hơn 40 bộ tộc. Hầu hết lưu vực có lượng mưa thấp và bốc hơi cao (khí hậu khô hạn); Lưu lượng trung bình 28 mm/năm; ở lưu vực phía Bắc, lượng mưa trong mùa hè chiếm ưu thế; ở lưu vực phía Nam, lượng mưa trong mùa đông chiếm ưu thế.
Quang cảnh buổi làm việc
Ông George Warne cũng cho biết, tại Australia có một số cách thức quy hoạch như: Quy hoạch chiến lược; Quy hoạch tổng thể và hướng dẫn thực hiện quy hoạch (được hướng dẫn bởi các chính sách và pháp luật, đặt ra các quy định về quản lý nước). Theo đó, hệ thống liên bang và các bang có trách nhiệm thực hiện theo Hiến pháp về công tác quản lý tài nguyên nước, từ cấp độ quốc gia/xuyên biên giới đến cấp bang và cấp địa phương.
Việc phân cấp tổ chức và quy hoạch được thể hiện như sau: (1) Định hướng chính sách quốc gia (Nguyên tắc và phương hướng quốc gia: khung quản trị; trách nhiệm); (2) Các thỏa thuận và kế hoạch xuyên biên giới (Quy hoạch lưu vực: Giới hạn quy mô lưu vực, chia sẻ giữa các bang, các mục tiêu về môi trường nước); (3) Luật pháp Bang (Quy định toàn tiểu bang: Kế hoạch phân bổ, các quyền về nước; việc tuân thủ và giám sát tài nguyên nước); (4) Quy hoạch khu vực (Quy hoạch tài nguyên nước: Các giới hạn về khu vực nước ngầm và nước mặt, quy định về tài nguyên nước, quy tắc vận hành các cơ sở hạ tầng nước); (5) Chính sách địa phương (Quy hoạch địa phương và hướng dẫn: Quy hoạch sử dụng và thoát nước, phát triển có kiểm soát).
Theo ông George Warne, nước là nguồn tài nguyên có hạn. Điều quan trọng là không được chủ quan trong những năm nhiều nước. Quản lý tài nguyên nước hiệu quả cần xem xét tất cả các mục đích sử dụng nước: Sử dụng nước tiêu hao và không tiêu hao; cân bằng các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường; lắng nghe và tham vấn cộng đồng để có những chính sách tốt nhất;… Công tác quy hoạch lưu vực sông sẽ xem xét việc chia sẻ giữa tổng lượng nước có thể sử dụng và cân đối, hài hòa các vấn đề về môi trường;…
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm xây dựng thể chế, chính sách quản lý tài nguyên nước; công tác thực hiện quy hoạch lưu vực sông
Tại buổi làm việc, các cán bộ của Cục Quản lý tài nguyên nước đã có những chia sẻ về công tác quy hoạch tài nguyên nước tại Việt Nam, các thách thức và kế hoạch, nội dung quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai. Trên cơ sở đó, các chuyên gia AWP cũng đã có những trao đổi, hỗ trợ Cục Quản lý tài nguyên nước trong việc xác định các vấn đề chính ở lưu vực sông Đồng Nai và các quy hoạch đã được ban hành; chia sẻ kinh nghiệm Australia về các nội dung trong quy hoạch lưu vực sông; xây dựng nguyên tắc/tầm nhìn cho các vấn đề trong hợp tác thực hiện quy hoạch lưu vực sông ở Việt Nam nói chung và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai nói riêng.