Các đại biểu tham dự Phiên họp lần thứ 50 Uỷ ban Liên hợp của Ủy hội sông Mê Công quốc tế diễn ra vào ngày 01/10 mới đây đã rất phấn khích khi Uỷ ban Liên hợp thông qua một bản Kế hoạch hành động nhằm thực hiện Chiến lược phát triển và giám sát nguồn lợi thủy sản trong lưu vực. Được Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế thông qua tại Phiên họp lần thứ 24 vào tháng 11 năm 2017, Chiến lược phát triển và giám sát nguồn lợi thủy sản trong lưu vực được xác lập nhằm hỗ trợ phát triển và quản lý thuỷ sản trên toàn lưu vực một cách bền vững thông qua các hoạt động đối thoại, thoả thuận giữa các quốc gia thành viên và lồng ghép trong kế hoạch quốc gia ngành thuỷ sản.
Lưu vực sông Mê Công được coi là lưu vực sông có một nguồn lợi thủy sản nước ngọt đa dạng và phong phú nhất trên thế giới. Các ước tính mới đây cho thấy, quần thể sinh vật của khu vực sông Mê Công có khoảng 1.148 loài cá, 20.000 loài thực vật, 430 loài động vật có vú, 1.200 loài chim và 800 loài bò sát và động vật lưỡng cư. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế, gia tăng dân số dẫn tới đánh bắt quá mức đã và đang gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường sống của các quần thể sinh vật trong hệ thống sông Mê Công. Hiện nay, có 14 loài được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp (bao gồm cá heo Irrawaddy và cá da trơn khổng lồ sông Mê Công), 21 loài được liệt kê là có nguy cơ tuyệt chủng và 29 loài khác được coi là dễ bị tổn thương.
Trong hơn 10 năm qua, số lượng cá tự nhiên được đánh bắt đã tăng từ 0,4 tấn lên 2,3 tấn (giai đoạn 1991 - 2015). Mặc dù nỗ lực đánh bắt cá tăng lên nhưng hiện nay số lượng cá nhỏ lại chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng số sản lượng đánh bắt. Khai thác thủy sản là một trong những hoạt động ưu tiên được ngư dân ở các quốc gia thuộc hạ lưu sông Mê Công lựa chọn để đảm bảo sinh kế bền vững, tuy nhiên, khai thác quá mức không chỉ gây hậu quả sinh thái tiêu cực mà còn làm giảm sản lượng cá, dẫn đến hậu quả tiêu cực kinh tế xã hội.
Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp trực tuyến
Trong thời gian qua, Ban Thư ký và các Ủy ban sông Mê Công các quốc gia đã xây dựng Kế hoạch hành động để thực hiện Chiến lược phát triển và giám sát nguồn lợi thủy sản trong lưu vực nhằm hỗ trợ phát triển và quản lý thuỷ sản trên toàn lưu vực một cách bền vững thông qua các hoạt động đối thoại, thoả thuận giữa các quốc gia thành viên và lồng ghép trong kế hoạch quốc gia ngành thuỷ sản Kế hoạch hành động bao gồm 22 kết quả dự kiến và 56 hoạt động ưu tiên. Quá trình thực hiện Kế hoạch sẽ được lồng ghép vào thực hiện Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội sông Mê Công quốc tế giai đoạn 2021-2025.
“Việc Ủy ban Liên hợp thông qua Kế hoạch hành động để thực hiện Chiến lược phát triển và giám sát nguồn lợi thủy sản trong lưu vực sẽ là tiền đề thuận lợi cho các quốc gia thành viên thực hiện và quản lý một cách hiệu quả các nguồn lợi thủy sản ở Hạ lưu vực sông Mê Công bằng việc lồng ghép vào các quy hoạch ngành của mỗi quốc gia để đạt được sự bền vững của nghề cá và nguồn lợi thủy sản trong lưu vực” – Bà Nguyễn Hồng Phượng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết.
Khai thác thủy sản là một trong những hoạt động ưu tiên được ngư dân ở các quốc gia thuộc hạ lưu sông Mê Công lựa chọn để đảm bảo sinh kế bền vững
Bên cạnh đó, Phiên họp của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế cũng đã thông qua Kế hoạch thu thập và tạo dữ liệu để thực hiện Khung chỉ số của lưu vực sông Mê Công và Chiến lược Quản lý môi trường toàn lưu vực đối với tài sản môi trường tại các khu vực quan trọng. Phiên họp cũng thảo luận về hoạt động tham vấn và tiến độ các Dự án thuỷ điện Sa-na-kham, Xay-nha-by-nhy, Đôn Sa-hông, Pắc Beng và Pắc Lay của Lào.