Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hợp tác quốc tế

Người dân phản đối xây đập thủy điện Don Shahong

Thứ năm - 22/01/2015 17:33
Người dân phản đối xây đập thủy điện Don Shahong

Người dân phản đối xây đập thủy điện Don Shahong

"Thủy điện gây tác động lớn nên người dân không đồng tình là thỏa đáng. Ý kiến này phải được các quốc gia trong Ủy hội sông Mekong xem xét nghiêm túc".

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã nói như vậy trước kết quả tham vấn, khảo sát ý kiến người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long đối với việc xây dựng thủy điện Don Shahong tại Lào.

Đập thủy điện ảnh hưởng trực tiếp đến người dân

Cuộc khảo sát này do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) thực hiện với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ trong thời gian từ ngày 13/11/2014 đến 15/1/2015, được VRN công bố kết quả ngày 21/1.

Theo đó kết quả khảo sát qua internet cho thấy gần 100% người dân tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các nhà khoa học ở Hà Nội đều phản đối việc xây dựng đập Don Sahong cũng như các đập khác trên dòng chính của sông Mêkông.

Trong 1.196 người khảo sát qua internet đã có 1.170 người phản đối việc xây dựng đập trên sông Mekong, chỉ có 26 người đồng ý việc xây đập.

Qua phản ánh, người dân ĐBSCL khẳng định họ không có lợi từ việc xây dựng đập Don Sahong và các con đập khác trên dòng chính của sông Mekong. Ngược lại họ chịu rất nhiều rủi ro như ít được phù sa bồi đắp, tăng nguy cơ sạt lở đất, giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn gia tăng…. Những điều này ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của người dân.

Theo đó người dân ĐBSCL cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam đàm phán để đạt được thỏa thuận với Lào không xây dựng đập Don Sahong, hoặc trì hoãn thêm vài chục năm nữa để người dân chuẩn bị tâm lý và cách ứng phó, có giải pháp phù hợp hơn việc xây dựng thủy điện trên dòng sông Mekong tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch khác để thay thế thủy điện.

Trước các ý kiến này, TS Đào Trọng Tứ cho rằng việc người dân hạ nguồn sông Mekong lên tiếng là thỏa đáng.

"Hiện nay những người dân yêu cầu tất cả thông tin phải được minh bạch rõ ràng, vì cuộc sống của người dân Campuchia cũng như ĐBSCL của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào dòng sông này trong đó có lúa và thủy sản. Các trạm thủy điện trên dòng chính sông Mekong được xem là sẽ tác động rất lớn đến hạ lưu trong đó có cá, phù sa, phân bổ nước trong tương lai.

Do đó bài toán đánh đổi cho phát triển phải được cân nhắc xem được mất ra sao bởi không chỉ nước có sông chảy qua là có thể làm mà buộc phải nhìn nhận tất cả các tác động của nó đối với cộng đồng", TS Tứ nói.

Theo TS Tứ, Việt Nam nằm ở điểm cuối của hạ lưu sông Mekong, dù chỉ chiếm khoảng 8% diện tích lưu vực và khoảng 11% tổng lượng nước, nhưng lại có khoảng gần 20 triệu cư dân sinh sống (chiếm gần 1/3 tổng cư dân sống trong toàn bộ lưu vực). Sản lượng nông nghiệp của vùng chiếm trên 50% cả nước, riêng lương thực xuất khẩu 90%, cây ăn trái và thủy sản khoảng 70%.

"Chính vì vậy việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong sẽ gây nhiều hệ lụy. Do đó các ý kiến cần phải được xem xét một cách nghiêm túc và có trách nhiệm bởi con sông tạo được nguồn sống, đảm bảo an ninh lương thực không phải chỉ cho Việt Nam mà còn cung cấp lương thực cho nhiều nước trên thế giới. Do vậy ảnh hưởng này không chỉ mang tính cục bộ mà chưa thể lường trước hết", TS Tứ lo ngại.

Hiện có tới gần 20 triệu dân ĐBSCL sống phụ thuộc vào sông Mekong
Hiện có tới gần 20 triệu dân ĐBSCL sống phụ thuộc vào sông Mekong

Ủy hội cần lên tiếng

TS Tứ cho biết, việc VRN tiến hành khảo sát, tham vấn cộng đồng là phản ánh cả quá trình tham vấn chứ không phải chỉ riêng của cá nhân các nhà khoa học. Ý kiến này sẽ được gửi cho Ủy hội sông Mekong quốc tế và Ủy ban sông Mekong Việt Nam.

"Không chỉ người dân hạ lưu mà thông tin mới đây nhất, đa số các nước trong lưu vực không tán thành việc Lào xây dựng thủy điện Don Shahong và đề nghị kéo dài thêm quá trình tham vấn. Lý do là hiện nhiều thông tin chưa rõ ràng, có nhiều tác động cũng chưa được đánh giá hết", TS Tứ cho biết.

Bà Phạm Thị Cẩm Nhung, điều phối viên chính sách của tổ chức WWF cũng bày tỏ quan điểm với sông Mekong cần ưu tiên đảm bảo không có chia cắt đa dạng sinh học.

"Các quyết định đưa ra cần dựa trên nghiên cứu khoa học và tuân thủ Công ước về sử dụng nước sông Mekong đã được tất cả các nước phê chuẩn", bà Nhung nói.

Từng trực tiếp tham gia các buổi tham vấn người dân ĐBSCL, bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN Cà Mau, cho biết qua 12 cuộc tham vấn đã được thực hiện, có 6 cuộc với cộng đồng, 6 cuộc với  phụ nữ.

Tại đây 100% người dân đều phản ứng, không đồng ý các quốc gia xây thủy điện trên dòng sông chính vì người dân sống bằng nông nghiệp. Có 2 vấn đề cộng đồng quan tâm, nếu xây dụng đập tác động về vấn đề xã hội, tác động về bình đẳng giới, tác động đến đời sống phụ nữ và trẻ em, việc làm. Đặc biệt tác động đến sức khỏe.

"100 % đại biểu kiến nghị cơ quan chức năng tham mưu chính phủ: tăng cường ngoại giao làm sao tôn trọng hiện trạng, để cho đời con cháu sau này", bà Duyên nói.

Mặc dù các ý kiến vẫn chưa đi đến thống nhất song trên thực tế Lào vẫn đang đẩy mạnh hơn nữa quá trình xây dựng thủy điện Don Shahong.

"Giống như Xayabury, tức là trong khi các quốc gia trong lưu vực vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng của quá trình tham vấn thì Lào vẫn cố tình làm, như thế là chưa theo luật chơi", TS Tứ nói.

Theo đó ông Tứ cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục lên tiếng và đề nghị các nước trong Ủy hội lên tiếng để yêu cầu của các quốc gia được đáp ứng. Quan trọng hơn là tiếng nói của cộng đồng người dân trong lưu vực cần phải được xem xét đầy đủ bởi đây là câu chuyện đã được nhắc đến nhiều.

Sông Mê Kông có chiều dài 4.880 km, bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua địa phận 6 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Được đánh giá là con sông quốc tế đứng thứ 12 trên thế giới về độ dài và thứ 10 về lưu lượng dòng nước. Nó có tiềm năng rất lớn cho thủy điện, hoạt động nông nghiệp, thủy sản và kinh tế vận tải.

Tác giả bài viết: PV

Nguồn tin: baodatviet.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi