Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hợp tác quốc tế

Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước

Thứ tư - 30/03/2016 23:51
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và Bộ trưởng Melanine Schultz ký Biên bản phiên họp lần thứ 5

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và Bộ trưởng Melanine Schultz ký Biên bản phiên họp lần thứ 5

Sáng nay 30/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã phối hợp với Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan tổ chức phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.

Tham dự hội nghị, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang - Phó Chủ tịch phân ban Việt Nam; Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cùng đại diện các Bộ: Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cơ quan liên quan.


Quang c
ảnh Phiên họp
 
Về phía Chính phủ Hà Lan có Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan, Bà Melanie Schultz van Haegen - Chủ tịch phân ban Hà Lan; Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và các chuyên gia.

Phát biểu khai mạc tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, kể từ khi Chính phủ hai nước ký kết Thỏa thuận đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước, Việt Nam và Hà Lan đã cùng nhau trải qua chặng đường dài để đưa mối quan hệ Việt Nam - Hà Lan phát triển toàn diện và đi vào thực chất.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng cho biết, qua hơn 5 năm thực hiện Thỏa thuận, nhiều nội dung hợp tác cụ thể đã được hai bên ký kết và triển khai với sự tham gia hỗ trợ tích cực của nhiều Bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, cố vấn kỹ thuật của Hà Lan trên các lĩnh vực như: giáo dục đại học và sau đại học về quản lý nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái; hợp tác giữa hai thành phố Hồ Chí Minh - Rotterdam; dịch vụ về nước và khí hậu; nạo vét kênh tưới tiêu quy mô nhỏ,… và điển hình là sự hỗ trợ của Hà Lan trong việc xây dựng Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nền tảng của Kế hoạch đồng bằng Hà Lan nhằm đưa ra một tầm nhìn dài hạn và các gợi ý cho việc phát triển Đồng bằng sông Cửu Long an toàn, bền vững và trù phú.


 Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Phiên họp

“Tôi đặc biệt đề cao cách tiếp cận tổng thể của phía Hà Lan trong đó yêu cầu sự gắn kết cao giữa các vùng miền và các địa phương; giữa các cấp, các ngành; giữa khối doanh nghiệp tư nhân và các cơ sở nghiên cứu để xác định mục tiêu và đưa ra giải pháp toàn diện cho các vấn đề về nước và biến đổi khí hậu. Nhờ cách tiếp cận này, hợp tác của chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như xây dựng thành công Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long; hình thành Chiến lược thích ứng với khí hậu cho TP. Hồ Chí Minh đến năm 2100; triển khai dự án xử lý nước thải công nghiệp tại thành phố Đà Nẵng. Và tương lai là việc triển khai các thỏa thuận giữa thành phố Hà Nội và Amsterdam, thành phố Hồ Chí Minh- Rotterdam và các dự án thích ứng đô thị, nạo vét, xử lý nước đô thị, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình hợp tác với Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường. ” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan - Bà Melanine Schultz van Haegen cho biết, Chính phủ Hà Lan đánh giá cao Việt Nam trong việc ưu tiên vấn đề biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước.

Theo Bộ trưởng Melanine Schultz van Haegen, trong thời gian gần đây, Việt Nam cũng đã dành các nguồn lực và con người để đối phó với biến đổi khí hậu nhất là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Trong nỗ lực này, Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ của các nước. “Chính phủ Hà Lan luôn sẵn sàng giúp Việt Nam đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” -  Bộ trưởng Melanine Schultz khẳng định.


Bộ trưởng Melanine Schultz van Haegen phát biểu tại Phiên họp

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam và Hà Lan cũng đã đối thoại song phương về những vấn đề liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước bao gồm các nội dung như: Hợp tác giáo dục đại học và sau đại học về quản lý nước, thích ứng với BĐKH; các chương trình hợp tác kinh doanh; Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long - Khuôn khổ phát triển chung; Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra phía biển; Chương trình giữa hai Chính phủ về dịch vụ khí hậu và nước; Hợp tác Thành phố Hà Nội – Amsterdam; và một số nội dung hợp tác khác.
 
Phát biểu tại Phiên họp về nội dung Hợp tác giáo dục đại học và sau đại học về quản lý nước, thích ứng với BĐKH, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, việc Chính phủ Hà Lan  tài trợ cho các chương trình đào tạo đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững về tăng cường nguồn nhân lực chất ượng cao cho ngành nước. “Trong thời gian tới, tôi mong đợi các đối tác Hà Lan tiếp tục hỗ trợ, hợp tác về nghiên cứu đặc biệt tập trung vào các đối tượng là nhà quản lý, những nhà hoạch định chính sách cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với những đề tài nghiên cứu cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là hỗ trợ về chuyên môn, chuyên gia của phía Hà Lan để các nghiên cứu này mang tính thực tiễn cao, tích hợp được các kiến thức, kinh nghiệm của phía Hà Lan và có thể áp dụng được trong thực tiễn quản lý nhà nước hiện tại” – Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đề nghị.


Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Phiên họp
 
Phát biểu tại Phiên họp về nội dung hợp tác Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Melanie Schultz van Haegen cho biết, yêu cầu hỗ trợ của phía Việt Nam tại COP21 đã được chúng tôi đáp lại ngay lập tức. Tôi đã cử một nhóm chuyên gia của Bộ tới làm việc với Bộ TNMT, Bộ NN & PTNT, Bộ KH & ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ, và với các đại diện của 13 tỉnh ĐBSCL vào tháng hai năm nay về việc xây dựng các khuyến nghị trong Chương trình dài hạn cho ĐBSCL. “Bằng kiến thức, chuyên môn, và mối quan hệ với các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính quốc tế mà Hà Lan là nhà tài trợ chính, chúng tôi có thể đóng góp một phần cho quá trình chuyển đổi này”. – Bà Melanie Schultz van Haegen nhấn mạnh.

Thảo luận song phương về nội dung này, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao hỗ trợ của Hà Lan trong việc triển khai thực hiện nội dung Tuyên bố chung của Đối thoại cấp cao “Việt Nam kêu gọi các đối tác quốc tế chung tay cùng ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức bên lề Hội nghị các Bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 21 (COP21).

“Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam lại đang phải đối mặt với rủi ro thiên tai hạn hán cùng xâm nhập mặn trầm trọng. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang tập trung huy động tối đa nhân lực, vật lực để giúp đỡ vùng Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục những rủi ro này. Chúng tôi hy vọng và mong muốn Chính phủ Hà Lan bằng kinh nghiệm về quản lý đồng bằng thích ứng - hữu hiệu và thành công của mình tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vượt qua những khó khăn thách thức hiện hữu cũng như đóng góp vào quá trình xây dựng một chiến lược tổng thể bền vững cho khu vực này - Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đề xuất.


Quang c
ảnh Phiên họp

Thảo luận về nội dung Hợp tác Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra phía biển, Bộ trưởng Melanie Schultz van Haegen cho biết: Trong tháng 3 năm 2015 hai thành phố gia hạn biên bản ghi nhớ đến năm 2018. Trong Biên bản ghi nhớ lần thứ ba này, Rotterdam và TP. HCM sẽ tập trung hợp tác vào việc triển khai các dự án đã được đề xuất trong các giai đoạn trước. Hiện tại Rotterdam và TP Hồ Chí Minh dự định hợp tác về nghiên cứu khả thi là bước cần thiết để phát triển dự án. Các chuyên gia Hà Lan từ các Cơ quan quản lý nước sẽ tư vấn về quản lý nước tại TP Hồ Chí Minh trong 8 tuần đào tạo với tổng ngân sách là 550,000 euro.

Chia sẻ về nội dung này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh rất trân trọng những sản phẩm đạt được qua 02 giai đoạn của chương trình hợp tác giữa hai thành phố (giai đoạn 1: 2011-2013, giai đoạn 2: 2014-2015), cụ thể thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Chiến lược Thích ứng với Khí hậu của Tp.HCM (kết quả chính của giai đoạn 1) tại Quyết định số 3983/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2014 và triển khai các định hướng của Chiến lược đến các Sở ngành, quận huyện để nghiên cứu tích hợp vào các quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. “Như vậy, với các kết quả chính của 2 giai đoạn vừa qua , thành phố Rotterdam đã hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh về công tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức, xây dựng Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và quy trình thực hiện Chiến lược này. Tôi nhận thấy nội dung hợp tác trong giai đoạn tiếp theo cần tập trung kêu gọi đầu tư cho một công trình hạ tầng quản lý nước, thích ứng với biến đổi khí hậu cụ thể để tạo dấu ấn cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai thành phố”- Ông Lê Văn Khoa đề xuất.

Về Chương trình giữa hai Chính phủ về dịch vụ khí hậu và nước, theo Ông Willem Mak, Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan cho biết: Mục tiêu của Chương trình là đào tạo các cán bộ Cục Viễn thám quốc gia về duy trì và sử dụng mô hình chưa được thực hiện. Liên quan tới nội dung Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Việt Nam và Hà Lan đã ký một biên bản ghi nhớ vào năm 2014 về vấn đề này, tuy nhiên hiện nay Bản ghi nhớ này chưa được triển khai.


Ông Willem Mak, Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan phát biểu

Phát biểu về nội dung này, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cũng cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường ủng hộ mục tiêu, tiến trình của dự án Ứng dụng thông tin viễn thám trong quản lý tích hợp nguồn nước phục vụ công tác vận hành và quản lý các hồ chứa thuộc vùng châu thổ sông Hồng, tuy nhiên để đảm bảo kết quả được khai thác và sử dụng hiệu quả, phía Việt Nam đề nghị phía Hà Lan tiếp tục đào tạo và cài đặt nền tảng này cho Cục Viễn thám quốc gia và đặc biệt là cần phải thực hiện tại Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về Biên bản ghi nhớ về Quy hoạch tài nguyên nước cho lưu vực sông Hồng - Thái Bình giai đoạn 2020 -2030, tầm nhìn 2050 được ký kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường, Vương quốc Hà Lan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Dự án “Lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2050”. Tuy nhiên, vì đây là một lưu vực sông lớn với khối lượng công việc rất nhiều nên nội dung Lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình dự kiến sẽ được phê duyệt trong năm 2016. Khi đó, Các nội dung sẽ sẵn sàng bắt đầu triển khai các nội dung hợp tác trong Biên bản ghi nhớ này. Cụ thể hai Bên sẽ cùng xây dựng Điều khoản tham chiếu về hợp tác thực hiện quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2050.

Về nội dung Hợp tác Thành phố Hà Nội – Amsterdam, theo Bộ trưởng Melanie Schultz van Haegen, sẽ có hai lựa chọn hợp tác đang được xem xét, đầu tiên làm sạch sông Tô Lịch, và thứ hai là bổ cập nước ngầm.

Phát biểu về nội dung này, Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho rằng, giải pháp khôi phục sông Tô Lịch, Hà Nội là một sự kiện quan trọng trong hợp tác giữa hai bên, là hoạt động theo sau của Biên bản ghi nhớ giữa Hà Nội và Amsterdam kí kết tháng 12 năm 2014. Thành phố Hà Nội cũng đánh giá cao sự hỗ trợ phát triển của Hà Lan với thành phố Hà Nội. Kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020 của Thủ đô còn nhiều danh mục Amsterdam có thể khai thác. Thành phố Hà Nội mong muốn Thành phố Amsterdam phối hợp, hỗ trợ thủ đô Hà Nội trong các lĩnh vực trọng điểm như khảo sát, xây dựng chiến lược quản lý, khai thác sử dụng nước sạch.

“Chúng tôi mong rằng cuộc họp lần này sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận; triển khai sâu hơn các nội dung đang tiến hành, đặc biệt là sự kết nối khối doanh nghiệp vào các hoạt động trong khuôn khổ thỏa thuận là hết sức cần thiết. Cuộc họp thể hiện sự cam kết ở cấp cao của lãnh đạo hai nước, thể hiện sự chân thành của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hà Lan nhằm mục đích tăng cường và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nước”- Ông Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu.

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, Phiên họp lần thứ năm Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thông qua Phiên họp đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai Chính phủ Việt Nam và Hà Lan tiếp tục hợp tác triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước kể từ khi ký kết năm 2010 đi vào chiều sâu và thực chất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, cả Việt Nam và Hà Lan đều đứng trước thách thức lớn của nhân loại, đó là biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chính phủ Việt Nam đã xác định, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề sống còn của đất nước. Sự hợp tác của phía Hà Lan là rất thiết thực để Việt Nam có thể ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng một cách có hiệu quả.

Bộ trưởng cho biết, các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận đã giúp Việt Nam rất nhiều trong việc tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu bằng các đề xuất hiệu quả, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng các kế hoạch, chiến lược này mới chỉ là bước khởi đầu và để biến các kế hoạch, chiến lược này thành hành động cụ thể cần phải có sự cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị, huy động nguồn lực của toàn đất nước mới có thể triển khai thành công các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu như đã đề xuất.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, trong thời gian tới, việc triển khai Thỏa thuận hợp tác sẽ tiếp tục được đẩy mạnh về chiều sâu và mở rộng thêm các hướng hợp tác mới. Hai bên sẽ tăng cường tiếp xúc, trao đổi để xúc tiến những nội dung hợp tác mới trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và những thế mạnh của Hà Lan trong các lĩnh vực như: quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quy hoạch và phát triển hệ thống cảng biển, chỉnh trị sông, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, đánh giá và giải quyết các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hệ thống đô thị…

Trên cơ sở Thỏa thuận và nội dung Phiên họp hôm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, dự án đã được hai bên thống nhất hợp tác như Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, nạo vét kênh tưới tiêu quy mô nhỏ, hợp tác Hà Nội - Amsterdam, thành phố Hồ Chí Minh- Rotterdam, quản lý và thích ứng đô thị…

“Từ các Khuyến nghị của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long và Báo cáo tổng hợp các khuyến nghị liên quan đến lập và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực thực hiện Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và Sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” và đặc biệt thực hiện các giải pháp trước mặt và lâu dài trong việc chống mạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm cả các giải pháp công trình mang tính “không hối tiếc” đã được nêu ra trong bản Kế hoạch” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.

Cũng tại Phiên họp đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hỗ trợ ORIO Phú Mỹ (Thỏa thuận trợ cấp ORIO09/VN/21); Thư định hướng hợp tác giữa Hiệp hội nước Hà Lan và Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng Việt Nam; Bản ghi nhớ giữa Văn phòng không gian Hà Lan và Trung tâm vệ tinh quốc gia  - Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam và Biên bản phiên họp lần thứ 5 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. 

M
ột số hình ảnh ký kết tại Phiên họp:






















 

Tác giả bài viết: dwrm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi