Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hợp tác quốc tế

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC VÀ CHIA SẺ, QUẢN LÝ NGUỒN NƯỚC SÔNG MÊ CÔNG

Thứ ba - 29/03/2016 21:26
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy

Dự kiến từ ngày 4/4 tới, nước từ đập thuỷ điện Cảnh Hồng của Trung Quốc xả xuống sông Mê Công dự kiến sẽ về đến Việt Nam. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát thông báo tại phiên họp Chính phủ ngày 26/3. Cùng với lượng nước được xả từ các đập thủy điện từ Lào, mặn sẽ bị đẩy ra phía biển khoảng 20km, trong đó các tỉnh dọc sông Tiền và sông Hậu sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Các tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng mức độ nhiễm mặn sẽ vẫn còn cao, ước tính đến nay hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã làm 1 triệu người thiếu nước sinh hoạt và làm mất khoảng 700 ngàn tấn lúa.

Trước đó, đáp lại công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị phía Trung Quốc phối hợp giải quyết vấn đề khô hạn tại lưu vực sông Mê Công. Phía Trung Quốc cho biết, sẽ thực hiện xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng với mức là hơn 2000 m3/s và trong thời gian là từ ngày 15/3 đến 10/4. Việc điều tiết nguồn nước  từ thượng nguồn này được kỳ vọng là sẽ giúp cứu hạn, đẩy mặn ở vùng hạ du. Tuy nhiên, dòng chảy sẽ chảy qua các nước Thái Lan, Lào và Cămpuchia trước khi về đến Việt Nam trong khi thì những quốc gia này cũng đang bị hạn và cũng đang cần tranh thủ nguồn nước.

Để tìm hiểu rõ hơn về cơ chế hợp tác vùng trong quản lý và chia sẻ nguồn nước sông Mê Công, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy đã có trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề này.


Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy

PV: Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về động thái của phía Trung Quốc trong việc hợp tác, chia sẻ nguồn nước để giải quyết tình trạng hạn hán ở vùng hạ du, cụ thể là ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Trước hết, tôi cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường xả nước xuống hạ du theo đề nghị của Việt Nam và Ủy hội sông Mê Công trong bối cảnh hàng chục triệu người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long và các quốc gia ven sông đang phải gồng mình chống chịu tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử gần 100 năm qua là bước khởi đầu hết sức tích cực, thể hiện tinh thần thiện chí, trách nhiệm đối với tình trạng hạn hán hiện nay, đặc biệt là vấn đề ứng phó với thiên tai. Việc tăng cường xả nước của Trung Quốc hiện nay hiện nay cũng đồng thời với việc tăng cường phát điện nên trên thực tế cũng sẽ không phát sinh thiệt hại.

Chúng ta biết rằng,  Sông Mê Công (phần thượng nguồn Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) là tài sản chung của 6 quốc gia gồm: Trung Quốc, Myanma, Thái Lan, Lào, Cam pu Chia và Việt Nam. Đây là con sông lớn, sông mẹ của khu vực cũng như của hầu hết các quốc gia nêu trên.

Và việc sử dụng nguồn nước của sông Mê Công cần phải bảo đảm theo các nguyên tắc cơ bản của Công ước 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy cũng như Hiệp định Mê Công và các thông lệ quốc tế, đó là phải sử dụng nước công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích, trách nhiệm giữa các bên và không được gây hại đáng kể cho các quốc gia khác.

PV: Theo ông, trách nhiệm của các nước ở thượng lưu đối với các nước thuộc trung - hạ lưu trên cùng một con sông là như thế nào?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Thứ nhất, Công ước 1997 cũng như Hiệp định Mê Công đều quy định, các quốc gia ven nguồn nước liên quốc gia, phải sử dụng nguồn nước đó một cách công bằng, hợp lý và phải xét đến lợi ích của các quốc gia có liên quan.

Thứ hai, việc sử dụng nước của các quốc gia ven nguồn nước cũng phải có các biện pháp thích hợp để phòng ngừa, hạn chế việc gây ra thiệt hại đáng kể cho các quốc gia khác.

Trường hợp gây thiệt hại thì phải có biện pháp ngăn chặn, hạn chế để giảm thiểu tác hại và có thể phải bồi thường. Đó chính là trách nhiệm của mỗi quốc gia đối với nguồn nước chung, đặc biệt là các quốc gia ở thượng lưu - nơi được hưởng lợi nhiều hơn đối với các quốc gia ở hạ lưu - nơi chịu thiệt thòi hơn.

PV: Theo chúng tôi được biết, Trung Quốc là quốc gia thượng nguồn đã và đang khai thác nguồn lợi từ nguồn nước của sông Mê Công rất nhiều, nhưng hiện nay Trung Quốc chưa là thành viên của Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Vậy theo ông, làm thế nào để tăng cường hơn nữa hiệu quả cũng như vai trò điều tiết của Ủy hội sông Mê Công quốc tế?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy:  Thực tế,  hiện nay Trung Quốc chưa tham gia Ủy hội sông Mê Công và cũng chưa là thành viên của Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy. Mặt khác, là quốc gia ở thượng lưu sông Mê Công nên hầu như Trung Quốc không chịu tác động do các hoạt động sử dụng nước của các quốc gia  khác dưới hạ lưu. Hay có thể nói họ được hưởng lợi là chính.

Tuy nhiên, một quốc gia tham gia Ủy hội sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực chung. Đó vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ. Cá nhân tôi cho rằng, đã cùng chung một nguồn nước, cùng chung một dòng sông thì vớí tinh thần trách nhiệm, dù ở hạ lưu, trung lưu hay thượng lưu cũng cần và nên tham gia Ủy hội để cùng nhau khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên chung quý giá đó.

PV: Nếu tất cả các nước cùng tham gia Ủy hội này thì lợi ích sẽ như thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Việc nếu 6 quốc gia của tiểu vùng Mê Công đều tham gia Ủy hội chắc chắn sẽ tạo ra cơ hội tốt để cùng nhau xây dựng cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước của lưu vực sông Mê Công được tốt hơn. Đồng thời, cũng đảm bảo việc tuân thủ thực hiện các nguyên tắc, chuẩn mực chung của quốc tế và việc chia sẻ lợi ích, trách nhiệm giữa các quốc gia sẽ được tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn Ông!
 

Tác giả bài viết: dwrm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi