Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Hợp tác quốc tế

Tham vấn quốc gia về thủy điện Đôn Sa Hông trên sông Mê Công

Thứ ba - 23/12/2014 11:11
Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Sáng 22/12, tại Hà Nội, Ủy Ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia về công trình thủy điện Đôn Sa Hông của Lào trên dòng chính sông Mê Công.

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cùng đại diện lãnh đạo các Bộ: TN&MT, Ngoại giao, Công Thương, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
 

Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển lưu vực sông Mê Công thuộc Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Công trình thủy điện Đôn Sa Hông tác động bất lợi đến tuyến di cư của cá trên dòng chính sông Mê Công. Theo đó, Ủy Hội sông Mê Công quốc tế với các quốc gia thành viên đã tiến hành xem xét trước khi ra quyết định cuối cùng về đầu tư xây dựng công trình thủy điện với ý tưởng là nhằm phát triển toàn diện vùng hạ lưu, cải thiện môi trường sống nhân dân trong vùng, các quốc gia tiếp tục hợp tác hiện thực hóa tầm nhìn về một lưu vực sông Mê Công thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội và bền vững về môi trường.
 

Tại hội thảo, bà Nguyễn Hồng Phượng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã trình bày các báo cáo công trình nghiên cứu về Hiệp định hợp tác bền vững lưu vực sông Mê Công và Thủ tục thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận của Ủy Ban sông Mê Công quốc tế; Giới thiệu về công trình thủy điện Đôn Sa Hông và yêu cầu cho quá trình Tham vấn trước; Nhận xét về tác động môi trường của Lào cho công trình thủy điện Đôn Sa Hông; Nghiên cứu về tác động của các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Kông nói riêng và phát triển thủy điện nói chung đối với đồng bằng sông Cửu Long.
 

Theo bà Nguyễn Hồng Phượng, sông Mê Công là một trong những dòng sông vĩ đại nhất thế giới với nguồn tài nguyên thiết yếu cho khu vực, duy trì sinh kế, sức khỏe, văn hóa của hàng triệu người. Toàn vùng sẽ chịu ảnh hưởng của các quyết định về sự phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Các quyết định phải dựa trên các nghiên cứu nghiêm túc và công nghệ được kiểm chứng và có sự tham vấn với các chính phủ và các cộng đồng bị ảnh hưởng.
 

 Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án hiện nay chưa thể giúp đưa ra quyết định khôn ngoan vì còn nhiều giả định, thiếu dữ liệu và phân tích báo cáo đánh giá tác động môi trường hiện nay chưa hoàn chỉnh nên rủi ro tác động còn rất cao. Các biện pháp giảm thiểu của tác động đưa ra chưa được chứng minh trong môi trường có sự đa dạng sinh học như sông Mê Công...
 

Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ ra rằng: Các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đã gây tác động đến số lượng và chất lượng nguồn nước, tác động đến phù sa, đa dạng sinh học, thủy sản, giao thông thủy, nông nghiệp, nền kinh tế và kế sinh kế của hàng triệu người dân...
 

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các thách thức đối với Hợp tác Mê Công và giải pháp để phát triển bền vững lưu vực nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cũng như chất lượng của các công trình nghiên cứu.
 

Ông Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Đây là hội thảo tham vấn quan trọng nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các Bộ, ngành về công trình thủy điện Đôn Sa Hông của nước bạn Lào. Quan điểm của Việt Nam là không phản đối, không ngăn cản nước bạn Lào theo đuổi các kế hoạch dự án kinh tế. 
 

Tuy nhiên, ông Lê Đức Trung cũng đồng tình với ý kiến của các chuyên gia đến từ các Bộ, ngành liên quan đó là Việt Nam cần có thêm thời gian để nghiên cứu thực tiễn, tìm hiểu kỹ thông tin,tăng cường các hoạt động tham vấn… để đảm bảo lợi ích giữa các bên được hài hòa.
 

Kết thúc hội thảo, ông Lê Đức Trung khẳng định: “Vấn đề liên quan đến thủy điện Đôn Sa Hông cần có những giải pháp hết sức thận trọng và xem xét trên cơ sở khoa học mà Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm 2015.

Tác giả bài viết: Việt Hùng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi