Mở đầu buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai bày tỏ sự cảm ơn bà Judy Garber, Quyền Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sang thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Thứ trưởng vui mừng nhận thấy mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng được phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả, với nhiều đoàn trao đổi cả ở cấp cao và ở cấp kỹ thuật. Năm 2015 cũng đánh dấu 20 năm thiết lập quan hệ chính thức giữa hai nước với nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng 7.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai tiếp bà Judy Garber, Quyền Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết, với chủ trương đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa hai nước, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng đang có những bước phát triển tích cực trong thời gian vừa qua. Phía Hoa Kỳ đã bày tỏ mối quan tâm hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường qua việc bà Gina McCarthy, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ và bà Sally Jewwel, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hoa Kỳ đã sang thăm Việt Nam và làm việc với Bộ TN&MT.
Phát biểu tại buổi tiếp, bà Judy Garber, Quyền Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai đã dành thời gian tiếp đoàn. Bà Judy Garber đánh giá cao mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong thời gian qua. Bà cũng vui mừng nhận thấy Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng tăng cường hợp tác qua các chuyến thăm cấp cao và cấp kỹ thuật; cùng nhau giải quyết các vấn đề trong nước và toàn cầu. Trong chuyến thăm lần này, bà Thứ trưởng quan tâm đến các hoạt động của Việt Nam trong các vấn đề: bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, chống buôn bán động vật hoang dã, hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Công, việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Toàn cảnh buổi tiếp
Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế giảm nhẹ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh
Đối với những vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, luôn nhận thức rõ ràng cần bảo vệ môi trường để hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và và cải thiện môi trường nhằm khắc phục ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; ngăn chặn sự phát sinh của các khu vực ô nhiễm, suy thoái mới để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Bộ đã ban hành Luật bảo vệ môi trường 2014 (sửa đổi), cùng nhiều luật khác có quy định về bảo vệ môi trường như: Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Khoáng sản 2010, Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Đất đai 2013, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015.
Đặc biệt, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chống buôn bán động vật hoang dã. Vì vậy, Việt Nam đã tham gia vào Công ước về buôn bán quốc tế các loài Động Thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (Công ước CITES) từ năm 1994 và Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất nhập khẩu các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp để thực thi CITES. Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang triển khai Chương trình Châu Á hành động chống nạn buôn bán các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng (Chương trình ARREST) do Cơ quan hỗ trợ phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Quỹ Freeland. Ngoài ra, Bộ còn thực hiện một số hoạt động thiết thực như: phổ biến ứng dụng phần mềm WildScan cho điện thoại, giúp người dân xác định một cách chính xác và báo cáo về các vụ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp; hợp tác với các cơ quan báo chí tổ chức chiến dịch truyền thông rộng rãi; hỗ trợ đào tạo cho cán bộ Biên phòng và cho nhân dân sinh sống tại khu vực dọc biên giới;…
Bên cạnh đó, tháng 3/2015, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia Chương trình Cùng Hành động tạo sự thay đổi (OGC) - Chiến dịch hành động nhằm giảm nạn buôn bán động vật hoang dã do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp cùng các tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ tổ chức. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng dự định tham dự Lễ hội Wildfest do Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức nhằm tuyên truyền về việc chống buôn bán động vật hoang dã tại Hoàng thành Thăng Long vào ngày 01/11/2015.
Về biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH, Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến ứng phó với biến đổi khí hậu, đã ban hành Nghị quyết số 24 của Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH; Chiến lược quốc gia về BĐKH… Việt Nam cũng là một thành viên tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về ứng phó với BĐKH.
Để chuẩn bị cho các hoạt động đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 sẽ diễn ra tại Paris, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Đề án đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2015. Theo đó, Việt Nam khẳng định quan điểm bảo vệ quyền lợi quốc gia; các nước phát triển phải đi đầu và phải chịu trách nhiệm chính trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong phạm vi khả năng của mình, Việt Nam sẽ ưu tiên thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và cùng cộng đồng quốc tế giảm nhẹ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh. Về Thỏa thuận khí hậu 2015, Việt Nam cho rằng cần thực hiện trách nhiệm chung về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính toàn cầu nhưng có phân biệt tùy vào hoàn cảnh từng quốc gia; phải bao trùm các lĩnh vực: thích ứng, giảm nhẹ, tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực. Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang chủ trì, phối với với các Bộ/ngành, các đối tác phát triển xây dựng Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam, một tài liệu hết sức quan trọng thể hiện sự cam kết đóng góp cao nhất của Việt Nam cho mục tiêu toàn cầu.
Về Hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Kông (LMI), Văn phòng Thường trực Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam được Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường giao tham gia hợp tác thông qua các phiên họp về môi trường và nước. Từ tháng 7/2014, Văn phòng Thường trực Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam đang phối hợp với phía Hoa Kỳ triển khai Dự án “Hỗ trợ Kỹ thuật cho Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công”. Hiện nay, phía Hoa Kỳ và Việt Nam đã thống nhất về Kế hoạch Hành động tổng thể Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công (LMI) giai đoạn 2015-2020, trong đó liên quan đến trụ cột về Tài nguyên nước và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đóng góp ý kiến và nhấn mạnh việc triển khai các hoạt động về đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua các dự án. Bên cạnh đó, chú trọng đến khía cạnh bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong xác định các hoạt động ưu tiên cho giai đoạn tới.
Về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai đánh giá, Hiệp định TPP là Hiệp định tự do thương mại kiểu mới, trong đó có đưa nhiều nội dung về hợp tác bảo vệ môi trường với tiêu chuẩn cao, gắn liền với việc thúc đẩy thương mại và đầu tư nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Tuy vậy, do là một nước đang phát triển, nên Việt Nam cần sự hỗ trợ của các nước phát triển trong TPP, đặc biệt là của Hoa Kỳ để đảm bảo đủ năng lực thực thi các thoả thuận trong Hiệp định. Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn phía Hoa Kỳ bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư nên chú trọng đến khía cạnh hợp tác về môi trường để đảm bảo hỗ trợ một cách bền vững nhất cho sự phát triển kinh tế của cả hai nước.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành giải trình một số nội dung theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc Xem xét việc tham gia Hiệp hội Không khí sạch và khí hậu (CCAC).
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cùng bà Judy Garber, Quyền Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các đóng góp quốc gia trong cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính toàn cầu
Sau khi nghe về những hoạt động của Việt Nam cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua đối với các vấn đề trong nước và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, bà Judy Garber đánh giá cao việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia tích cực, cùng hợp tác với Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề nóng trên toàn cầu hiện nay về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, hợp tác bảo vệ các nguồn nước xuyên biên giới, chống buôn bán động thực vật hoang dã… Những hành động này có ý nghĩa lớn không chỉ trong hợp tác với Hoa Kỳ mà còn với toàn cầu trong việc xử lý những vấn đề này. Đặc biệt, Bà Judy Garber nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu cần sự chung tay của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bà mong muốn trong đàm phán khí hậu lần này, Việt Nam sẽ đưa ra những hành động thích ứng với biến đổi khí hậu với một mục tiêu đầy tham vọng, thể hiện sự tiên phong, đi đầu trong khu vực về vấn đề này. Bà cũng khẳng định, Phía Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các đóng góp quốc gia trong cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Tác giả bài viết: Hưng Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn