Để thực hiện thành công Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai đề nghị hai bên quan tâm ưu tiên thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách như: (i) Nâng cấp hoàn thiện hệ thống quan trắc tài nguyên nước, hệ thống cung cấp nước sạch và hệ thống xử lý nước thải; (ii) Điều tra, khoanh vùng sạt lở, bồi lắng vùng ĐBSCL; (iii) Quy hoạch tài nguyên nước và tăng cường khả năng chứa nước ngọt của ĐBSCL; (iv) Khai thác bền vững nguồn nước dưới đất nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế vùng ĐBSCL; (v) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước ĐBSCL; (vi) Hỗ trợ, hoàn thiện việc cung cấp thông tin tài nguyên đất nhằm nâng cao sinh kế và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của ĐBSCL; (vii) Bảo tồn đa dạng sinh học góp phần phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu; (viii) Xây dựng hệ thống giám sát diễn biến đường biển bằng công nghệ viễn thám; (ix) Xây dựng hệ thống trung tâm dữ liệu cho vùng ĐBSCL,… Thứ trưởng cũng cho biết thêm, những đề xuất nhiệm vụ này rất được Bộ TN&MT quan tâm và Bộ cũng đang tiến hành trao đổi sơ bộ và nhận được sự ủng hộ từ phía Ngân hàng Thế giới (WB).
Phát biểu tại buổi tiếp, ông Henk Ovink, Đặc phái viên của Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan cho biết, các châu thổ đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu; vì vậy sự thích nghi với biến đổi khí hậu cần phải được quan tâm thực hiện để tránh và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, môi trường và con người. Ngài Đặc phái viên rất vui mừng vì Việt Nam đã tham gia Liên minh Châu thổ để cùng các nước có châu thổ học hỏi và hỗ trợ giải quyết những vấn đề tương tự; đồng thời sử dụng và chia sẻ kết quả nghiên cứu, mô hình, công cụ và các chính sách liên quan đến phát triển châu thổ. Kế hoạch châu thổ ĐBSCL (MDP) được Hà Lan và Việt Nam xây dựng đã đưa ra các định hướng, khuyến nghị để phía Việt Nam có các hành động cụ thể nhằm thực hiện kế hoạch. Ngài Đặc phái viên nhận thấy, những đề xuất mà Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai đưa ra là cần thiết và cần được thực hiện với các đối tác phù hợp, hướng tới định hướng chung mà các bên cùng thống nhất. Phía Hà Lan rất quan tâm tới việc triển khai bản Kế hoạch tại Việt Nam và sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính, quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy các sáng kiến,…
Với tư cách là người chỉ đạo và cùng các chuyên gia Hà Lan xây dựng bản Kế hoạch, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai đánh giá Kế hoạch châu thổ ĐBSCL là một thành công lớn trong sự hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan. Bản Kế hoạch đã đưa ra định hướng về quản lý tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Chính phủ Việt Nam cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và đề xuất những dự án cụ thể để thực hiện các khuyến cáo trong bản Kế hoạch. Thứ trưởng mong muốn phía Hà Lan và Bộ TN&MT Việt Nam sẽ cùng điều phối, xem xét và tổ chức thực hiện các đề xuất của các Bộ, ngành; đồng thời bên cạnh việc triển khai các giải pháp công trình thì cũng cần quan tâm, tập trung nhiều hơn vào các giải pháp phi công trình như: nâng cao thể chế và tăng cường năng lực quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh buổi tiếp
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, ông Henk Ovink cho rằng, việc thực hiện kế hoạch là rất quan trọng, các đề xuất cần có cách tiếp cận phù hợp, được thực hiện đồng bộ, nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức liên quan nhằm nâng cao vai trò của các vùng đồng bằng châu thổ. Ông Henk Ovink cũng đề xuất, tại Hội nghị COP 21 ở Paris, trong ngày nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước, có thể đưa thêm các dự án mang tính sáng kiến để thực hiện Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long và nếu thành công, có thể lấy đó làm ví dụ điển hình về mô hình chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực tài nguyên nước, qua đó củng cố hơn nữa hợp tác với các đối tác phát triển để thu hút thêm nguồn vốn tài trợ, đồng thời làm bài học quý báu cho các châu thổ khác học tập.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn