Trong khi đó, do sự biến đổi về nhiệt độ và lượng mưa, hiện nay nhiều nơi đã thường xuyên không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu. Theo dự báo, đến năm 2030, sẽ có khoảng 1,8 tỷ người sống tại khu vực "hoàn toàn khan hiếm nước" và hai phần ba số dân trên thế giới sẽ sống trong điều kiện khó khăn về cung cấp nguồn nước. Đáng lo ngại, tình trạng khan hiếm nước ở nhiều quốc gia đang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh lương thực, sức khỏe, tính mạng con người, sự bền vững của hệ sinh thái tự nhiên; đồng thời có thể là nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột ngoại giao, xung đột vũ trang giữa nhiều quốc gia trong tương lai.
Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam, cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước. Qua đó, góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước và của nhân loại trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, đang phải đối mặt với sức ép của sự gia tăng dân số; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng và sự tác động của biến đổi khí hậu gây ra, dẫn đến tình trạng nguồn nước bị suy thoái cả về chất lượng và trữ lượng. Trước thực trạng nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành Luật Tài nguyên nước; các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Công tác đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực về quản lý tài nguyên nước luôn được coi trọng; các hoạt động về quy hoạch, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra... được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp và bước đầu thu được những kết quả hết sức đáng khích lệ trong lĩnh vực này.
Hội nghị về nước của Liên hợp quốc (năm 1997) đã thống nhất "Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị kinh tế, xã hội, đều có quyền tiếp cận nước uống với số lượng và chất lượng bảo đảm cho các nhu cầu cơ bản của mình". Hay Hội nghị cấp cao về môi trường tại Giô-han-ne-xbớc (Nam Phi), nước được xếp ở vị trí cao nhất trong số năm ưu tiên để phát triển bền vững, đó là: nước - năng lượng - sức khỏe - nông nghiệp và đa dạng sinh học. Nhận thức được tầm quan trọng của nước, trong sự phát triển bền vững của nhân loại, cho nên với tư cách là nước chủ nhà của Đại hội IPU-132 lần này, vấn đề nước lần đầu được Việt Nam đưa vào chương trình nghị sự của đại hội, để các đại biểu xem xét.
Hy vọng, với trách nhiệm của mình, các đoàn đại biểu cùng nhau trao đổi, bàn thảo và đi đến thống nhất để thông qua một Nghị quyết của đại hội về vấn đề này. Vì nước, là nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống của con người, sự phát triển bền vững của mọi quốc gia và là ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững của nhân loại. Để tất cả các quốc gia trên thế giới, cùng chung tay bảo vệ và gìn giữ nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này, không chỉ hôm nay, mà cho cả các thế hệ mai sau. Với mục tiêu "Tiếp cận nguồn nước là quyền cơ bản của con người"...
Tác giả bài viết: TRUNG TUYẾN
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn