Công trình thủy điện Đôn Sa-hông với công suất thiết kế 260 MW, là một trong 11 công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công đã được quy hoạch và một trong 9 công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công được Lào dự kiến xây dựng. Vị trí xây dựng công trình nằm trên dòng Hou Sa-hông, thuộc dòng chính sông Mê Công ở tỉnh Chăm-pa-sắc, cách biên giới Campuchia khoảng 2 km và cách biên giới Việt Nam khoảng 420 km.
Thực hiện quyết định của Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế về quy trình Tham vấn trước, và theo các quy định của Hiệp định Mê Công năm 1995 và PNPCA, quá trình Tham vấn trước sẽ có kết luận sơ bộ vào cuối tháng 01 năm 2015.
Ngày 28 tháng 01 năm 2015, tại Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Viên Chăn, Lào đã diễn ra Phiên họp đặc biệt của Uỷ ban Liên hợp nhằm xem xét kết quả quá trình Tham vấn trước cho công trình thuỷ điện Đôn Sa-hông.
Tại Phiên họp, Ban Thư ký đã trình bày Báo cáo đánh giá kỹ thuật về tác động của công trình về các lĩnh vực như thủy văn, phù sa bùn cát, thủy sản, sinh thái và đa dạng sinh học, kinh tế - xã hội cũng như các ý kiến góp ý của các quốc gia về Báo cáo. Các kết quả của Hội thảo tham vấn vùng về sự tham gia của cộng đồng cũng đã được trình bày. Ngoài ra, các quốc gia thành viên là Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã phát biểu ý kiến chính thức theo Mẫu trả lời kết quả tham vấn trước công trình thủy điện Đôn Sa-hông được quy định ở PNPCA.

Quang cảnh Phiên họp
Ông Lê Đức Trung, Ủy viên Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu: “Trên cơ sở kết quả của quá trình tham vấn cũng như từ kinh nghiệm trước đây trong quá trình thực hiện Tham vấn trước cho công trình thuỷ điện Xay-nha-bu-ly (cũng đã được gia hạn thêm thời gian), Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đề nghị cần gia hạn thêm thời gian cho quá trình thực hiện Tham vấn trước cho công trình thuỷ điện Đôn Sa-hông cho tới cuối năm 2015”. Đề nghị kéo dài này của Đoàn Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của các Đoàn Thái Lan và Campuchia nhằm đáp ứng yêu cầu bổ sung thêm thông tin số liệu cho các nghiên cứu, đánh giá và mở rộng quá trình tham vấn.
Trong khi đoàn Lào vẫn cho rằng đã hoàn tất quá trình tham vấn thì đại diện Đoàn Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều kiến nghị cần thêm thời gian cho nghiên cứu và đánh giá sâu hơn nhằm bổ sung thông tin và kiến thức còn thiếu, khắc phục tính không chắc chắn của Dự án.
Phiên họp nhất trí báo cáo kết quả quá trình tham vấn trước lên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế để xem xét cho ý kiến chỉ đạo.