Nhóm công tác vùng của Việt Nam tham gia Phiên họp trực tuyến
Ngay sau khi kết thúc quá trình tham vấn cho Dự án thủy điện dòng chính Luông Phra-bang, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã bước vào một đợt tham vấn nữa cho công trình thủy điện Sa-na-kham của Lào, công trình thủy điện dòng chính thứ hai trong năm 2020 và là công trình thủy điện thứ sáu của Lào cho tới nay. Ngày 30 tháng 7 năm 2020 vừa qua, một Phiên họp Nhóm công tác vùng đã tổ chức để thảo luận về Dự án thủy điện dòng chính Sa-na-kham do Lào đề xuất, nằm ở huyện Ken-thao, tỉnh Xay-nha-bu-ly, cách Thủ đô Viên Chăn khoảng 155 km, cách biên giới Lào-Thái Lan 2 km và cách Đồng bằng sông Cửu Long (biên giới giữa Việt Nam – Campuchia) khoảng 1490 km. Với Chủ đầu tư là Công ty Đa-tang của Trung Quốc, được Chính phủ giao ba công trình thủy điện dòng chính, Dự án có công suất thiết kế là 684 MW và sản lượng điện trung bình năm là 3,8 tỷ KWh với mục tiêu chủ yếu xuất khẩu sang Thái Lan. Công trình dự kiến sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2028.
Cũng như các công trình thủy điện dòng chính đã được xem xét trước đây, các quốc gia thành viên Ủy hội đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các tác động xuyên biên giới tiềm tàng của công trình này và coi đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần phải được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình tham vấn. Đặc biệt, do vị trí công trình chỉ cách biên giới Lào-Thái Lan gần 2 km, Đoàn Thái Lan cho rằng công trình thủy điện Sa-na-kham có thể gây tác động bất lợi trực tiếp tới Thái Lan như gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, giảm sản lượng đánh bắt cá, khó khăn cho tàu bè đi lại… cũng như trước đây Thái Lan đã nhiều lần quan ngại sâu sắc về tác động xuyên biên giới của các công trình thủy điện dòng chính khác (Xay-nha-bu-ly, Pắc Beng, Pắc Lây và Luông Phra-bang) tới lãnh thổ và sinh kế của người dân Thái Lan.
Nhóm công tác vùng của Việt Nam tham gia Phiên họp trực tuyến
Trên cơ sở thông báo của Chính phủ Lào về kế hoạch xây dựng công trình và theo quy định của Hiệp định Mê Công 1995, Phiên họp đã thống nhất Lộ trình tham vấn vùng cho Dự án thủy điện Sa-na-kham. Theo đó, quá trình tham vấn vùng được bắt đầu từ ngày 30 tháng 7 năm 2020 với các hoạt động chính bao gồm hoạt động của Nhóm công tác vùng; xây dựng Báo cáo kỹ thuật về công trình thủy điện Sa-na-kham; tổ chức họp tham vấn vùng… cho các đại diện các cơ quan của chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân sự xã hội, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư liên quan từ các quốc gia thành viên và của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế và vùng có liên quan.
Một Báo cáo đánh giá kỹ thuật với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm trong Lưu vực sông Mê Công về tất cả các lĩnh vực có liên quan đến các tác động tiềm tàng của Dự án thuỷ điện Sa-na-kham sẽ được chuẩn bị để hỗ trợ quá trình tham vấn. Phiên họp đề nghị tập trung làm rõ các nội dung cần đánh giá, các thông tin, số liệu cần có để đánh giá; đề xuất cách tiếp cận, phương pháp đánh giá kỹ thuật phù hợp với các quy định của Ủy hội sông Mê Công quốc tế trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế cũng như các kinh nghiệm từ những lần tham vấn trước đây.
Cũng như các đợt tham vấn trước đây, sau giai đoạn tham vấn ít nhất là 6 tháng, Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế sẽ nhóm họp để xem xét kết quả của các ṿòng tham vấn quốc gia và vùng và ý kiến chính thức của các quốc gia thành viên nhằm hướng tới thống nhất một Tuyên bố chung của Ủy hội về kết quả tham vấn và các kế hoạch thực hiện tiếp theo.
Bản đồ vị trí các công trình thủy điện dòng chính ở Hạ lưu vực sông Mê Công
“Với vị trí nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, Việt Nam không chỉ quan tâm đến tác động tại chỗ của một công trình thủy điện riêng lẻ mà còn cả tác động lũy tích và tác động xuyên biên giới của toàn bộ bậc thang thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công, các công trình thủy điện dòng nhánh, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Những vấn đề này cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng và khách quan trong quá trình tham vấn nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực đến vùng hạ du, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”, ông Trương Hồng Tiến, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, trưởng Nhóm công tác vùng của Việt Nam nhấn mạnh tại Phiên họp.
Bên cạnh chuẩn bị tham vấn cho Dự án thủy điện Sa-na-kham, trước sự quan tâm và đòi hỏi chung của dư luận xã hội trong và ngoài lưu vực, Phiên họp cũng đề nghị Lào và các chủ đầu tư có liên quan cần phải nỗ lực hơn nữa việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết trong các Tuyên bố chung của Ủy hội đối với các Dự án thủy điện đã tham vấn trước đây là Pắc Beng, Pắc Lây và Luông Phra-bang.
Song song với quá trình tham vấn vùng, các hoạt động tham vấn quốc của Việt Nam trong thời gian tới về Dự án thuỷ điện Sa-na-kham sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì thực hiện, bao gồm đánh giá tác động của Dự án thủy điện Sa-na-kham, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam trên cơ sở tài liệu kỹ thuật về Dự án thủy điện Sa-na-kham do Lào cung cấp và Báo cáo Đánh giá Kỹ thuật do Ban Thư ký Uỷ hội và các chuyên gia quốc tế chuẩn bị; tổ chức các hội thảo tham vấn quốc gia và chuẩn bị ý kiến chính của Việt Nam đối với đề xuất xây dựng công trình thủy điện của Lào. Dự kiến, cuộc họp tham vấn quốc gia lần thứ nhất sẽ được tổ chức vào giữa tháng 9 năm 2020.
Thông tin liên hệ Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, số 23 Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024-38255596, Fax: 024-38256929, Email: vnmc@monre.gov.vn.