Theo báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA), nếu tất cả các đập được xây dựng, tác động sẽ bao trùm lên toàn bộ lưu vực nói chung và ĐBSCL nói riêng. Hai tác động lớn nhất là đối với phù sa và thủy sản. Cụ thể, khi có đập chắn ngang, 55% chiều dài của dòng sông phía hạ lưu vực sẽ bị biến thành các loạt hồ khiến phù sa bị lắng đọng. Trong khi đó phù sa là nguồn dinh dưỡng tự nhiên quan trọng đối với ĐBSCL, mất nguồn dinh dưỡng này có thể khiến chi phí sản xuất gia tăng, sản lượng nông nghiệp giảm sút.
Hơn nữa, có được ĐBSCL như ngày nay là do quá trình “kiến tạo đồng bằng” miệt mài trong nhiều ngàn năm của sông Mê Kông mang phù sa về bồi đắp, nếu phù sa bị chặn lại thì quá trình kiến tạo đồng bằng sẽ ngưng lại hoặc quá trình ngược lại sẽ xảy ra, nghĩa là sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ gia tăng và dòng chảy cũng sẽ mất ổn định.Tổn thất thứ hai là nguồn cá. Cá có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống của người dân ĐBSCL với lượng cá tiêu thụ tính bình quân đầu người đứng thứ 4 trên thế giới. ĐBSCL có hai loại cá là cá trắng và cá đen, trong đó cá trắng như cá linh, cá mè vinh… hàng năm phải di cư ngược lên thượng nguồn để đẻ trứng. Các đập chắn ngang sẽ là bức tường thành mà cá không thể vượt qua để sinh sản, khiến lượng trứng cá và cá con không còn đủ để cung cấp cho ĐBSCL, lượng thủy sản sẽ theo đó mà suy giảm và dần dần cạn kiệt. Ngoài ra, khu vực Mê Kông còn bao gồm một vùng biển mà năng suất hải sản cũng phụ thuộc vào dinh dưỡng do con sông Mê Kông mang lại hàng năm. Mất nguồn cá sẽ gây ra ảnh hưởng dây chuyền đến sản lượng hải sản đánh bắt, đời sống ngư dân, đến các ngành nghề chế biến, vận tải, thương mại, cảng cá… Ngành nuôi thủy sản cũng khó đứng vững bởi vì thủy sản nuôi cần nguồn thức ăn từ cá tự nhiên, thức ăn viên cũng là từ cá tạp ở biển được chế biến ra.
Ngoài ra, thủy sản là nguồn cung cấp thực phẩm tự nhiên vô cùng quan trọng trong chuỗi sinh thái. Ở ĐBSCL phần lớn đa dạng sinh học loài như chim, cò, rùa, rắn… đều phụ thuộc vào nguồn cá. Mất đi nguồn cá là mất đi một mắt xích cực kỳ quan trọng có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả hệ sinh thái.
Thế còn tác động đến dòng chảy thì sao? Có ý kiến cho rằng các con đập sẽ điều tiết nước nên chúng ta không phải lo đến vấn đề lưu lượng dòng chảy, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Nói đến nước thì không chỉ nói đến số lượng, chất lượng mà còn phải nói đến vấn đề thời gian. Thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng. Như ta đã biết ở ĐBSCL nhịp sống và nhịp sinh học của toàn bộ các loài sinh vật, lịch canh tác, sản xuất của con người… đều phụ thuộc vào nhịp lũ của dòng sông. Các con đập sẽ gây ra sự thay đổi chế độ thủy văn và riêng thay đổi về mặt thời gian đã làm đảo lộn tín hiệu sinh học. Giả như, con cá hàng năm muốn sinh sản cũng phải chờ tín hiệu nước lên của dòng sông thì mới bơi ngược lên thượng nguồn đẻ trứng. Rồi đến cây điên điển cũng phải chờ tín hiệu lũ đến mới nở hoa… Nếu có đập thì lượng nước sẽ phụ thuộc vào việc đóng mở đập của nhà đầu tư, tín hiệu dòng sông khi đó sẽ bị rối bời và tín hiệu sinh học cũng lỗi nhịp theo.
Vậy theo ông những tác động này sẽ đặt ĐBSCL, vùng đất đã được dự báo là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu (BĐKH), trước những nguy cơ gì?
Tác động của các con đập này đối với ĐBSCL là tác động nhiều mặt, gần như là toàn bộ khía cạnh của đời sống và nền kinh tế. Nhìn vào báo cáo GDP thì ĐBSCL có ba trụ cột kinh tế chính là Nông nghiệp-thủy sản-lâm nghiệp; Công nghiệp-Xây dựng; và Dịch vụ. Tuy nhiên, xét kỹ lại thì có thể thấy là tất cả các ngành này đều xuất phát từ nông nghiệp và thủy sản mà ra. Nghĩa là đều nhờ vào đất và nước. Mà nước và đất thì từ đâu? Nguồn nước của chúng ta phụ thuộc chính vào nguồn nước mặt từ sông Mê Kông. Rồi cũng nhờ quá trình bồi đắp phù sa mà ĐBSCL của chúng ta mới có được hình hài như hiện nay. Như vậy đất cũng từ sông Mê Kông mà ra. Trong khi đó, các tác động của đập thủy điện lại đánh trúng vào đất và nước của ĐBSCL. Do đó, tác động sẽ là vô cùng nghiêm trọng.
ĐBSCL hiện nay đang đối diện với ba nguy cơ lớn là BĐKH, sai lầm trong phát triển và nguy cơ từ đập thủy điện. Trong đó, đối với BĐKH và nước biển dâng thì theo dự báo ĐBSCL là một trong ba khu vực bị tổn thương nhiều nhất. Tuy nhiên, BĐKH và nước biển dâng là quá trình diễn ra dần dần và chúng ta còn có thời gian và cơ hội để thích nghi. Thậm chí chúng ta còn có thể lợi dụng mặt tích cực của nước mặn để chuyển đổi hệ thống canh tác. Các sai lầm trong phát triển nội tại như ô nhiễm môi trường, phát triển lúa vụ ba làm tăng ngập ở nơi khác, tăng xâm nhập mặn trong mùa khô, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu… chúng ta cũng hoàn toàn có thời gian và điều kiện để sửa đổi. Tuy nhiên, nếu các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông được quyết định xây dựng thì sẽ là một lớp rủi ro nữa áp lên hai lớp kia và sẽ là những tác động vĩnh viễn, nghiêm trọng. Nó sẽ làm cho việc thích ứng với BĐKH ngày càng khó khăn hơn.
Cho dù các cảnh báo đưa ra đều là rất đáng lo ngại nhưng phía các nhà đầu tư thủy điện vẫn luôn khẳng định rằng họ có các biện pháp giảm thiểu tác động, ông đánh giá thế nào về điều này?
Với kinh nghiệm từ đập Xayaburi và dựa trên Báo cáo Đánh giá tác động môi trườngcủa đập Don Sahong hiện nay thì đúng là các nhà đầu tư có đưa ra một số biện pháp giảm thiểu tác động về phù sa, thủy sản. Tuy nhiên tất cả các giải pháp này chỉ mang tính lý thuyết và chưa được chứng minh trong bối cảnh một dòng sông lớn ở vùng nhiệt đới, có đa dạng sinh học và tải lượng phù sa lớn như sông Mê Kông. Chẳng hạn, công nghệ cầu thang cá là công nghệ của Châu Âu vốn chỉ nhắm đến một hai loại cá to khỏe như cá hồi. Trong khi đó lại được đưa vào áp dụng ở sông Mê Kông của chúng ta với 1200 loài cá và sản lượng quá lớn phải di cư trong thời điểm đỉnh di cư hàng năm. Công nghệ này không thể đảm bảo hiệu quả và nếu áp dụng bừa bãi, không kiểm chứng sẽ gây rất nhiều rủi ro mà tổn thất sẽ đặt lên vai hàng chục triệu người trong khi lợi nhuận từ tiền bán điện chỉ rơi vào túi một số ít các nhà đầu tư. Làm trạm sinh sản nhân tạo để thả cá giống, rồi dùng xe tải bắt cá chở lên thượng lưu để cá tiếp tục di cư là những giải pháp gọi là “giảm thiểu tác động” hết sức phi lý mà bên phát triển dự án đưa ra. Công nghệ xả phù sa cũng chỉ mang tính lý thuyết vì tải lượng phù sa của sông Mê Kông lớn như vậy thì khó khả thi. Đặc biệt, khiếm khuyết lớn nhất của Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của đập Don Sahong, do Công ty tư vấn quốc gia của Lào thực hiện, là không hề phân tích tác động xuyên biên giới đối với Campuchia và Việt Nam.
Đứng trước những rủi ro như vậy, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra là các con đập vẫn được xây dựng thì liệu chúng ta có cách nào để ứng phó hoặc giảm thiểu tác động không thưa ông?
Hiện nay chúng tôi hoàn toàn chưa nghĩ ra được cách nào để khắc phục được tác động từ thủy điện dòng chính Mê Kông. Giảm phù sa thì làm cách nào thích ứng?! Về lý thuyết là phải tăng phân bón cho đất nhưng theo kinh nghiệm ở ĐBSCL, nếu tăng phân bón mà không có phù sa thì chỉ sau 10-15 năm phân bón có tăng đến đâu sản lượng vẫn sẽ giảm, giống như đất đai ở những vùng đê bao khép kín hiện nay. Thế nên có lẽ ĐBSCL sẽ phải từ bỏ chức năng xuất khẩu gạo mà chỉ tập trung sản xuất đủ gạo nuôi trong nước mà thôi. Việc mất phù sa gây gia tăng sạt lở, quá trình kiến tạo đồng bằng dừng lại thì làm sao mà khắc phục được! Ở ĐBSCL sẽ xảy ra quá trình ngược, nghĩa là tình trạng tan rã sẽ diễn ra từ từ theo thời gian. Còn mất nguồn cá cũng không có cách nào bù đắp vì cá nuôi cũng phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn cá tự nhiên mà có phải người dân nào cũng có điều kiện để nuôi trồng thủy sản đâu.
Dòng sông Mê Kông là tài sản quá lớn, quyết định đời sống của mấy chục triệu người sống dựa vào đó. Vì vậy ra một quyết định để thay đổi dòng sông một cách vĩnh viễn như xây đập trên dòng chính cần phải suy tính hết sức cẩn trọng. Đặc biệt là đối với con đập sắp tới được Lào thông báo sẽ xây là Don Sahong thì lợi ích từ điện mang đến chỉ có 260 MW, không mang lại được bao nhiêu về thu nhập, không đáng gì so với thiệt hại mà nó có thể gây ra.
Chân thành cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
Tác giả bài viết: Theo Bạch Dương/Vanhien.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn