Ngày rửa tay toàn cầu (GHD) được coi là ngày vận động toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vệ sinh tay, đặc biệt là thông qua rửa tay bằng xà phòng và tạo ra sự thay đổi lâu dài từ cấp chính sách đến hành động thực tế trong cuộc sống mà cộng đồng hướng tới. Chủ đề GHD 2020 là “Vệ sinh tay cho tất cả mọi người”. Chủ đề này phù hợp với Sáng kiến Vệ sinh Bàn tay cho Mọi người mới do WHO và UNICEF khởi xướng.
Đại dịch COVID-19 hiện nay đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của vệ sinh tay trong việc hạn chế lây truyền dịch bệnh. Chủ đề của ngày rửa tay thế giới năm 2020 nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải thực hiện ngay hành động vệ sinh tay trên tất cả các cơ sở công cộng và tư nhân để ứng phó và kiểm soát đại dịch COVID-19. Vệ sinh tay phải trở thành việc của tất cả mọi người đồng thời nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết đưa vệ sinh tay trở thành trụ cột chính trong các can thiệp sức khỏe cộng đồng và tạo ra văn hóa mới về vệ sinh tay sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Dưới đây là những thông điệp ý nghĩa khi thực hiện vệ sinh bàn tay sạch sẽ:
• Vệ sinh tay ảnh để bảo vệ sức khỏe và phòng chống COVID-19.
• Rửa tay có thể làm giảm các bệnh tiêu chảy từ 30% đến 48%.
• Rửa tay có thể làm giảm 20% nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.
• Rửa tay đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm lây truyền các mầm bệnh liên quan đến các dịch bệnh bùng phát như bệnh tả, Ebola, shigellosis, SARS và viêm gan E.
• Vệ sinh tay là biện pháp bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe và giảm sự lây lan của tình trạng kháng thuốc.
• Vệ sinh tay có thể góp phần làm giảm các bệnh nhiệt đới.
Để tất cả mọi người có thể thực hành vệ sinh tay, cần có các thiết bị vệ sinh tay ở vị trí thuận tiện và dễ sử dụng. Mọi người sẽ rửa tay nhiều hơn nếu họ có sẵn xà phòng và nước ở những khu vực vệ sinh thuận tiện.
Hiện trạng tiếp cận vệ sinh tay trong hộ gia đình thế giới
• 60% dân số thế giới được sử dụng thiết bị rửa tay cơ bản.
• Tại các quốc gia có thu nhập cao hầu như đều phổ biến các phương tiện rửa tay cơ bản, tuy nhiên ở các quốc gia kém phát triển nhất thế giới chỉ có 28% người dân được sử dụng các phương tiện rửa tay cơ bản, đảm bảo vệ sinh.
• Tại 42 trong số 78 quốc gia mà JMP có dữ liệu, ít hơn một nửa dân số có kiến thức cơ bản về việc rửa tay và cơ sở hạ tầng cho rửa tay tại nhà.
• Chỉ có 47% cơ sở rửa tay cơ bản là "cố định". Đây là một vấn đề vì mọi người ít có khả năng để xà phòng và nước tại các cơ sở rửa tay "di động" và do đó có thể rửa tay ít thường xuyên hơn.
• Sự sẵn có của xà phòng và nước rửa tay khô diệt khuẩn tại các cơ sở rửa tay về cơ bản khác nhau.
• Cũng có sự bất bình đẳng trong các khu vực, cộng đồng. Ở Nepal, 95% người thuộc nhóm giàu nhất có trang thiết bị rửa tay cơ bản. Các nhóm dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người lớn tuổi, dân di cư và dân bản địa cũng thường bị giảm khả năng tiếp cận vệ sinh.
Đại dịch COVID-19 có lẽ là cơ hội duy nhất cho các hoạt động theo dõi và các cải tiến cơ sở hạ tầng vệ sinh rửa tay tại các quốc gia này. Trong đại dịch COVID-19, WHO đã đưa ra các khuyến nghị và hướng dẫn mới quy định rằng các cơ sở vệ sinh phải được thiết lập ở lối vào tất cả các tòa nhà thương mại công cộng và tư nhân (để sử dụng khi ra vào), tại tất cả các đầu mối giao thông chính (như xe buýt và ga xe lửa, sân bay, cảng biển) và tại các chợ, cửa hàng, nơi thờ tự, cơ sở chăm sóc sức khỏe và trường học.
Trước đại dịch, các phương tiện vệ sinh tay ở những nơi công cộng không phải là ưu tiên của chính phủ hoặc khu vực tư nhân. Do vậy, không có bất kỳ dữ liệu toàn cầu nào về sự sẵn có của các phương tiện vệ sinh tay ở các địa điểm công cộng. Mặc dù thiếu sự tìm hiểu trước về các phương tiện rửa tay công cộng, đại dịch COVID-19 đã khơi mào cho rất nhiều đổi mới ở cấp địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực các cơ sở rửa tay “mà không chạm vào” để giảm thiểu lây nhiễm chéo. Các nguồn lực đã được phát triển để tập hợp những cải tiến mới nổi này và hỗ trợ các tác nhân trong việc xây dựng các điểm rửa tay ở các địa điểm công cộng.
Hiện trạng tiếp cận vệ sinh tay tại các cơ sở y tế
• 68% cơ sở chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu có phương tiện vệ sinh tay cơ bản tại các điểm chăm sóc.
• Dữ liệu từ 54 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cho thấy, 35% cơ sở chăm sóc sức khỏe không có sẵn nước và xà phòng để rửa tay.
• Có sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và giữa các cấp độ chăm sóc sức khỏe. Ví dụ, ở vùng cận Sahara ở Châu Phi có 84% bệnh viện có thiết bị vệ sinh tay tại các điểm chăm sóc nhưng ở các cơ sở y tế tuyến dưới, tỷ lệ này giảm xuống còn 64% .
Hiện trạng tiếp cận vệ sinh rửa tay trong trường học
• Chỉ 57% trường học trên thế giới cung cấp được “phương tiện rửa tay cơ bản” cho học sinh của họ. Điều này có nghĩa là hiện vẫn còn 818 triệu học sinh trên thế giới hiện không có nơi nào để rửa tay. Ở một số quốc gia, như Yemen, mức độ bao phủ kém hơn nhiều, với 84% trường học không cung cấp thiết bị rửa tay cho học sinh.
• Nhiều trường học có trang thiết bị rửa tay, nhưng xà phòng và nước thường không có sẵn. Ví dụ ở Ấn Độ, 5% trường học cho biết nguồn nước chính của họ là do học sinh tự mang nước và đồ diệt khuẩn đến trường.
• Khả năng tiếp cận các phương tiện rửa tay cơ bản thường cao hơn ở các trường trung học so với các trường tiểu học và tỷ lệ tiếp cận cũng cao hơn ở các trường thành thị so với các trường nông thôn.