Chất lượng không khí ở một số khu vực như gần khu công nghiệp, các cụm tiểu thủ công nghiệp, cụm dân cư, nhất là cụm dân cư ở các quận huyện ngoại thành đang bị ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn. Chất lượng không khí ven đường bị ô nhiễm bụi, tiếng ồn, khí thải mà phần lớn do hoạt động giao thông và vận chuyển vật liệu xây dựng gây ra …
Các biện pháp xử lý ô nhiễm của TPHCM nói chung, Việt Nam nói riêng còn nhiều hạn chế, vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tận dụng hết nguồn năng lượng sẵn có.
Trước thực trạng ô nhiễm của thành phố, nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần từng bước ứng dụng công nghệ trong xử lý môi trường theo hướng tái chế, tái sinh năng lượng. Chất thải hữu cơ cần được chế tạo thành phân bón, chất thải rắn được thu hồi năng lượng.
Nước thải được xử lý đat tiêu chuẩn, đồng thời quan trọng hơn là sử dụng được lượng nước thải sau khi đã xử lý. Việc này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế nhất định mà quan trọng hơn còn giúp làm giảm áp lực cho hệ thống thoát nước, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu. Lượng bùn thải từ các khu xử lý nước thải tập trung, nạo vét cống rãnh sông rạch cũng cần phải có công nghệ tốt để xử lý, thu hồi khí mêtan.
Ông Phạm Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại – xây dựng – sản xuất Hoàng Hà chỉ ra một thực tế: "Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có như gió, mặt trời, khí sinh học, năng lượng sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp như trấu, bã mía, rơm rạ…
Tuy nhiên các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này đang gặp rất nhiều rào cản: Chi phí sản xuất, đầu tư công nghệ cao; công nghệ và dịch vụ phụ trợ chưa phát triển; khó tiếp cận nguồn vốn để phát triển dự án; thiếu điều tra, đo đạc, đánh giá nguồn tài nguyên… Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước và sự đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế".
![]() |
Thụy Điển sử dụng năng lượng mặt trời để làm nước sạch. |
Tại hội thảo này, các doanh nghiệp của Thụy Điển như Công ty Blab Sweden, Công ty WTM, Công ty Urban Waters, Vườn ươm Ideon (ĐH Lund)… đã đưa ra các giải pháp đã được áp dụng thành công tại Thụy Điển như công nghệ sáng tạo trong sản xuất nước tinh khiết và nước kháng khuẩn, sản xuất khí biogas, sản xuất nước sạch bằng năng lượng mặt trời, xử lý nước thải sinh hoạt và quản lý chất thải hữu cơ…
Bà Annika Rembe, Tổng Giám đốc Viện Thụy Điển nhận định, hội thảo là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp hai nước trao đổi nghiên cứu, hợp tác trong việc ứng dụng các công nghệ sạch, tìm ra các cách thức bền vững để đối xử với thiên nhiên.
Nguồn tin: Bạch Dương - laodong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn