Đặc biệt, biến đổi khí hậu sẽ tác động rất lớn đến tài nguyên nước, như lượng mưa diễn biến bất thường, nước biển dâng, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Hiện tượng này đã xuất hiện rõ trong những năm gần đây gây ảnh hưởng nặng nề đến nguồn nước. Cụ thể như hạn hán, thiếu nước năm nào cũng xảy ra trên các lưu vực sông thuộc khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước những thách thức về quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước ứng phó với biến đổi khí hậu, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong quản lý tài nguyên nước là hết sức cần thiết trên cơ sở bảo đảm cả chất lượng và số lượng trên toàn lưu vực mới có thể giải quyết tốt cho nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng.
Ngày 03 tháng 6 năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã xác định mục tiêu cụ thể về quản lý tài nguyên đến năm 2020 là: "
Quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia. Ngăn chặn xu hướng suy giảm tài nguyên nước ngọt và tài nguyên rừng; nâng cao hiệu quả sử dụng nước tính trên một đơn vị GDP…".
Để cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết nêu trên, ngày 23 tháng 01 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Đã xác định những nội dung chính đối với lĩnh vực tài nguyên nước bao gồm: Đẩy mạnh điều tra cơ bản, quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước và giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước; Tăng cường các biện pháp tích nước, điều hòa, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm tài nguyên nước và phát triển các mô hình sử dụng nước hiệu quả; Tăng cường các biện pháp chủ động kiểm soát, giám sát ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; và Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nguồn nước liên quốc gia.
Những kết quả nghiên cứu khoa học giai đoạn 2010-2015
Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ lĩnh vực tài nguyên nước giai đoạn 2010 - 2015 đã được triển khai thực hiện tại các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong số đó, các đề tài khoa học và công nghệ đã thực hiện được một phần mục tiêu và nhiện vụ đặt ra của hai Nghị quyết nêu trên cụ thể như sau:
Một là, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến về quản lý và bảo vệ tài nguyên nước
Các đề tài đã đi sâu nghiên cứu ứng dụng các phần mềm, các mô hình, giải pháp tiên tiến phục vụ quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên nước; bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra vào phục vụ quản lý tài nguyên nước như: phần mềm GMS (Groundwater Modelling System) đánh giá trữ lượng và diễn biến xâm nhập mặn nước dưới đất; mô hình chất lượng nước MIKE 11 đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước là sông, suối; mô hình SPSS đánh giá chất lượng nguồn nước sông; mô hình phân tích hệ thống nhằm phân bổ hợp lý nguồn nước trong quy hoạch tài nguyên nước; mô hình số thủy văn đánh giá lượng bổ cập cho nước dưới đất; Quy trình thu gom nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất ở các đảo; quy trình đánh giá khả năng tự bảo vệ của nước dưới đất và đánh giá tính bền vững của tài nguyên nước dưới đất; quy trình công nghệ đo ảnh điện 3D trong điều tra các thấu kính nước nhạt nông khu vực ven biển;…
Hai là, hoàn thiện, đổi mới chính sách, pháp luật, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước vể tài nguyên nước
Kết quả nghiên cứu của một số đề tài đã được chuyển giao, áp dụng phục vụ có hiệu quả công tác xây dựng thể chế, chính sách trong lĩnh vực. Một số đề tài đang được triển khai phục vụ xây dựng các văn bản bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, cụ thể như sau:
- Góp phần hoàn thiện các quy định để hướng dẫn triển khai thi hành Luật tài nguyên nước năm 2012 như: xác lập quyền sở hữu tài nguyên nước như một loại tài sản, phân loại nguồn nước; quy định hành lang bảo vệ sông hồ; cơ chế tích nước các hồ chứa; cơ chế và tỷ lệ chia sẻ nguồn nước; chỉ tiêu giám sát nguồn nước; phân cấp quản lý tài nguyên nước.
- Tạo lập cơ sở khoa học phục vụ cho việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia đã đưa ra được các luận chứng và các công cụ áp dụng thử nghiệm như: xác định mức sử dụng nước trong một số hoạt động sản xuất công nghiệp; xác lập quyền sở hữu tài nguyên nước như một loại tài sản; khai thác, sử dụng và quản lý tổng hợp tài nguyên nước; bộ bản đồ chuẩn cho công tác điều tra đánh giá tài nguyên nước; phân bổ hợp lý nguồn nước trong quy hoạch tài nguyên nước; phương pháp tính toán lượng nước buôn bán ảo; phương pháp xác định dòng chảy tối thiểu; quy định phân loại nguồn nước; bổ sung nhân tạo nước dưới đất…
- Một số kết quả nghiên cứu như xây dựng bộ công cụ nhằm xác định dòng chảy tối thiểu trên sông; Nghiên cứu xu thế biến động nguồn nước và các biện pháp quản lý, khai thác sử dụng bền vững nguồn nước lưu vực sông Đà; Nghiên cứu giải pháp khai thác sử dụng hợp lý, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Cả và đề tài Nghiên cứu đánh giá các thiên tai lũ lụt, hạn hán thiếu nước và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý, phòng tránh và giảm thiệt hại trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn được sử dụng để xây dựng các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srepok, Hồng, Hương, Ba - Hinh, Trà Khúc, Mã, Cả, Đồng Nai, Kôn trong mùa cạn và mùa lũ.
- Các đề tài nghiên cứu để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thi hành luật tài nguyên nước là cơ sở để xây dựng và ban hành các Nghị định và Thông tư gồm: Nghị định của chính phủ Quy định việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định quy định mức thu, phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Thông tư Quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Thông tư quy định trình tự thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch tài nguyên nước và hồ sơ quy hoạch tài nguyên nước; Thông tư quy định về việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông;....
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu các đề tài cũng là cơ sở quan trọng để đề xuất việc phân cấp quản lý tài nguyên nước, mô hình cơ quan quản lý chuyên ngành tài nguyên nước vàxây dựng Đề án thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành về tài nguyên nước theo chỉ đạo của Chính phủ; ....
Ba là, xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số về quản lý tài nguyên nước làm căn cứ để hoạch định chính sách, giám sát, đánh giá về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững;
Nhiều đề tài đã được thực hiện nhằm nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát nguồn nước; xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước phục vụ việc điều hành, điều phối trên lưu vực sông; xây dựng và đề xuất bộ chỉ tiêu, phương pháp kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước; xây dựng bộ chỉ số căng thẳng tài nguyên nước có xét đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam ... và một số kết quả đã được bước đầu áp dụng trong công tác quản lý của Cục Quản lý tài nguyên nước.
Bốn là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin tổng hợp và thống nhất về tài nguyên nước;
Nhiều đề tài đã và đang được thực hiện nhằm nghiên cứu, xác định yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân; đề xuất chuẩn dữ liệu, bộ dữ liệu trong lĩnh vực tài nguyên nước; xây dựng Bộ chỉ số về tài nguyên nước trong tăng trưởng xanh; Bộ bản đồ chuẩn trong điều tra đánh giá tài nguyên nước...
Năm là, đẩy mạnh điều tra cơ bản, quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước và giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước;
Nhiều đề tài đã được thực hiện nhằm phát triển các công cụ, phương pháp, thiết bị, công nghệ mới, hiện đại phù hợp trong quản lý khai thác, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước, quy hoạch, điều phối, điều tra cơ bản, kiểm kê giám sát tài nguyên nước, điển hình có đề tài Nghiên cứu, đánh giá tác động của đô thị hoá đến lượng cung cấp cho nước dưới đất thành phố Hà Nội, Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc Neogen - Đệ Tứ vùng Đông Nam Bộ và vai trò của chúng đối với việc hình thành trữ lượng tài nguyên nước dưới đất vùng đồng bằng Nam Bộ, Nghiên cứu mối quan hệ giữa nước sông và nước dưới đất và đề xuất phương pháp xác định trữ lượng khai thác nước dưới đất vùng ven sông Hồng từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên, Nghiên cứu phương pháp xác định ngưỡng trữ lượng khai thác của tầng chứa nước khe nứt - lỗ hổng phun trào bazan, áp dụng cho cao nguyên Pleiku- Gia Lai,...
Sáu là, tăng cường các biện pháp tích nước, điều hòa, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm tài nguyên nước và phát triển các mô hình sử dụng nước hiệu quả;
Nội dung này là một trong những trọng tâm nghiên cứu với nhiều đề tài, và các kết quả thu được cũng rất khả quan, điển hình có đề tài Nghiên cứu giải pháp khai thác sử dụng hợp lý, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Cả; Nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu sử dụng nước theo quan điểm nước ảo; Nghiên cứu xây dựng tiêu chí xác định tầng chứa nước, khoanh định vùng cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất thích hợp; Nghiên cứu mối quan hệ giữa các tầng, phức hệ chứa nước với tiềm năng tài nguyên nước và đề xuất giải pháp trữ nước và bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Nghiên cứu mô hình trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất; Nghiên cứu xu thế biến động nguồn nước và các biện pháp quản lý, khai thác sử dụng bền vững nguồn nước lưu vực sông Đà; ...
Về cơ chế điều hòa, chia sẻ nguồn nước có đề tài “Nghiên cứu để xác định mức độ ưu tiên, cơ chế và tỷ lệ chia sẻ nguồn nước lưu vực sông trong tình huống thiếu nước”; Nghiên cứu đánh giá các thiên tai lũ lụt, hạn hán thiếu nước và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý, phòng tránh và giảm thiệt hại trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn; Nghiên cứu xây dựng các kịch bản phục vụ công tác vận hành các hồ chứa theo quy trình liên hồ trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa lũ.
Bẩy là, tăng cường các biện pháp chủ động kiểm soát, giám sát ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước;
Nghiên cứu xác định nguyên nhân khan hiếm và ô nhiễm nước dưới đất tại một số khu vực karst Tây bắc, đề xuất các giải pháp bảo vệ và cung cấp nước phục vụ phát triển kinh tế- xã hội; Phân tích, đánh giá tác động của hiện tượng El Nino đến thiếu hụt lượng mưa gây cạn kiệt mực nước, lưu lượng và đề xuất cơ chế tích nước sớm của các hồ chứa nhằm bổ sung nguồn nước trong trường hợp thiếu nước cho khu vực hạ lưu sông Hồng; Nghiên cứu đề xuất hướng dẫn nội dung của phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các khu công nghiệp tập trung; Nghiên cứu sự thay đổi dòng chảy mùa khô trên hệ thống sông chính đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các biện pháp quản lý.
Tám là, mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nguồn nước liên quốc gia.
Kết quả của đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tác động của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thuỷ” được sử dụng để xây dựng Hồ sơ về việc gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy.
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký ban hành Quyết định số 818/2014/QĐ-CTN về việc Việt Nam gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 21/5/1997. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN tham gia Công ước.
Định hướng nghiên cứu khoa học thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP lĩnh vực tài nguyên nước
Ngày 23 tháng 01 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 182/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020, theo đó tại Danh mục các đề án ưu tiên thực hiện kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020 đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì triển khai Chương trình "
Nghiên cứu, xác lập cơ sở khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ phục vụ xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp, công cụ kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước''. Theo đó, đã định hướng các nội dung cụ thể như sau:
- Nghiên cứu, xác lập cơ sở khoa học phục vụ xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp, công cụ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, giảm thiểu tác hại do nước gây ra;
- Nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám, tự động hóa trong đánh giá, dự báo, giám sát tài nguyên nước, các hoạt động gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước; cải tạo phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái;
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp, công cụ kỹ thuật trong điều hòa, phân bổ tài nguyên nước theo hướng sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước trên các lưu vực sông;
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển các sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tổn thất nước;
- Phát triển và tăng cường năng lực hệ thống các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước;
- Tăng cường năng lực cho một số viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức sự nghiệp công về tài nguyên nước trong việc nghiên cứu, đánh giá, dự báo tài nguyên nước; phát triển công nghệ, giải pháp tăng cường trữ nước ở các vùng trũng, bổ sung nhân tạo nước dưới đất; nghiên cứu áp dụng, phát triển các công cụ mô hình toán hỗ trợ quản lý tài nguyên nước, vận hành điều tiết nước tối ưu và các công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, chống thất thoát trong các hệ thống thủy lợi, cấp nước đô thị.
Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ bám sát nội dung nêu trên trong giai đoạn 2016-2020 lĩnh vực tài nguyên nước góp phần thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020.
Các giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP lĩnh vực tài nguyên nước
- Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đưa Luật Tài nguyên nước năm 2012 vào cuộc sống, bảo đảm việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước quốc gia hiệu quả, bền vững, bảo đảm thực hiện nghiêm các yêu cầu bảo vệ, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, giảm thiểu thấp nhất những tác hại do nước gây ra.
- Tạo sự ủng hộ, đồng thuận giữa các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh, bảo đảm việc khai thác, sử dụng các nguồn nước liên quốc gia, trước hết là tại lưu vực sông Mê Công và sông Hồng một cách công bằng, hợp lý, không gây hại đáng kể theo nguyên tắc cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy, mà Việt Nam với tư cách là thành viên chính thức thứ 31 của Công ước này.
- Tổ chức triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ bám sát với mục tiêu, nội dung, theo tinh thần Nghị quyết 24/NQ-TW.
- Tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý và tổ chức khoa học và công nghệ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ lĩnh vực tài nguyên nước./.