Nghiên cứu phân vùng chức năng nguồn nước trên các lưu vực sông
Thứ sáu - 05/06/2015 10:25
ảnh minh họa
Cùng với tốc độ phát triển KT-XH, nhu cầu khai thác, sử dụng nước càng gia tăng gây ra nhiều các mâu thuẫn, tranh chấp, bất cập trong khai thác, sử dụng TNN, gây ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, BĐKH cũng là yếu tố tác động rất lớn đến TNN. Chính vì vậy, việc phân vùng chức năng của nguồn nước sẽ là cơ sở quan trọng để xác định các nội dung chính của quy hoạch TNN, thực hiện các hoạt động cấp phép khai thác, sử dụng TNN và xả nước thải vào nguồn nước nhằm quản lý, bảo vệ TNN hiệu quả trong tình hình hiện nay và những năm tiếp theo.
Vai trò của chức năng nguồn nước
Luật TNN năm 2012, tại Điều 2, mục 21 có nêu “chức năng nguồn nước là những mục đích sử dụng nước nhất định dựa trên giá trị lợi ích của nguồn nước". Trong bối cảnh xây dựng nhiệm vụ quy hoạch, chức năng nguồn nước giúp xác định các vấn đề chính, để xây dựng tầm nhìn cho lưu vực và giúp làm rõ các mục tiêu TNN và các hoạt động quy hoạch tiếp theo. Các chức năng quy hoạch đã xác định cũng sẽ làm cơ sở để phân tích kỹ hơn trong các hoạt động quy hoạch sau khi xây dựng nhiệm vụ quy hoạch. Việc xác lập các chức năng sẽ giúp ưu tiên và tập trung cho công tác quản lý TNN tại một vị trí cụ thể.
Trong hệ thống nguồn nước, tại mọi thời điểm luôn có sự tác động qua lại giữa cấu trúc, quy trình và chức năng. Cấu trúc là thành phần vô cơ, hữu cơ, thành phần chất lượng, số lượng nguồn nước. Quá trình bao gồm các việc chuyển hóa vật chất và năng lượng. Tác động qua lại giữa cấu trúc và các quá trình hình thành nên chức năng của nguồn nước. Chức năng nguồn nước lại cung cấp các dịch vụ, sản phẩm, hàng hóa và mang lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng và môi trường. Có thể tạm thời phân chia chức năng nguồn nước thành các nhóm:
Một là, chức năng cung cấp nước: Cung cấp nước cho tưới, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phát điện, công nghiệp.
Hai là, chức năng điều hòa: Điều tiết một phần dòng chảy, tiêu thoát nước, tiêu thoát lũ, tiếp nhận nước thải.
Ba là, chức năng văn hóa – xã hội: Giải trí, du lịch, tạo môi trường cảnh quan, tinh thần và quân sự.
Bốn là, chức năng hỗ trợ sinh thái: Cung cấp nguồn dinh dưỡng, phù sa, phục hồi sinh thái, cung cấp nơi cư trú và sinh sản cho các loài thủy sinh.
Nước trên sông Đuống được sử dụng để đảm bảo giao thông thủy, cấp nước, du lịch, tạo cảnh quan
Phương pháp xác định phạm vi các vùng chức năng trên lưu vực sông
Thực tế, các cụm từ khoanh vùng chức năng nguồn nước, khu vực chức năng nguồn nước đã được đề cập đến rất nhiều trong các tài liệu nghiên cứu của các nước về chức năng nguồn nước. Tuy nhiên, việc khoanh vùng chức năng nguồn nước đối với một lưu vực sông cụ thể thường dựa trên các yếu tố về điều kiện tự nhiên, các yêu cầu chức năng và tình hình phát triển tài nguyên nước.
Mỗi chức năng của nước đều có các giá trị liên quan đến vấn đề xã hội. Các giá trị này có thể là cá nhân, địa phương, tiểu lưu vực, lưu vực hoặc quốc gia. Dựa trên từng chức năng được xác định ở trên, các bên liên quan sẽ lựa chọn ưu tiên cao nhất. Các lựa chọn này sẽ góp phần trong việc hình thành mục tiêu quản lý tài nguyên nước. Thông qua các nhà quy hoạch và sự tham vấn của các bên liên quan, sự cân bằng mong muốn có thể được xác định. Mong muốn cân bằng này sẽ xác định các kế hoạch và khu vực ưu tiên và đưa ra các chức năng ưu tiên, các vấn đề chính và các khu vực trọng điểm cần quan tâm.
Về cơ bản, tất cả các chức năng có giá trị ngang nhau. Tuy nhiên, từ góc độ quản lý, việc sắp xếp các chức năng theo thứ tự ưu tiên có thể giúp đạt được sự cân bằng hợp lý hơn cho các hoạt động quản lý để đạt một kết quả bền vững hơn. Ví dụ, nếu các chức năng liên quan đến bảo vệ môi trường trước đây đã không đảm bảo thì sau đó có thể trở thành một ưu tiên quản lý. Trong trường hợp trước đây nước không được phân bổ đầy đủ thì sau đó có thể triển khai các phương án quản lý để đảm bảo đáp ứng được tất cả các chức năng. Phương pháp xác định phạm vi vùng chức năng của nguồn nước là sự kết hợp phân vùng của các nhân tố là: phân vùng nguồn nước và phân vùng mục đích sử dụng nước dựa trên các giá trị lợi ích của nguồn nước.
Sử dụng các chức năng nguồn nước trên thực tiễn
Đầu tiên, xem xét 2 quan điểm về chức năng là các chức năng sử dụng nguồn nước hiện tại, và chức năng sử dụng các nguồn nước tương lai mà các bên liên quan muốn đạt được. Chức năng hiện tại của nguồn nước dựa trên các mục đích cụ thể. Chức năng trong tương lai phụ thuộc vào cách người ta muốn và mong đợi nguồn nước được sử dụng trong tương lai. Điều này có thể được quyết định trong quá trình xếp hạng ưu tiên các chức năng. Ví dụ, bảo vệ một số loài cá quý không là mục đích hiện tại, nhưng có thể là ưu tiên cao 20 năm sau đó. Điều này sẽ được đặt là một trong những kịch bản để tìm ra biện pháp trong quy hoạch TNN. Đối với sử dụng nước hiện tại, các nhà quy hoạch muốn bảo đảm rằng các sử dụng này có thể tiếp tục trong tương lai, kể cả nếu tăng lên. Nhưng đối với các chức năng tương lai, các nhà quản lý phải thực sự mang lại thay đổi về điều kiện hoặc quản lý nguồn nước. Trong ví dụ này, “nguồn nước” ở đây được hiểu là sông, hồ, ao hồ, vùng cửa sông, các tầng ngậm nước như là các nguồn nước có khả năng đáp ứng nhu cầu của con người. Căn cứ vào mục đích sử dụng nước hiện tại, các nguồn nước chính của lưu vực được liệt kê như sau:
Nguồn nước Sông Đà
Từ biên giới Việt Nam-Trung Quốc đến nhà máy thủy điện Lai Châu (hồ Lai Châu): Sử dụng nước để phát điện - nhà máy thủy điện Lai Châu; phát triển sản xuất nhỏ; sử dụng nước sinh hoạt; tạo cảnh quan.
Từ nhà máy thủy điện Lai Châu (hồ Lai Châu) đến nhà máy thủy điện Sơn La (hồ Sơn La): Sử dụng nước để phát điện - nhà máy thủy điện Sơn La: Chống lũ (dành 3 tỷ m3 để chống lũ); cấp nước cho thành phố Sơn La; du lịch trên lòng hồ Sơn La; phát triển sản xuất nhỏ; sử dụng nước cho sinh hoạt; tạo cảnh quan.
Từ nhà máy thủy điện Sơn La (hồ chứa Sơn La) đến nhà máy thủy điện Hòa Bình (hồ Hòa Bình): Sử dụng nước để phát điện - nhà máy thủy điện Hòa Bình; chống lũ (dành 4 tỷ m3 để chống lũ); cấp nước cho TP. Hòa Bình; du lịch trên lòng hồ Hòa Bình; phát triển sản xuất nhỏ; sử dụng nước cho sinh hoạt; tạo cảnh quan.
Từ nhà máy thủy điện Hòa Bình đến ngã ba sông Đà và sông Thao: Cấp nước sinh hoạt cho thủ đô Hà Nội (hiện tại 350.000 m3/ngày); điều tiết nước cho sông Tích (một nhánh của sông Đáy với lưu lượng thiết kế là 60 m3/s); xây dựng sân gôn Hòa Bình; duy trì môi trường sống cho các loài cá quý: cá Chiên (Bagarious); đường thủy với tàu có tải trọng < 200 tấn; phát triển sản xuất nhỏ; sử dụng nước sinh hoạt; tạo cảnh quan.
Nguồn nước sông Thao
Từ biên giới Việt Nam-Trung Quốc đến thành phồ Yên Bái: Đường thủy với tàu < 200 tấn; tiếp nhận nước thải đô thị; phát triển sản xuất nhỏ; sử dụng nước sinh hoạt; tạo cảnh quan.
Từ thành phố Yên Bái đến hợp lưu sông Đà và sông Lô: Tạo một số khu vực chứa lũ; đường thủy với tàu <200 tấn; duy trì môi trường sống cho các loài cá quý: cá Lăng (Bagridae), cá Anh Vũ (semilabeo notabilis); tiếp nhận nước thải đô thị; phát triển sản xuất nhỏ; sử dụng nước sinh hoạt; tạo cảnh quan.
Nguồn nướcĐồng bằng sông Hồng - Thái Bình
Sông Tích và Nhuệ - Đáy: Sản xuất lương thực; phân lũ và giảm lũ của đập Đáy; duy trì di tích lịch sử, ngôi đền Trần, và ngôi mộ của Phùng Hưng và Ngô Quyền; cấp nước tưới (qua các trạm bơm và cống Liên Mạc); phát triển du lịch (hồ Đồng Mô, Suối Hai, Suối Tiên, Ao Vua, Tam Cốc - Bích Động, Bái Đính - Tràng An); xây dựng các sân gôn Đồng Mô - Ngải Sơn; tiếp nhận nước thải đô thị và công nghiệp; phát triển sản xuất nhỏ; sử dụng nước sinh hoạt; tạo cảnh quan.
Sông Đuống: Đường thủy với tàu < 300; cấp nước cho các trạm bơm thủy tưới dọc sông; sản xuất lương thực; du lịch: chùa, đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan; phát triển sản xuất nhỏ; sử dụng nước sinh hoạt; tạo cảnh quan.
Sông Luộc: Cảng sông tại Hải Phòng; đường thủy với tàu < 200 tấn; sản xuất lương thực; phát triển sản xuất nhỏ; sử dụng nước sinh hoạt; tạo cảnh quan.
Sông Hồng từ Sơn Tây đến cửa Ba Lạt: Cấp nước cho hệ thống tưới Bắc Hưng Hải (qua cống Xuân Quan, lưu lượng 75 m3/s); trạm bơm tưới Phù Sa tưới 16.000 ha; đường thủy với tàu < 450 tấn; sản xuất lương thực; nước thiêng ở hợp lưu sông Đà, Lô, Thao và Hồng; duy trì môi trường sống cho các loài cá quý ở hợp lưu sông Đà, Thao và Hồng: cá Chiên (Bagarious), cá Anh Vũ (semilabeo notabilis); tiếp nhận nước thải đô thị và công nghiệp; tuyến đường di cư của một số loài cá ra Biển Đông: cá Cháy (Tenualosa), cá Mòi (pilchard); khu sinh thái - Ramsar Xuân Thủy.
Du lịch trên dòng suối Yến, chùa Hương - Mỹ Đức, Hà Nội
Bài học kinh nghiệm
Phát triển kinh tế, tự nó, không thể đáp ứng tất cả các lợi ích của con người. Trong thực tế, nhiều con sông bị suy thoái do khai thác nước của con người. Ví dụ, việc xây dựng các hồ chứa đã bộc lộ những thiếu sót trong khi các hồ chứa là công cụ để điều tiết dòng chảy, trữ nước trong mùa mưa để xả trong mùa khô. Hiện nay, các hồ chứa khi vận hành có thể có tác động tiêu cực đến dòng sông. Nạo vét kênh, mở rộng dòng chảy, khai thác vàng ở đáy sông đã gây ra mất cảnh quan và vẻ đẹp vốn có của dòng sông. Hơn nữa, việc chuyển nước từ sông này sang sông khác để tối đa hóa lợi ích đã không được đánh giá một cách toàn diện và tác động tiêu cực gây ra cho các con sông khác vẫn phổ biến ở nước ta. Trước tình hình này, đòi hỏi phải có can thiệp quản lý để điều chỉnh tất cả các hoạt động đáp ứng nhu cầu của con người và bảo đảm sức khỏe của dòng sông.
Mỗi chức năng của nước sẽ có giá trị kèm theo tùy theo cách xã hội nhìn nhận. Giá trị này có thể là ở quy mô cá nhân, địa phương, tiểu lưu vực, lưu vực, hoặc quốc gia. Dựa trên từng chức năng đã xác định, các bên liên quan sẽ lựa chọn đâu là ưu tiên cao nhất. Việc lựa chọn sẽ góp phần hình thành các mục tiêu quản lý TNN.
Tác giả bài viết: ThS. Giang Thanh Bình, ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, CN. Tống Thị Liên