Toàn cảnh nhà máy thủy điện Séo Hồ và trạm bơm nước PAT thuộc dự án KaWaTech
Dự án KaWaTech triển khai công nghệ bơm nước không dùng điện (PAT) được thực hiện tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã bước đầu thành công, giúp các hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện thoát khỏi tình trạng khan hiếm nước. Dự kiến trong thời gian tới, công trình sẽ còn được nhân rộng đến các khu vực thiếu nước khác.
Đảm bảo đủ cung cấp nước cho thị trấn Đồng Văn
Thị trấn Đồng Văn (Hà Giang) nổi tiếng là vùng đất khô khát, thiếu nước quanh năm. Đặc biệt khi du lịch phát triển, nhu cầu gia tăng thì tình trạng thiếu nước càng trở nên nghiêm trọng.
Để tìm một giải pháp cho vùng, năm 2008, Bộ TN&MT đã giao Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, phối hợp với Viện Quản lý nước và lưu vực sông – Viện Công Nghệ Karlsruhe (Cộng hòa Liên bang Đức) tham gia đề tài “triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang” (viết tắt là Kawatech).
Sở dĩ các Bộ, ngành của Việt Nam chọn đối tác Đức là bởi trước khi đến Hà Giang, Viện Quản lý nước và lưu vực sông – Viện Công Nghệ Karlsruhe đã ứng dụng thành công công nghệ bơm lấy nước ở hang động cho Indonesia.
Từ năm 2009, các nhà khoa học Việt Nam – Đức đã bắt đầu khảo sát, nghiên cứu, quan trắc, thu thập dữ liệu, tìm phương án tiền khả thi. Qua nghiên cứu thực tế tại huyện Đồng Văn, các nhà khoa học từ Đức đã đưa công nghệ bơm không dùng điện để bơm nước từ một dòng suối ở xã Thài Phìn Tủng lên một bể chứa trên đỉnh núi với độ chênh cao từ 500 - 700m để cấp nước tự chảy cho toàn bộ thị trấn Đồng Văn và một số thôn ở xã Thài Phìn Tủng.
Ông Hồ Tiến Chung (bên phải) và một thành viên của dự án KaWaTech khảo sát và đo lưu lượng nước tại một dòng chảy khu vực Nà Luông, Yên Minh, Hà Giang
Tháng 2/2014, Dự án Kawatech được triển khai tại thôn Séo Hồ, xã Thài Phìn Tủng, với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, trong đó, Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ 2,5 triệu Euro (tương đương gần 70 tỷ đồng), Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ gần 9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng gần 70 tỷ đồng.
Sau nhiều năm thi công, cuối năm 2019, Dự án hoàn thành với các hạng mục như: Hệ thống bơm không dùng điện với 2 tổ bơm, tổng công suất 19 lít/s. Có thể bơm cấp 1.800m3 nước/ngày, phục vụ khoảng 10.000 dân sử dụng; đường ống áp lực có khả năng chịu được áp lực nước, tương đương cột nước cao 800m, với chiều dài khoảng 2,5km; tuyến ống thép áp lực tổng chiều dài gần 2,4km, bơm nước lên bể chứa tại thôn Ma Ú, xã Thài Phìn Tủng với độ chênh cao 540m so với điểm đặt hệ thống bơm nước. Công trình đã được vận hành thử nghiệm thành công với công suất đạt 1.600m3/ngày đêm, đảm bảo cấp đủ nước cho toàn bộ thị trấn Đồng Văn hiện tại và tương lai.
Theo ông Hồ Tiến Chung, Trưởng phòng Kiến tạo và địa mạo (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản), dự án có 2 pha được thực hiện, gồm: pha 1 tập trung vào nghiên cứu và bơm nước, pha 2 là xử lý nước, cung cấp nước sạch cho địa phương. Với công suất bơm 1.500 m3/ngày đêm, đủ để cung cấp nước cho 2.000 hộ dân tương ứng với 10.000 dân sống ở khu vực thị trấn Đồng Văn và những khu lân cận của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Tiến tới nhân rộng công trình bơm nước không điện
Trong mùa hạn vừa qua, nước đã về với thị trấn Đồng Văn nhờ công trình bơm nước không cần điện. Nhiều bà con trước đây không có nước hiện đã có nước được đấu nối nước đến tận hộ để sử dụng.
Theo báo cáo của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Đồng Văn, công trình đã được vận hành và huyện đã lắp thêm hàng chục đồng hồ nước cho bà con sinh sống ở các khu vực cao hơn trước đây nước không thể bơm đến được.
Ông Hồ Tiến Chung cho biết, do công trình mới vận hành nên Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản sẽ tiếp tục cùng với đối tác CHLB Đức theo dõi, kiểm tra các lỗi từ đó tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Để công trình được vận hành lâu dài sau khi bàn giao, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã kiến nghị tỉnh Hà Giang và đơn vị thụ hưởng ký hợp đồng duy tu bảo dưỡng với công ty bơm KSB Việt Nam định kỳ 6 tháng 1 lần.
Đề cập đến vấn đề nhân rộng mô hình của dự án, ông Hồ Tiến Chung cho biết thêm, sau khi thành công trong việc bơm nước cung cấp cho thị trấn Đồng Văn, UBND tỉnh Hà Giang có đề xuất nhân rộng mô hình sang Mèo Vạc. Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản có trao đổi với đoàn của Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Cộng hòa liên bang Đức (BMBF), Bộ này đã cam kết sẽ cử cán bộ chuyên gia tư vấn nghiên cứu tiền khả thi tại huyện Mèo Vạc.
Ngoài ra, Bộ TN&MT đã giao Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tìm kiếm các khu vực có khả năng nhân rộng mô hình của dự án KaWaTech cho huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và huyện Hà Quảng (Cao Bằng).