Nước, Vệ sinh và Môi trường phải là trọng tâm của y tế cộng đồng vì sức khỏe toàn cầu
Vào Ngày Nước Thế giới vừa qua (22/3/2021), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát hành Chiến lược Toàn cầu về Nước, Vệ sinh và Môi trường nhằm góp phần vào nỗ lực chung của các ngành nước, vệ sinh môi trường (WASH) và Y Tế trong việc phòng chống và chấm dứt các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTDs).
Chiến lược Toàn cầu về Nước, Vệ sinh và Môi trường nhằm phòng, chống lại Các Bệnh Nhiệt đới đặc biệt giai đoạn 2021-2030 là một chiến lược bổ sung cho lộ trình phòng chống các bệnh nhiệt đới mà thế giới đã lãng quên gần đây và phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững về nước sạch và vệ sinh môi trường (mục tiêu 6.1 và 6.2).
Nếu không có nước, xà phòng và các chất diệt khuẩn rất khó để thực hiện các hoạt động y tế công cộng nhằm ngăn ngừa và quản lý các bệnh nhiệt đới NTDs như bệnh đau mắt hột, một căn bệnh có thể dẫn đến mù lòa và không thể phục hồi nếu không được vệ sinh sạch sẽ, rửa chân tay để tránh bệnh giun sán, đặc biệt là bệnh giun chỉ bạch huyết loại bệnh mà giun xâm nhập vào hệ thống bạch huyết và gây phù nề nghiêm trọng, đặc biệt là ở chân; rửa vết thương, làm sạch kỹ lưỡng sau khi bị chó cắn có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút từ nước bọt của chó gây bệnh dại; và rửa tay tránh các loại vi khuẩn đường ruột khi tiếp xúc với đất cát có trứng giun hay thức ăn không được vệ sinh sạch sẽ.
Nước, Vệ sinh và Môi trường phải là trọng tâm của y tế cộng đồng vì sức khỏe toàn cầu
Thực thế, có một sự bất bình đẳng lớn trong việc tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường trên toàn thế giới, hiện nay có ít nhất 2 tỷ người sống dựa vào nguồn cung cấp nước không an toàn; 673 triệu người phải sử dụng nhà vệ sinh thô sơ, và ước tính có khoảng 3 tỷ người không được tiếp cận với các phương tiện rửa tay cơ bản, đảm bảo diệt khuẩn trong vệ sinh cá nhân.
Đại dịch COVID-19 là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng Nước, Vệ sinh và Môi trường phải là trọng tâm của y tế cộng đồng vì sức khỏe toàn cầu, dù có hay không liên quan đến những căn bệnh mới hay những căn bệnh đã từng xảy ra như NTDs.
Các nguyên tắc cơ bản để hành động chống lại những bệnh NTDs bao gồm các hệ thống y tế có khả năng chăm sóc ban đầu, khả năng tiếp cận với vệ sinh môi trường. Hệ thống y tế có khả năng hoạt động tốt không chỉ mang lại kết quả với những bệnh NTDs mà còn có khả năng đối phó, quản lý, chống lại các đợt bùng phát và các cuộc khủng hoảng sức khỏe khác.
Chiến lược này cũng kêu gọi hành động tập thể: Các chính phủ, xã hội dân sự, các cơ quan quốc tế, các nhà tài trợ, các khu vực công và tư nhân phải làm việc cùng nhau thể hiện vai trò lãnh đạo chính trị và đầu tư dài hạn vào hệ thống Y tế và WASH cơ bản, tốt hơn để thực hiện các mục tiêu của mình.
Với tầm nhìn chiến lược là đạt được mục tiêu về lộ trình chống các loại bệnh truyền nhiễm nhiệt đới hiếm gặp NTDs một cách nhanh chóng và bền vững, đặc biệt là ở những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, cần phải có những nỗ lực chung kết hợp hai hoạt động Nước và vệ sinh môi trường.
Mục tiêu của Chiến lược Toàn cầu về Nước, Vệ sinh và Môi trường:
- Nâng cao nhận thức về tính đồng lợi ích của các hành động vệ sinh môi trường về các bệnh nhiệt đới bị lãng quên bằng cách chia sẻ kinh nghiệm trong suốt chương trình.
- Sử dụng dữ liệu về vệ sinh môi trường trong các chương trình phòng chống NTDs và ngược lại sử dụng dữ liệu NTDs trong các chương trình WASH để làm nổi bật sự bất bình đẳng, những thiếu xót trong từng chiến dịch để có những mục tiêu đầu tư đúng đắn, hợp lý song song với việc theo dõi tiến độ thực hiện của cả hai bên.
- Tăng cường cập nhật dữ liệu, thiết lập thực hành tốt nhất về các phương pháp tiếp cận tổng hợp đối với NTDs đồng thời đưa các kinh nghiệm, bài học vào các hướng dẫn và chiến lược quốc gia.
- Cùng lập kế hoạch, phân phối và đánh giá các chương trình nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình, tính bền vững và công bằng của tổng thể chương trình.
Bệnh nhiệt đới bị lãng quên viết tắt là NTDs (Neglected Tropical Diseases) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định chủ yếu xảy ra ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới với những đặc điểm như: Chúng tác động tới sức khỏe, tính mạng của những người nghèo - những người không được tiếp cận với nước sạch, vệ sinh và các dịch vụ y tế phòng chống bệnh truyền nhiễm. Phần lớn là bệnh mãn tính, phát triển chậm, dần dần trở nên tồi tệ nếu không được phát hiện và điều trị. Chúng có thể gây đau đớn dữ dội và tàn tật suốt đời, gây hậu quả lâu dài cho bệnh nhân và cho các thành viên trong gia đình do phải chăm sóc người bệnh. Người mắc NTDs thường bị kỳ thị và xa lánh cộng đồng, do đó họ có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Danh sách 20 bệnh NTDs theo WHO: Loét Buruli; Bệnh Chagas; Sốt Dengue và sốt Chikungunya; Bệnh Dracunculiasis (bệnh giun Guinea); Bệnh Echinococcosis; Bệnh sán lá truyền qua thức ăn; Bệnh trypanosomiasis Châu Phi hay bệnh ngủ Châu Phi; Bệnh Leishmaniasis; Bệnh phong; Bệnh giun chỉ bạch huyết; Bệnh nấm da (Mycetoma, chromoblastomycosis and other deep mycoses); Bệnh giun chỉ Onchocerciasis hay bệnh mù lòa đường sông; Bệnh dại; Bệnh cái ghẻ và các bệnh ngoại ký sinh khác; Bệnh sán máng; Giun sán truyền qua đất; Rắn độc cắn; Bệnh sán dây/ Ấu trùng sán lợn; Bệnh mắt hột; Bệnh ghẻ cóc (do xoắn khuẩn treponematoses lưu hành).
|