Ninh Thuận, Bình Thuận là một trong các vùng khô hạn nhất nước ta, tổng lượng mưa năm trung bình nhiều năm biến đổi từ 700 - 800 mm/năm ở Ninh Thuận và vùng phía Bắc tỉnh Bình Thuận và tăng dần tới gần 1.600 mm/năm ở vùng phía Nam tỉnh Bình Thuận. Lượng bốc hơi trong vùng lớn, tổng lượng bốc hơi năm trung bình nhiều năm biến thiên từ 1.360 mm/năm ở trạm Phan Thiết tới 1.830 mm/năm ở Phan Rang, có tháng lượng bốc hơi tới 220mm/tháng. Lượng mưa phân bố không đều, mùa khô lượng mưa chỉ chiếm dưới 20% lượng mưa năm. Lượng mưa nhỏ nhất trung bình nhiều năm là 1,3 mm ở trạm Tân Mỹ tới 2,3 mm/tháng ở trạm Phan Rang, hơn nữa các sông ở những vùng này thường ngắn, dốc, lưu vực nhỏ, khả năng điều tiết nước kém, vì vậy nguồn nước mùa khô nhỏ, nhiều sông suối nhỏ mùa khô không còn nước. Do vậy, hạn hán trong vùng thường xuyên xảy ra.
Mặc dù Ninh Thuận, Bình thuận là vùng khô hạn nhất nước ta, tuy nhiên, nếu tận dụng được khả năng trữ nước trong các hồ chứa, sông lạch và đặc biệt là các tầng chứa nước chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề cấp nước, giảm thiểu hạn hán ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Việc nghiên cứu các phương án khai thác nước ngầm, thiết kế hệ thống giếng phục vụ cho tưới hầu như chưa được quan tâm. Trong thực tế việc đào, khoan giếng khai thác nước ngầm chỉ được tiến hành ở một số vùng trong thời kỳ hạn mang tính thụ động, vì vậy hiệu quả kém. Ở một số vùng nhân dân cũng đã khai thác nước ngầm để tưới song diện tích còn nhỏ và mang tính tự phát, thiếu sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt không qua quy hoạch nên việc khai thác không bền vững, kém hiệu quả.
Nước ngầm là một thành phần quan trọng của tài nguyên nước, được chứa trong các lớp đất đá dưới mặt đất thành các tầng chứa nước. Các tầng chứa nước đóng vai trò dẫn nước như các kênh dẫn nước, đồng thời, cũng là các hồ chứa ngầm có khả năng trữ nước và điều tiết nước lớn, không chỉ điều tiết năm mà còn nhiều năm, khả năng điều tiết phụ thuộc vào diện tích, chiều dày và khả năng trữ nước của các lớp đất đá chứa nước. Trong thời kỳ khô hạn có thể khai thác lượng nước ngầm lớn hơn khả năng bổ cập của chúng, trong điều kiện này mực nước ngầm bị hạ thấp, song trong mùa mưa lượng cung cấp cho nước ngầm lớn hơn lượng khai thác nên mực nước ngầm được phục hồi. So với khai thác nguồn nước mặt, khai thác nước ngầm có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, trong khai thác tài nguyên nước cho tưới nói riêng và cho cấp nước cho công nghiệp và ăn uống sinh hoạt thường áp dụng kết hợp cả hai nguồn nước ngầm và nước mặt.
Để chủ động nguồn nước cho gia súc uống trong điều kiện hạn hán, người chăn nuôi phải ao để tích trữ nước (ảnh:internet)
Các tài liệu nghiên cứu sơ bộ về địa chất thủy văn trong vùng Ninh Thuận - Bình Thuận cho thấy mặc dù tiềm năng nước ngầm trong vùng nhỏ so với các vùng khác của Việt Nam do chiều dày các tầng chứa nước nhỏ, vùng đồng bằng kéo dài theo bờ biển, chịu tác động xâm nhập mặn của biển. Tuy nhiên, nước ngầm hoàn toàn có thể đóng góp một phần đáng kể để cung cấp cho ăn uống sinh hoạt và sản xuất, trong đó cho tưới cây trồng cạn. Tài liệu nghiên cứu sơ bộ cho thấy các lớp đất đá bở rời trong vùng đồng bằng có chiều dày trung bình khoảng 15 m, như vậy trên mỗi một km
2 ở vùng đồng bằng các lớp này chứa được lượng nước là 1 triệu m
3. Lượng nước mưa và nước mặt hàng năm cung cấp cho nước ngầm trung bình là khoảng 300 nghìn m
3/năm trên một km
2. Song lượng cung cấp chỉ xảy ra trong mùa mưa, mùa khô lượng cung cấp rất nhỏ và nước ngầm bị bốc hơi. Do đó, trong mùa khô khi khai thác mực nước ngầm sẽ bị hạ thấp, nếu như lấy mực nước bị hạ thấp cho phép trung bình là 2 m thì lượng nước ngầm có thể khai thác trong năm trên mỗi một km
2 ở vùng đồng bằng trung bình là 200 nghìn m
3/năm, nhỏ hơn lượng nước mưa và lượng nước mặt cung cấp cho nước ngầm, vì vậy mùa mưa mực nước ngầm được hồi phục hoàn toàn. Ước tính trên khu vực đồng bằng Ninh Thuận – Bình Thuận tỷ lệ diện tích thỏa mãn nhu cầu trên là 1/3, như vậy lượng nước ngầm có thể khai thác hàng năm của vùng là khoảng 195 triêu m
3/năm. Với lượng nước này nếu bố trí cây trồng hợp lý và kết hợp với khai thác sử dụng nguồn nước mặt hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nước phục vụ cung cấp nước cho ăn uống sinh hoạt và sản xuất cho vùng trong thời kỳ hạn. Mặt khác, nằm dưới các lớp đất đá bở rời ở vùng đồng bằng và ở vùng núi là các lớp đất đá cứng có mức độ chứa nước nhỏ hơn song vẫn có khả năng phục vụ cung cấp nước cho ăn uống và sản xuất quy mô nhỏ. Và đây cũng là nguồn nước có khả năng sử dụng phục vụ cấp nước.
Tuy nhiên, đánh giá trữ lượng nước ngầm và quy hoạch khai thác nước ngầm, thiết kế hệ thống khai thác nước ngầm là công tác chuyên môn, cần được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu thực hiện để đảm bảo việc khai thác bền vững, giảm thiểu tác động khai thác tới tài nguyên nước và môi trường. Vì vậy, để giảm thiểu hạn hạn, bảo đảm cung cấp nước cho ăn uống sinh hoạt, sản xuất nói chung và cho nông nghiệp nói riêng cho cả nước và đặc biệt cho vùng khô hạn Ninh Thuận – Bình Thuận, việc quan tâm sử dụng tổng hợp nguồn nước, chú ý thích đáng tới việc sử dụng nước ngầm là công tác hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cần tiến hành xây dựng và thực hiện một cách tổng hợp và lâu dài các biện pháp chủ yếu sau:
Một là, xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất, bố trí dân cư kết hợp với quy hoạch phân bổ khai thác tài nguyên nước trong đó quy hoạch phát triển kinh tế xã hội phải trên cơ sở khả năng đáp ứng của nguồn nước, đặc biệt là bố trí cây trồng và vật nuôi hợp lý.
Trong quy hoạch phân bổ và khai thác nguồn nước phải xem xét sử dụng tất cả các nguồn nước bao gồm nước mưa, nước mặt, nước ngầm, nước thải đã qua xử lý; tính toán cân bằng giữa nguồn nước sẵn có với lượng nước cần cho từng vùng, từng nguồn nước, đề xuất giải pháp phân bổ nguồn nước cũng như các biện pháp phát triển nguồn nước như xây dựng các hồ chứa nước, nghiên cứu thăm dò đánh giá nguồn nước ngầm, xây dựng các phương án khai thác nguồn nước thích hợp, bảo đảm hiệu quả kinh tế và bảo vệ tài nguyên nước, môi trường. Trong quy hoach cũng phải đề xuất các biện pháp tưới tiết kiệm, hợp lý phù hợp với từng loại cây trồng và địa hình, nguồn nước.
Trong quy hoạch phải tiến hành đánh giá tác động tới môi trường, xã hội và hiệu quả kinh tế - xã hội của việc phát triển và khai thác nguồn nước cho các phương án, phân bổ khai thác nguồn nước, đề xuất các biện pháp bảo vệ số lượng, chất lượng nguồn nước, các biện pháp giảm thiểu tác động do khai thác taì nguyên nước gây ra. Trong bảo vệ nguồn nước, ngoài các giải pháp công trình phải đặc biệt quan tâm các biện pháp phi công trình, đặc biệt nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo về tài nguyên nước,sử dụng nước tiết kiệm.
Khi quy hoạch phát triển kinh tế và quy hoạch tài nguyên nước, cũng như tiến hành xây dựng các công trình chứa nước, cấp nước phát triển nguồn nước phải đa dạng các loại hình chứa nước, dẫn nước như ao hồ; hạn chế lấn chiếm ao hồ, sông lạch, để tăng khả năng chứa nước mưa và tăng cường cung cấp thấm cho nước dưới đất.
Hai là, nâng cao chất lượng của công tác thiết kế và xây dựng các công trình cấp nước. Công tác thiết kế và xây dựng công trình cũng cần dựa trên cơ sở khả năng nguồn nước, biến đổi nguồn nước theo không gian và thời gian và yêu cầu nước, tăng cường việc điều tra cơ bản đánh giá biến đổi của nguồn nước, lựa chọn các tần xuất thiết kế hợp lý.
Ba là, nâng cao hiệu của của điều hòa, phân bố nguồn nước. Công tác điều hòa nguồn nước đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong thời kỳ hạn, nâng cao năng lực dự báo nguồn nước và dự báo hạn.
Bốn là, tiến hành các biện pháp trồng rừng bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm. Đối với Ninh Thuận, Bình Thuận lượng bốc hơi lớn, đặc biệt diện tích đất cát, đất trống đồi trọc khá lớn, nhất là vùng cồn cát ven biển, cần đặc biệt quan tâm trồng cây gây rừng, lựa chọn các biện pháp canh tác hợp lý, lựa chọn các loại cây chịu hạn, thích hợp để trồng rừng ven biển, để giữ ẩm cho vùng và chống cát bay, cát nhảy. Việc trồng cây gây rừng phải quan tâm tới sử dung nước ngầm để tưới và sử dụng các loại cây thân mềm chịu hạn, trồng phủ gốc để giữ ẩm. Áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước, xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích sử dung nước tiết kiệm.
Năm là, nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về tài nguyên nước, vận hành, quản lý các công trình khai thác nước. Tăng cường công tác điều tra đánh giá tài nguyên nước, dự báo hạn, kiểm soát nguồn nước. Xây dựng các kế hoạch phân bổ và sử dụng nước hàng năm và từng thời kỳ để giảm thiểu tinh trạng thiếu nước và chủ động ứng phó với hạn hán.
Để thực hiện tốt các công tác trên phải tăng cường hợp tác phối hợp giữa các ngành, các cấp ngay từ khâu quy hoạch tới khâu quản lý vận hành các công trình cấp nước, đặc biệt trong thời kỳ thiếu nước. Các hộ khai thác, sử dụng nước và nhân dân phải quan tâm sử dụng các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm cũng như bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước. Đối với các hộ nông dân phải thực hiện sản xuất, bố trí cây trồng theo quy hoạch, sủ dụng nước hợp lý, tiết kiệm theo quy định.