![]() |
Người dân khổ sở lội nước ngập dưới cơn mưa lớn trên đường Kinh Dương Vương, TP HCM vào tối 15/9. |
Để phát huy khả năng chống ngập khi gặp trường hợp bất lợi (mưa kết hợp triều cường cao), Trung tâm chống ngập còn đề xuất đặt hai trạm bơm tại cống Gò Dưa và cống Ông Dầu. Dự án này cũng được dự kiến xây dựng trong năm 2016.
Các vị trí còn lại được xác định xây dựng hồ điều tiết đều đã có quy mô cụ thể nhưng chưa xác định tiến độ thực hiện. Định hướng xây dựng hồ điều tiết là dựa tối đa vào diện tích mặt nước, sông rạch hiện hữu, không phải dự án nào cũng “đào hồ, đắp đập”.
Trong các quận huyện thì quận 9 có tới 28 vị trí xây dựng hồ điều tiết, kế đến là huyện Bình Chánh với 13 khu vực được quy hoạch xây dựng hồ điều tiết...
Chỗ muốn làm, nơi chưa
Tuy nhiên, ở những khu vực dự kiến được xây dựng các hồ điều tiết thì có nơi được địa phương hoan nghênh nhưng có địa phương lại đề nghị giãn tiến độ.
Cụ thể, đối với dự án xây dựng hồ điều tiết khu vực Bàu Cát, UBND quận Tân Bình cho rằng từ tháng 4/2015 các hạng mục cuối cùng của dự án nâng cấp đô thị (cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm) hoàn thành, khu vực Bàu Cát (thượng lưu của dự án này) không còn cảnh ngập nước nữa, cho nên tại buổi giám sát tiến độ dự án hồ điều tiết của Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP (ngày 14/9), đại diện UBND quận Tân Bình cho rằng nên giãn tiến độ làm hồ điều tiết ở đây để khảo sát, đánh giá lại về tính hiệu quả.
Trong khi đó, Trung tâm chống ngập cho rằng hệ thống kênh Tân Hóa - Lò Gốm chịu được những trận mưa tối đa khoảng 92 mm, mực nước triều khoảng 1 m. Từ đầu năm đến nay, khu vực Bàu Cát mưa to nhất chỉ ở mức 51 mm nên không xảy ra ngập. Nhưng với điều kiện mưa, triều vượt tần suất thiết kế chắc chắn khu vực Bàu Cát sẽ bị ngập và cần đến hồ điều tiết.
![]() |
Một hộ dân ở đường Ấp Chiến Lược (quận Bình Tân, TP HCM) phải bơm nước từ trong nhà ra ngoài sau cơn mưa ngày 9/9. |
“Thực tế trong vài năm gần đây số lần xuất hiện mưa trên 100 mm ngày càng nhiều” - ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng khẳng định.
Đối với dự án hồ điều tiết Gò Dưa, ông Trần Văn Dũng - phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức - cho biết vùng đất các phường Tam Phú, Tam Bình, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước là vùng đất trũng thấp, nhiều nơi bị ảnh hưởng bởi triều cường và mưa...
Vì vậy, giải pháp xây dựng hồ điều tiết cũng là giải pháp giúp giảm ngập, kết hợp cải tạo cảnh quan trên địa bàn quận, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.
Riêng dự án hồ điều tiết Khánh Hội (UBND quận 4 làm chủ đầu tư), sau hơn 10 năm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng dự án vẫn còn là một bãi đất ngổn ngang xà bần, rác thải.
Bà Mai (đổi tên) có nhà thuộc cư xá Bể (phường 3, quận 4) cho biết gia đình bà đã nộp hồ sơ, ký biên bản đồng ý di dời từ năm 2013, đến nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Xung quanh nhà bà Mai, nhiều hộ dân giao nhà, gỡ lấy những vật dụng cần thiết, để lại những bức tường nham nhở. Bà P. và những hộ dân còn lại của khu vực này mong từng ngày được nhận tiền bồi thường để giao mặt bằng cho dự án, tìm nơi khác ổn định cuộc sống.
Toàn bộ dự án trải rộng trên ba phường (phường 2, phường 3, phường 5) của quận 4 và còn hơn 800 hộ dân đang chờ được di dời, nhường đất cho Nhà nước làm công trình công cộng.
Theo ông Đỗ Thành Nhân - phó Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 4, dự án công viên - hồ điều tiết Khánh Hội rộng 17,6 ha, trong đó diện tích hồ điều tiết khoảng 4,8 ha. Với chiều sâu 4 m, khi hoàn thành hồ này có thể chứa được từ 130.000 - 192.000 m3 nước.
Hồ còn có hệ thống thu gom nước từ các khu dân cư xung quanh, có cống thông với kênh Bến Nghé để điều tiết nước. Theo lãnh đạo UBND quận 4, nhiều hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng nhưng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận chưa có tiền chi trả.
Nguồn tin: Quang Khải - D.Ngọc Hà/Tuổi Trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn