Trong khi, thành phố hiện chưa đủ nguồn nước thô và các công trình xử lý nước dự phòng. Do vậy, việc cấp bách xây hồ quy mô lớn sẽ đảm bảo cung cấp nước cho nhà máy Tân Hiệp hoạt động liên tục trong thời gian 1-3 ngày khi xảy ra tình trạng xâm nhập mặn và ô nhiễm trên sông Sài Gòn.
Về giải pháp xây hồ trữ nước thô, lãnh đạo Sawaco cho biết thêm, những nguồn nước được xác định cung cấp cho thành phố gồm: sông Đồng Nai điều tiết bởi hồ Trị An là 2,5 triệu m3/ngày; sông Sài Gòn điều tiết bởi hồ Dầu Tiếng, Phước Hòa 1 triệu m3/ngày; Kênh Đông, điều tiết bởi hồ Dầu Tiếng và Phước Hòa 0,5 triệu m3/ngày.
Thế nhưng, do biến đổi khí hậu, tình trạng nhiễm mặn trên sông Sài Gòn - Đồng Nai tăng cao, nên hoạt động cấp nước cho địa bàn TP HCM cũng gặp không ít khó khăn. Việc triều cường kéo dài đến tháng 2, 3 khiến nước mặn đi sâu vào các cửa sông.
![]() |
Hồ Dầu Tiếng chứa một lượng nước lớn đẩy mặn cho sông Sài Gòn |
Trong khi đó, công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa cũng cho biết đang xả nước đợt thứ 7 xuống sông Sài Gòn để đẩy mặn trong 10 ngày, từ 4 đến 13/4. Trong đó, lần xả cao điểm đến 40 m3/s từ ngày 6 đến 10/4, những ngày còn lại xả 20 m3/s.
Trước đó, ngày 8/4, tại buổi hội thảo “Hồ trữ nước bảo đảm cấp nước an toàn cho TPHCM”, TS Bùi Du Dương, Phó trưởng ban Quan trắc tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng các giải pháp lấy nước thô đều quá bị động, vì nguồn nước này phụ thuộc vào nước ở thượng nguồn của hai sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Nếu nước ở thượng lưu bị ô nhiễm hoặc xảy ra hạn lịch sử thì TPHCM sẽ hoàn toàn không có nước.
Ông Dương cho rằng, phải làm sao để “không có giọt nước ngọt nào lọt ra biển”, nghĩa là phải đa dạng hóa nguồn nước cấp bằng cách khai thác triệt để nguồn nước mưa phát sinh tại chỗ, và các nguồn nước ngầm.
Nếu hạn hán xảy ra thì có thể bổ trợ bằng nước mưa, nước ngầm, nếu nước ngầm có vấn đề thì nước mặt bổ sung ngược trở lại.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Ứng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam, cũng cho rằng lượng nước mưa ở Việt Nam rất lớn, không nên coi thường nguồn nước này. Đồng thời phải tận dụng nguồn nước ngầm, chứ không nên chỉ lấy nước mặt từ các hồ thủy điện.
Ông Dũng đã đặt ra câu hỏi “lấy nước ở đâu mà dự trữ” bởi nếu nước sông cạn, hồ thủy điện không xả nước thì TPHCM cũng không có nước sử dụng.
Theo một chuyên gia trong ngành xử lý nước, giải pháp xả nước từ hồ chứa thượng nguồn đẩy mặn cho sông Sài Gòn để ổn định việc lấy nước thô của các nhà máy nước sạch hạ nguồn chưa hẳn là giai pháp căn cơ và gây nhiều lãng phí.
Hơn nữa, theo ông Trương Khắc Hoành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn, để đẩy mặn cho sông Sài Gòn giúp nhà máy nước Tân Hiệp lấy nước thô an toàn công suất 300.000 m3/ngày thì trên thượng nguồn cách đó 60 – 70 km là hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa phải xả hàng triệu mét khối nước mỗi ngày. Đây là sự lãng phí nguồn nước tự nhiên ở thượng nguồn.
Một trong những giải pháp bền vững được ông Hoành cho là khả thi đối với TPHCM trong tương lai là xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa về cấp trực tiếp cho các nhà máy nước Tân Hiệp (Hóc Môn), Kênh Đông (Củ Chi) để thay thế nguồn nước thô lấy từ sông Sài Gòn.
Mặt khác, các chuyên gia từ Hà Lan cũng đưa ra phương án xây dựng đường ống truyền dẫn nước trực tiếp từ hai hồ Dầu Tiếng và Trị An để thay thế nguồn nước từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, theo Sawaco, việc xây dựng đường ống dẫn nước trực tiếp từ các hồ thủy điện được xem là giải pháp cuối cùng, vì vốn đầu tư cho giải pháp này là rất lớn (hơn 10.000 tỉ đồng). Do đó, chỉ khi nào nước từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai không thể sử dụng được nữa thì mới dùng đến giải pháp này.
Nguồn tin: baodatviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn