Tại các tỉnh Tây Nguyên, thủ phủ cà phê, mặt hàng chủ lực góp phần vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn. Toàn vùng hiện có khoảng 20% với hơn 100 ngàn hécta cà phê trên 20 năm tuổi cần thay thế và khoảng 10% với 40 ngàn hécta cà phê dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi, cho năng suất và chất lượng thấp. Do vậy, việc bắt tay xây dựng mô hình tái canh cà phê với quy mô lớn trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ tưới hiện đại mà Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang ký kết thực hiện thí điểm đang được nhiều nhà vườn trồng cà phê phấn khởi và hợp tác thực hiện.
Cuối năm 2013, mô hình tái canh hơn 5 hécta được thực hiện tại Công ty Cà phê Tháng 10, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk. Với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, mục tiêu rút ngắn thời gian luân canh và chăm sóc đầu tư thời kỳ kiến thiết cơ bản trong tái canh cà phê từ 5 năm xuống còn 3 năm bước đầu đã mang lại hiệu quả cao.
“Mô hình này có những cái mới là được tưới nhỏ giọt, giảm nhân công lao động, cây cà phê phát triển mạnh mẽ. Khi xuống cây cà phê rất vàng khiến chúng tôi lo lắng nhưng từ khi xuống 2 tháng đến giờ thấy cây lên tốt, chúng tôi rất yên tâm canh tác”, nhà nông Hồ Sĩ Cương, tham gia mô hình với khoảng 1 hécta đánh giá về tính hiệu quả và bền vững của mô hình này.
Bên cạnh đó, mô hình này cũng tăng cường sử dụng các biện pháp hữu cơ, sinh học giúp cải thiện đất và môi trường. Với hệ thống tưới nước hiện đại, mô hình tái canh cà phê vốn đã góp phần giúp tiết kiệm nước tưới từ 15 đến 20%. Bà Nguyễn Thị Nga, nhà nông tham gia mô hình với gần một hécta cà phê tái canh, nhìn nhận: “Với cách làm cũ trước đây, cà phê không được hiệu quả lắm, năng suất chưa cao nên tham gia mô hình tái canh cà phê. Trồng mới giống cao sản hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian. Bây giờ tưới nhỏ giọt tiết kiệm chi phí, trước đây tưới rất phí nước, giờ tiết kiệm tốt, giảm chi phí đầu tư. Cây cà phê trồng 8 tháng bằng lúc trước trồng 3 năm”.
Theo đánh giá bước đầu của các nhà khoa học cũng như bà con nông dân, vườn cà phê tái canh hiện đang phát triển khoẻ mạnh, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao vào năm 2016 với hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15 đến 20% so với sản xuất đại trà.
“Cây cà phê tái canh so với cây cà phê cũ, trồng chưa được 1 năm nhưng sự phát triển rất đạt, có ưu điểm hơn. Vì giống mới nên đều và đồng loạt. 1000 cây là có 998 cây có thể tốt, đều hết. Tôi cố gắng chứng minh cho bà con nhìn thấy vườn cà phê năng suất tốt để họ làm theo”, nhà nông Nguyễn Văn Long tham gia mô hình này với 1,1 hécta phấn khởi.
Như vậy, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác và tưới nước tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả sản xuất của các vườn tái canh, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới.
Về môi trường, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... góp phần cải thiện môi trường sinh thái của các vùng chuyên canh cà phê ở Tây Nguyên. Những mô hình hiện đại như thế này sẽ là phương tiện hữu ích để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.
Vấn đề nan giải phải giải quyết
Tuy nhiên, vấn đề nan giải là khi tái canh cà phê cũng cần đến sự phát triển cây cà phê sao cho chất lượng hơn. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cảnh báo: “Khi trồng lại thì nông dân phải đối diện với phá hại của tuyến trùng nó nằm sẵn trong đất. Vườn cà phê kinh doanh có tuyến trùng không ảnh hưởng nhưng khi nhổ cà phê lên trồng lại cà phê con, bộ rễ yếu thì tuyến trùng tập trung phá hại bộ rễ và 1 vài năm sau cây cà phê con chết. Đó là một trong những vấn đề nan giải mà chúng ta cần tập trung giải quyết”.
Rõ ràng, việc tái canh cây cà phê là không đơn giản, nếu không có biện pháp tái canh bền vững, chúng ta sẽ không đảm bảo giữ vững sản lượng cà phê xuất khẩu trong những năm tới. Chính vì vậy, từ Trung ương đến địa phương, các viện trường,…đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm giải quyết bài toán trồng tái canh cây cà phê với mục tiêu vừa bảo đảm được hiệu quả tái canh, vừa tránh giảm sút đột biến về sản lượng cà phê.
Hiện nay, Cục Trồng trọt đã ban hành quy trình về tái canh cây cà phê. Tuy nhiên, để quy trình này đi vào thực tế, rất cần tổ chức các diễn đàn khoa học nhằm bàn các giải pháp, cần có nhiều mô hình về tái canh cây cà phê hơn nữa người nông dân tiếp cận và áp dụng vào thực tế sản xuất có hiệu quả.
Tác giả bài viết: Minh Tâm
Nguồn tin: Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (voh.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn