Công tác đào tạo phải đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về tài nguyên nước đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhằm khai thác hiệu quả bền vững tài nguyên nước.
Các yêu cầu đặt ra đối với công tác Quản lý tài nguyên nước
Tổng lượng nước sông ngòi trung bình năm của Việt Nam là khoảng 830 tỉ m3 được tập trung chủ yếu trên 13 lưu vực sông lớn bao gồm Hồng, Thái Bình, Đà, Lô, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Mê Kông, Sê San, Srepok. Tuy nhiên, khoảng 60% nguồn nước sông ngòi của Việt Nam (tương ứng với 520 tỷ m3) được sản sinh ở nước ngoài, chỉ có gần 310 tỉ m3 mỗi năm được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó lượng dòng ngầm khoảng 63 tỷ m3. Bên cạnh đó, tài nguyên nước ở Việt Nam phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian, dẫn đến tình trạng thiếu nước cục bộ, có nơi, có lúc thiếu nước trầm trọng, thậm chí xảy ra trên các lưu vực sông lớn.
Hiện tại, lượng nước đang được sử dụng hàng năm cho tất cả các mục đích khoảng 80,6 tỉ m3. Đến năm 2020, tổng lượng nước sử dụng sẽ tăng lên khoảng 120 tỉ m3. Trong đó, nước cho tưới sẽ tăng 30%, công nghiệp tăng gần 190%, đô thị 150% và nước cho nuôi trồng thủy sản 90%. Dân số gia tăng đi cùng với sự gia tăng sử dụng nước sẽ làm thay đổi lượng nước hiện tại và làm thay đổi mức “căng thẳng” ở các lưu vực sông.
Nước không chỉ mang lại mặt lợi của con người mà cũng gây ra nhiều tác hại như lũ lụt, ngập úng. Nước ta nằm trong vùng chịu tác động mạnh của bão lụt và ngập úng. Tài liệu quan trắc cho thấy tình trạng lũ lụt ngập úng ngày càng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như viêc khai thác không hợp lý tài nguyên rừng, đất, nước ở thượng nguồn các con sông.
Những điều này đòi hỏi tài nguyên nước phải được quản lý hiệu quả và khai thác bền vững. Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên nước còn có những hạn chế nhất định chưa đáp ứng được yêu cầu trên. Dưới đây là các hạn chế chủ yếu trong quản lý tài nguyên nước:
Một là, các văn bản phục vụ quản lý tài nguyên nước còn thiếu, nhất là các hướng dẫn kỹ thuật liên quan tới đánh giá, giám sát tài nguyên nước, tới quy hoạch và bảo vệ tài nguyên nước.
Hai là, hạn chế trong việc điều tra đánh giá tài nguyên nước
Tài nguyên nước biến động theo không gian, thời gian, chịu tác động mạnh của khí hậu và các hoạt động của con người, song mạng lưới đo đạc quan trắc về tài nguyên nước cũng như các yếu tố liên quan còn hạn chế, đặc biệt năng lực đánh giá tài nguyên, dự báo tài nguyên cò hạn chế, việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại như viễn thám, thủy văn đồng vị, các phương pháp vật lý, hóa học, mô hình toán trong đánh giá và dự báo tài nguyên nước và áp dụng hệ thống quan trắc tự động và truyền dẫn số liệu thông tin còn chưa được phổ biến. Các tính toán về tài nguyên có mức độ tin cậy chưa cao.
Tài liệu về tài nguyên nước còn phân tán, cho tới nay chưa xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông, các tầng chứa nước. Bên cạnh đó, cũng chưa đánh giá được một cách đầy đủ tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi toàn quốc và các lưu vực. Nước dưới đất có vai trò hết sức quan trọng, song hiện nay vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và phần lớn vùng đồng bằng Nam Bộ chưa đánh giá được nguồn hình thành trữ lượng và trữ lượng có thể khai thác của nước dưới đất.
Trong đánh giá tài nguyên nước mặt, tài liệu về lưu lượng ở các vùng đồng bằng các lưu vực sông còn rất hạn chế, đặc biệt là tài liệu mực nước và lưu lượng vùng nội đồng.
Mức độ chính xác của tính toán đánh giá dự báo biến đổi của tài nguyên còn hạn chế, đặc biệt là dự báo dài ngày.
Ba là, về công tác quy hoạch
Cho tới nay phần lớn các quy hoạch về tài nguyên nước là các quy hoạch khai thác tài nguyên nước như các quy hoạch thủy lợi; thủy điện; quy hoạch cấp nước đô thị, nông thôn; quy hoạch giao thông thủy. Quy hoạch tổng hợp về phân bố, bảo vệ tài nguyên nước phòng chống tác hại do nước gây ra (dưới đây gọi là quy hoạch tài nguyên nước ) còn rất hạn chế, chất lượng chưa cao. Tới nay, chưa có các hướng dẫn và các tiêu chuẩn quy hoạch tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng chưa quản lý được đầy đủ việc khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, cũng như các hoạt động gây ảnh hưởng tới số lượng chất lượng nước, chưa xây dựng được các các mô hình thủy động lực, mô hình chất lượng nước cho các lưu vực sông và các tầng chứa nước phục vụ quản lý tài nguyên nước, điều đó dẫn tới hạn chế trong việc ra các quyết định quản lý tài nguyên nước.
Các hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân song một trong những nguyên nhân khá quan trọng là năng lực quản lý còn hạn chế bao gồm đội ngũ cán bộ, trang thiết bị cũng như nguồn tài chính phục vụ quan lý tài nguyên nước chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước. Từ các phân tích trên cho thấy công tác đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ về tài nguyên nước là hết sức quan trọng.
Nội dung của công tác đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên nước
Công tác đào tạo phải đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về tài nguyên nước đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhằm khai thác hiệu quả bền vững tài nguyên nước.
Do vậy, công tác đào tạo hiện nay và trong tương lai cần tập trung chủ yếu vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, công tác đào tạo cần cung cấp cho người học các kiến thức về tổng quan về tài nguyên nước Việt Nam và những kiến thức cơ bản về tài nguyên nước với các nội dung chủ yếu như sau: Các khái niệm cơ bản về vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên và về tài nguyên nước; Quan hệ giữa tài nguyên nước với các yếu tố địa lý tự nhiên, và các tài nguyên thiên nhiên khác; Các dạng sử dụng nước, các phương pháp khai thác tài nguyên nước, khai thác gắn kết nước mưa, nước mặt và nước dưới đất, khai thác sử dụng tổng hợp tài nguyên nước kết hợp với điều hòa, bảo vệ tài nguyên nước phòng chống tác hạ do nước gây ra; Các tác động của con người tới tài nguyên nước. Các tác động của khai thác tài nguyên nước tới chính tài nguyên nước, môi trường và tài nguyên thiên nhiên khác, khai thác bền vững tài nguyên nước; Phương pháp bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra;...
Thứ hai, điều tra cơ bản và đánh giá tài nguyên nước bao gồm nước mưa, nước mặt và nước dưới đất. Do các cán bộ làm công tác về tài nguyên nước đã có những hiểu biết cơ bản về chuyên ngành đã được đào tạo vì vậy nội dung đào của chuyên đề này tập trung vào các vấn đề sau:
Đối với nước mặt:
- Áp dụng các phương pháp hiện đại như viễn thám, các phương pháp vật lý, hóa học, thủy văn đồng vị trong điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt.
- Thủy văn và thủy động lực sông ngòi, cân bằng nước. các mô hình toán trong đánh giá số lượng, chất lượng nước mặt, xâm nhập mặn, cân bằng nước và dự báo số lượng chất lượng nước.
- Phương pháp thành lập các bản đồ về tài nguyên nước mặt, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước mặt.
- Tính toán thủy văn, cân bằng nước các hồ chứa, điều tiết hồ chứa và các công trình điều tiết vùng cửa sông ven biển.
- Phương pháp thiết lập dòng chảy tối thiểu trên sông.
- Phương pháp phân loại nguồn nước, xác định và phân vùng chức năng của các đoạn sông, hồ.
- Thiết lập và tổ chức vận hành các trạm quan trắc, giám sát chất lượng nước trên sông, hồ.
Đối với nước dưới đất :
- Nguồn gốc và điều kiện hình thành nước dưới đất.
- Vai trò của các yếu tố địa chất trong việc tàng trữ và vận động của nước dưới đất, phương pháp phân chia xác lập các đơn vị chứa nước, thấm nước yếu thành lập các mặt cắt và bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ tài nguyên nước dưới đất.
- Thủy động lực nước dưới đất, phương pháp tính toán cân bằng, phương pháp tính toán lượng bổ cập và thoát của nước dưới đất, tính toán mực nước hạ thấp dự báo, xâm nhập mặn do các công trình khai thác nước gây ra.
- Phương pháp phân tích động thái và dự báo động thái nước dưới đất.
- Khái niệm về phát triển bền vững nước dưới đất, phương pháp tính toán trữ lượng có thể khai thác và ngưỡng khai thác nước dưới đất.
- Các quá trình thủy địa hóa và ô nhiễm, xâm nhập mặn nước dưới đất, phương pháp đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của nước dưới đất, đánh giá ô nhiễm và xâm nhập mặn, thiết lập các đới bảo vệ và bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
- Đánh giá các tác động của hoạt động kinh tế tới nước dưới đất và tác động của khai thác nước dưới đất tới tài nguyên nước và môi trường.
- Ứng dụng các kỹ thuật hiện đại như viễn thám, địa vật lý thủy địa hóa, thủy văn đồng vị, các mô hình toán trong điều tra đánh giá nước dưới đất.
Thứ ba, về quy hoạch tài nguyên nước. Trong quy hoạch tài nguyên nước tập trung đào tạo về các vấn đề sau:
- Quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và các tầng chứa nước, khai thác sử dụng tổng hợp tài nguyên nước, kết hợp khai thác sử dụng với phòng chống tác hại do nước gây ra. Mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng nước, tác dộng của khai thác nước tới số lượng nước và chất lượng nước.
- Tính toán yêu cầu nước cho các mực đích khác nhau.
- Các dang công trình khai thác sử dụng tài nguyên nước, điều tiết nguồn nước. Tác động của việc khai thác sử dụng tài nguyên nước khác nhau tới tài nguyên nước, môi trường, tác động giữa các loại sử dụng nước với nhau, mâu thuẫn, cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành.
- Tác động của biến đổi các yếu tố tự nhiên (trong đó có biến đổi khí hậu và nước biển dâng ), các hoạt động kinh tế xã hội trong đó có hoạt dộng khai thác tài nguyên thiên nhiên tới tài nguyên nước và tác động của các hoạt động này ở thượng lưu, ảnh hướng tới hạ lưu, đặc biệt là của khai thác sử dụng nước ở thượng lưu tới hạ lưu. Tác động của phát triển và khai thác tài nguyên nước tới các ngành kinh tế khác.
- Tính toán thủy văn thủy lực, hệ thống sông ngòi trong điều kiện tự nhiên và trong điều kiện có các công trình khai thác, điều hòa nguồn nước.
- Tính toán thủy văn, thủy lực, cân bằng nước các hồ chứa.
- Tính toán cân bằng nước các vùng, đoạn sông và toàn lưu vực trong điều kiện tự nhiên và khai thác trong đó xem xét cả nước dưới đất.
- Điều hòa và phân bổ tài nguyên nước.
- Phương pháp đánh giá và dự báo ô nhiễm nguồn nước.
- Các giải pháp công trình và phi công trình để giải quyết các vấn đề thiếu nước và phòng chống ô nhiễm, xâm nhập mặn, các tác hại do nước gây ra , đặc biệt các giải pháp công trình điều tiết mực nước và phòng chống xâm nhập mặn vùng hạ lưu.
- Đánh giá tác động của các giải pháp được đề xuất trong quy hoạch tới tài nguyên nước, môi tường và phát triển kinh tế xã hội.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế của các quy hoạch tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, cần tăngcường đào tạo các kiến thức về phương pháp quản lý tài nguyên nước các lưu vực sông và tầng chứa nước, mô hình toán trong quản lý tài nguyên nước lưu vực sông và các tầng chứa nước cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về tài nguyên nước nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Phương thức đào tạo
Từ những phân tích trên đây cho thấy, để đáp ứng các yêu cầu về nội dung đào tạo, nâng cao năng lực và trình độ cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực tài nguyên nước thì phương pháp đào tạo đóng vai trò rất quan trọng, hiện nay, phương pháp đào tạo cần tiến hành một cách đa dạng với các hình thức được đề xuất tập trung như sau:
- Biên soạn giáo trình và tài liệu tham khảo.
- Tổ chức các lớp đào tạo.
- Tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi tọa đàm.
- Tăng cường đi thực địa để nắm bắt điều kiện tự nhiên cũng như tình hình thực tế của các hoạt động về tài nguyên nước.
- Cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn ở nước ngoài.
- Sử dụng kinh nghiệm, tư vấn của các chuyên gia trong các dự án về tài nguyên nước.
- Tổng kết các hoạt động về tài nguyên nước để rút ra các bài học trong điều tra cơ bản, đánh giá tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước.