Trước các tác động hiện hữu của BĐKH, để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại từ tác động của BĐKH đồng thời tận dụng các cơ hội từ BĐKH để phát triển kinh tế-xã hội, việc nâng cao năng lực thích ứng được xác định là một trong những trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Nội dung của Chiến lược Quốc gia về BĐKH cũng đã nhấn mạnh: “Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế các-bon thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia”. Nâng cao năng lực thích ứng sẽ góp phần giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của BĐKH.
Vậy nâng cao năng lực thích ứng được hiểu là như thế nào? Và làm gì để nâng cao năng lực thích ứng? Theo chúng tôi, hiện việc triển khai các Chương trình quan trọng của Quốc gia như Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH (NTP-RCC), Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC),… cũng như các chương trình, đề án của các Bộ, ngành, địa phương về ứng phó với BĐKH đã đạt được một số kết quả quan trọng, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc quản lý rủi ro thiên tai được tăng cường thông qua việc xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai; công tác thích ứng với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh thông qua đầu tư nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông, xây dựng kế hoạch quản lý tài nguyên nước ở đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng; nguồn tri thức bản địa, giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái, thích ứng dựa vào cộng đồng… được nghiên cứu, tăng cường, triển khai ở nhiều nơi, góp phần tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế cho người dân…
Vấn đề BĐKH, mối liên hệ giữa BĐKH với phát triển kinh tế xã hội cũng đã được nghiên cứu sâu rộng; kịch bản BĐKH, nước biển dâng được liên tục cập nhật với mức độ chính xác ngày càng cao; báo cáo đặc biệt về quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thích ứng với BĐKH (SREX) với các khuyến nghị quan trọng về mặt chính sách được công bố, tạo cơ sở định hướng để xây dựng và triển khai các kế hoạch ứng phó hiệu quả, quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH. Hiện đã có nhiều mô hình thích ứng với BĐKH được nghiên cứu, triển khai thí điểm tại một số địa phương như mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; mô hình xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp các giải pháp sinh kế cho người dân…
Tuy nhiên, có thể thấy rằng năng lực thích ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế; nguồn lực cho nâng cao thích ứng với biến đổi khí hậu còn chưa đáp ứng được nhu cầu; các giải pháp thích ứng vẫn chủ yếu tập trung vào ứng phó với các tác động đã xảy ra, nhiều giải pháp thích ứng chưa thật phù hợp, thường chú trọng giải pháp công trình, đòi hỏi chi phí cao, chưa thực sự đạt hiệu quả chi phí lợi ích xét về mặt kinh tế – môi trường…
Trong thời gian tới, nâng cao năng lực thích ứng vẫn là trọng tâm trong chính sách ứng phó với BĐKH tại Việt Nam. Để việc nâng cao năng lực thích ứng, cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá cụ thể, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp. Trong giai đoạn từ nay đến 2020, việc nâng cao năng lực thích ứng tập trung hướng tới các hoạt động thích ứng đảm bảo tính đa mục tiêu, lợi ích kép trong việc nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng, vừa đảm bảo sinh kế của người dân, tăng cường khả năng giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần cùng cộng đồng thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tác giả bài viết: Theo Nghĩa Đàn/ Báo Đại Đoàn Kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn