Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Khoa học - Công nghệ

Thực trạng, nhu cầu và giải pháp tăng cường công tác đào tạo các ngành, chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước

Thứ hai - 16/11/2015 11:47
ảnh internet

ảnh internet

Nước - nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho cuộc sống của con người, cho sự phát triển bền vững của mọi quốc gia. Việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.

Theo đánh giá hiện nay, lượng nước tiêu thụ toàn cầu tăng 7 lần, chủ yếu do sự gia tăng dân số và nhu cầu sử dụng nước cho các ngành kinh tế cũng tăng theo. Vì vậy, trên thực tế việc đảm bảo cấp nước đáp ứng về chất lượng cho toàn bộ dân số toàn cầu và bảo tồn các hệ sinh thái đang là vấn đề cấp bách. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự gia tăng về về nhiệt độ và suy giảm lượng mưa trong mùa khô, gia tăng lượng mưa trong mùa mưa dẫn đến nhiều nơi trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng đã thường xuyên không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu về mùa khô, nhưng lại xảy ra những trận lũ bất thường trong mùa mưa. Vì thế, trong thế kỷ 21, các vấn đề về nước có thể sẽ đe doạ quá trình phát triển bền vững. Hội nghị về nước của Liên hợp quốc vào năm 1997 đã thống nhất “Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị kinh tế, xã hội đều có quyền tiếp cận nước uống với số lượng và chất lượng đảm bảo cho các nhu cầu cơ bản của mình”, theo đó, tiếp cận với nước uống là quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, cho đến nay, số người thiếu nước uống sạch an toàn vẫn đang không ngừng gia tăng. Vì vậy, mối lo về nước không phải của riêng một quốc gia nào.
 
Đứng trước thực trạng về tài nguyên nước nêu trên, nhu cầu và giải pháp tăng cường công tác đào tạo các ngành, chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước đã và đang được nhà nước, các bộ ngành quan tâm đặc biệt, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: ”Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”.
 
Báo cáo tham luận này sẽ đi sâu phân tích, đánh giá về Thực trạng, nhu cầu và giải pháp tăng cường công tác đào tạo các ngành, chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước ở trường Đại học Thủy lợi. 
 
Thực trạng công tác đào tạo nhân lực các ngành, chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước
 
Do nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước nói chung và ngành Thủy lợi nói riêng, tháng 1 năm 1959, Bộ Thủy Lợi trình thường vụ Hội đồng chính phủ qui hoạch xây dựng Học viện thủy lợi. Tháng 6/1959, Bộ chính trị và Ban bí thư Trung ương Đảng phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, qui mô Học viện Thủy Lợi. Năm 1959 Chính phủ ra quyết định thành lập Học viện Thủy Lợi với ba nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học thủy lợi; đào tạo đại học; đào tạo trung cấp kỹ thuật, bắt đầu một thời kỳ mới của Nhà trường. Trải qua hơn 55 năm đào tạo và phát triển, đến nay trường đã đào tạo được hàng vạn kỹ sư, hàng nghìn thạc sỹ và tiến sỹ, các lớp chuyên tu và tại chức…Các ngành nghề đào tạo hiện nay của trường liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước bao gồm:
 
- Thủy văn học (đại học: mã ngành 52440224; cao học: 60440224; tiến sĩ: 62440224)
 
- Kỹ thuật công trình biển (đại học: mã ngành 52580203; cao học: 60580203; tiến sĩ: 62580203)
 
- Kỹ thuật tài nguyên nước (đại học: mã ngành 52580212; cao học: 60580212; tiến sĩ: 62580212)
 
Năm học 2014-2015 trường tuyển sinh 3641 chỉ tiêu đại học, 435 Thạc sĩ, 21 Tiến sĩ, 70 hệ cao đẳng, trong đó ngành thủy văn 90/140 chỉ tiêu, ngành kỹ thuật công trình biển 129/140 chỉ tiêu và ngành kỹ thuật tài nguyên nước tuyển 346/360.
 
Hiện nay trường đã rà soát và ban hành mới 18 chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ đại học hệ chính quy, 04 CTĐT trình độ đại học hệ vừa làm vừa học, 01 CTĐT trình độ cao đẳng (Quyết định số 1739/QĐ-ĐHTL ngày 25/09/2013). Năm 2014 đã rà soát và ban hành mới 11 CTĐT trình độ thạc sĩ (Quyết định số1861/QĐ-ĐHTL ngày 21/11/2014). Năm 2015 đã ban hành CTĐT khung cho trình độ tiến sĩ (Quyết định số 959/QĐ-ĐHTL ngày 4/6/2015). Việc rà soát được thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD và ĐT. Đặc biệt đáng chú ý có 03 chương trình đào tạo thạc sỹ bằng Tiếng Anh trong khuôn khổ dự án NICHE do chính phủ Hà Lan tài trợ là: Quản lý tổng hợp tài nguyên nước, Quản lý và giảm nhẹ thiên tai, Kỹ thuật công trình biển và quản lý tổng hợp vùng bờ;
 
Cho đến nay, về cơ sở vật chất nhà trường hiện có: 9,78 ha khuôn viên; 6700 m2 phòng học; 27 cơ sở thí nghiệm thực hành với 5713 m2; 8900 m2 ký túc xá; 1089 m2 thư viện; 8222 m2 giáo dục thể chất.. Các hạng mục công trình luôn được nâng cấp và xây mới theo quy hoạch tổng thể của Trường.
 
Phòng học và Phòng thí nghiệm: trên 50 phòng học, 2 hội trường lớn sức chứa 1000 người, âm thanh ánh sáng hiện đại. Nhà trường đã đầu tư xây dựng được 9 giảng đường chuyên dùng, lắp tổng cộng trên 100 chiếc bảng di động và  màn chiếu tại giảng đường, các khoa được trang bị máy projecter phục vụ kịp thời cho công tác cải tiến giảng dạy đạt hiệu quả cao.. Khu thí nghiệm thuỷ lực hiện đại, 10 phòng thí nghiệm độc lập, 6 cơ sở thí nghiệm khác. 
 
Những thiết bị mới được trang bị trong những năm gần đây đều đạt hiệu suất sử dụng cao, phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất, đặc biệt phòng thí nghiệm địa kỹ thuật đã được cấp giấy chứng nhận LAS tạo điều kiện thuận lợi trong việc hoạt động khoa học công nghệ của Nhà trường.
 
  Thư viện: Được đưa vào sử dụng từ giữa năm 2006, Thư viện Trường Đại học Thuỷ lợi rộng 2294m2 được đầu tư  lớn về trang thiết bị, máy móc đang nhanh chóng phát triển theo hướng tin học hoá, hiện đại hoá. Là một bộ phận hữu cơ trong cơ cấu tổ chức đào tạo của Nhà trường, phục vụ quá trình đào tạo sinh viên Đại học, Cao học và Nghiên cứu sinh; góp phần phục vụ đào tạo lại; nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, hiện Thư viện có khoảng 40.000 đầu sách các loại, trên 50 đầu báo, tạp chí.
 
Kí túc xá: có 4 dãy nhà 3 tầng gồm 270 phòng ở có đủ điều kiện sử dụng tốt. Trong phòng có  giường tầng, công trình phụ khép kín. Nguồn điện nước và các dịch vụ hỗ trợ đầy đủ, hợp lý, thuận tiện cho học viên từ các tỉnh xa về học tập tại Trường. Đời sống tinh thần của học viên, sinh viên phong phú với các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ. Môi trường xã hội lành mạnh ổn định, trật tự an toàn kỷ cương được đảm bảo tốt giúp học viên yên tâm học tập và công tác.
 
Khu Giáo dục thể chất: là một quần thể hiện đại đa chức năng với sân bóng, bể bơi, sân tennis, Nhà thi đấu... thường xuyên mở cửa cho gần 200.000 lượt sinh viên, cán bộ học tập và rèn luyện sức khoẻ mỗi năm. Hiện nay Nhà thi đấu đa năng đang được gấp rút hoàn thành.
 
Trung tâm tin học Thực hiện công tác tin học hoá toàn Trường, với 4 phòng máy, mỗi phòng gần 100 máy tính có thể truy cập Internet, Trung tâm tin học đáp ứng tốt nhu cầu học tập của sinh viên và là nơi triển khai các chương trình thuộc các Dự án liên kết đào tạo giữa Trường Đại học Thuỷ lợi với các tổ chức trong và ngoài nước.
 
Cơ sở hạ tầng mạng Trường Đại học Thuỷ lợi đã xây dựng được một hệ thống mạng nội bộ mạnh gồm có đường truyền Internet trực tiếp (leaseline) 640KB phục vụ hệ thống Portal, Email và hệ thống bài giảng trực tuyến và đường truyền Internet gián tiếp, ADSL phục vụ nhu cầu khai thác Internet của toàn thể cán bộ, giáo viên và sinh viên nhà trường.
 
Trạm y tế có 4 phòng, 2 giường, 1 bàn khám bệnh và đầy đủ trang thiết bị cho một trạm y tế. Đây là nơi quản lý hồ sơ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, định kỳ và theo dõi sức khoẻ lâu dài cho hàng ngàn lượt sinh viên và cán bộ công nhân viên trường mỗi năm. Ngoài ra hàng năm trạm y tế còn phối hợp và kết hợp với trạm y tế dự phòng thành phố Hà nội, quận Đống Đa và phường Trung Liệt phát động nhiều phong trào phòng tránh dịch bệnh, giữ vệ sinh chung và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường.

Hạ tầng cơ sở đóng góp một vai trò hết sức quan trọng vào bề dày hơn 55 năm phát triển của Trường Đại học Thuỷ lợi. Cơ sở vật chất ngày một đầy đủ, khang trang, sạch đẹp hơn, từng thế hệ sinh viên trưởng thành từ mái trường này tự hào về Trường Đại học Thuỷ lợi, ngôi trường không ngừng đổi mới để hội nhập.
 
Trong quá trình thực hiện đổi mới, công tác nghiên cứu khoa học và dịch vụ được phát triển theo hướng đa dạng hoá cả về quy mô, hình thức và địa bàn hoạt động như: cấp Trường, cấp Khoa, cấp Quốc gia, dịch vụ kỹ thuật, tư vấn thẩm định chất lượng công trình, việc nghiên cứu khoa học… nhằm phát huy được thế mạnh của Nhà trường trong thực tiễn sản xuất. Trường đã nâng cấp Trung tâm ĐH1 thành Cơ sở 2 của trường tại TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh hệ chính quy và đào tạo sau Đại học thể hiện sự lớn mạnh của Nhà trường và sự quan tâm của xã hội đối với trường.
 
Đến nay đội ngũ giảng viên có 395 người (không kể giảng viên hợp đồng và kiêm nhiệm). Trong đó có 60 Giáo sư và Phó Giáo sư, 83 Tiến sĩ, 162 Thạc sĩ, 3 nhà giáo nhân dân,  nhà giáo ưu tú. Cán bộ quản lý cấp Phòng, Khoa trở lên phần lớn đã qua kinh nghiệm giảng dạy, hơn 62% có trình độ Sau Đại học, có năng lực chuyên môn và tinh thông nghiệp vụ. Nhằm nâng cao trình độ giảng dạy phù hợp với sự phát triển giáo dục trên thế giới toàn bộ giảng viên trong trường bắt buộc phải học Thạc sĩ, Tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên được trang bị  máy tính xách tay và giảng dạy bằng máy chiếu. 
 
Hiện trạng các phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo: Phòng xử lý dữ liệu Viễn thám và Hệ thống thông tin địa lý (GIS), các thiết bị đo sâu hồi âm và thiết bị định vị GPS. Các trang thiết bị hỗ trợ cho giảng dạy, hội thảo, đi thực địa (các projector, máy quay video, máy chiếu slide, máy chiếu overhead, v.v...). Các bộ phần mềm chuyên ngành Delft3D, MIKE 11, FLOW2D, UNIBEST, BREAKWAT…
 
Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực các ngành, chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài nguyên nước
 
Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển của nước ta, đặc biệt nguồn nhân lực liên quan đến tài nguyên nước. Nhiều nước trên thế giới đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, coi đó là chính sách quốc gia quan trọng hàng đầu để đạt được những mục tiêu về phát triển kinh tế- xã hội và đạt được thắng lợi trong cuộc cạnh tranh gay gắt của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Để dự báo đúng đắn và làm cơ sở cho công tác hoạch định chính sách đào tạo, cần có một tổ chức có trách nhiệm điều phối và phối hợp công tác dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực các ngành, chuyên nghành thuộc lĩnh vực tài nguyên nước nhằm tránh việc đào tạo gây lãng phí cho xã hội. Các phương pháp dự báo nguồn nhân lực phổ biến là phương pháp chuyên gia; ngoại suy xu thế, và mô hình hóa.Báo cáo sử dụng phương pháp lấy ý kiến đánh giá của các chuyên gia để làm kết quả dự báo. Các nhân lực sử dụng hiện nay trong xã hội tập trung ở các cơ quan, đơn vị như sau:
 
- Các Bộ như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, EVN, Bộ Công thương…
 
- Các sở Tài nguyên Môi trường, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cục Quản lý nước, chi cục Quản lý nước, chi cục đê điều và phòng chống lụt bão, Các công ty TNHHMTV Khai thác công trình thủy lợi…
 
- Các viện có liên quan…
 
- Các cơ quan đơn vị tư vấn liên quan đến tài nguyên nước, môi trường, trong đó có sử dụng cán bộ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước
 
- Các đơn vị khai thác nguồn nước như các hồ chứa thủy điện, thủy lợi,…
 
Với tổng số các nguồn nhân lực hiện có của lĩnh vực tài nguyên nước hiện có hiện nay vào khoảng trên 2000 người, như vậy với sự gia tăng dân số, nhu cầu thành lập các chi cục quản lý tài nguyên nước ở các địa phương, hiện đại hóa nâng cao chất lượng cung cấp nước của các công trình khai thác sử dụng nước, nâng cao trách nhiệm của người dân và các cơ sở khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước… thì nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trung bình đến giai đoạn 2020 -2030 cần thêm khoảng 1000 người/năm. Các trường hiện nay đang đào tạo liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước bao gồm: trường Đại học Thủy lợi, trường Đại học tài nguyên Môi trường Hà Nội và trường Đại học tài nguyên môi trường thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Khoa học tự nhiên. Vậy các trường này cần có sự liên kết mạng lưới để tăng cường sự hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để tăng cường chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội.   
 
Giải pháp đề xuất
 
a) Nhóm giải pháp tăng cường hiệu quả công tác đào tạo: 
 
- Chương trình, giáo trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cần có sự đổi mới, cập nhật sự phát triển khoa học công nghệ và thay đổi về tư duy quản lý. Nội dung chương trình, giáo trình còn nặng về chuyên môn và mang tính hàn lâm, chưa đáp yêu cầu công tác quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ. 
 
- Nâng cao cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đào tạo bao gồm hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, các phòng học, phòng thí nghiệm...
 
- Đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp cho sinh viên
 
- Nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy trong đó chú trọng đến  Bốn yếu tố phải được quan tâm nhằm phát triển đội ngũ giảng viên đại học tốt hơn:  1) Xây dựng nền tảng kiến thức của giảng viên; 2) Nâng cao các kỹ năng giảng dạy của giảng viên; 3) Tăng cường kiến thức của giảng viên về nghiên cứu; 4) Chuyển đổi mô hình giáo dục từ giảng dạy lý thuyết sang thực hành. 
 
- Có những chính sách hợp lý đối với người làm công tác giảng dạy
 
- Chú trọng phát triển đội ngũ khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước.
 
- Chú trọng đến nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH) trong ĐH. nguồn lực đào tạo sau ĐH, và NCKH.
 
- Hoàn thiện chương trình đào tạo Cao học theo tiêu chuẩn quốc tế.
 
- Các phòng thí nghiệm được trang bị và chuẩn hoá.
 
- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng theo nhu cầu của xã hội.
 
- Tăng cường hội thảo xây dựng chương trình đào tạo với sự tham gia của người sử dụng lao độngbao gồm các nhà quản lý, doanh nghiệp… 
 
b) Nhóm giải pháp xây dựng cơ chế quản lý, phối hợp:
 
- Nâng cao được trình độ, kỹ năng, kiến thức đối với cán bộ quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước.
 
- Hợp tác với các cường quốc về khoa học tài nguyên nước trên thế giới, tiếp thu và học hỏi những kỹ thuật và công nghệ trên thế giới. Xây dựng những đề án hợp tác quốc tế về lĩnh vực tài nguyên nước. Thực hiện hợp tác song phương về nghiên cứu khoa học với các nước tiên tiến trên thế giới.
 
- Phát triển bảo đảm chất lượng, uy tín của các trường đại học, cao đẳng, trung học và những cơ sở đào tạo liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước.
 
- Các cơ sở đào tạo phải liên hệ chặt chẽ với những đơn vị sử dụng nguồn nhân lực do khoa đào tạo để thẩm định kết quả đào tạo, để có cơ sở cải tiến nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu xã hội và cũng để nâng cao chất lượng đào tạo của mình.
 
- Ðể quá trình đào tạo đạt hiệu quả và có chất lượng cao đòi hỏi chúng ta phải có các chính sách hợp lý cho vấn đề đào tạo và sử dụng lao động. Mối liên hệ giữa đào tạo và sử dụng lao động cần phải được xác định và hoàn thiện để tránh lãng phí trong đào tạo.
 
- Người tuyển dụng lao động phải sử dụng người được đào tạo đúng chuyên môn kỹ thuật. Và đặc biệt người sử dụng lao động cần phải có trách nhiệm tham gia và hỗ trợ quá trình đào tạo.
 
Kết luận
 
Việc đào tạo các ngành, chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước hiện nay đã được Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các bộ ngành có quan tâm. Đây là lĩnh vực khoa học khó, “phục vụ công xã hội”, cần những nhà khoa học, những nhà giáo có tâm huyết với nghề. Tuy nhiên, việc làm hay “đầu ra” đang là vấn đề quan tâm của xã hội, bên cạnh đócác doanh nghiệp, các cơ quan sử dụng lao động chưa có sự phối hợp để xác định chất lượng nhân lực, quy mô nhân lực của mình cần, để từ đó đặt hàng các trường đào tạo đúng yêu cầu của mình, vì vậy cần có chính sách thu hút học sinh, sinh viên tham gia học tập ở các chuyên ngành về tài nguyên nước.Như Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Đình Tuấn, chuyên gia đầu ngành về tài nguyên nước đã từng nói: 
 
-“ Con ơi! Đừng ngại khó
Càng tránh lại càng nguy
Gặp thác lao vào thác
Nước sẽ nhường con đi…”

Tác giả bài viết: PGS. TS. Phạm Thị Hương Lan - Trường Đại học Thủy lợi

Nguồn tin: Trích Tham luận tại Hội nghị mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi