Trang nhất » Tin tức - Sự kiện » Khoa học - Công nghệ

ỨNG DỤNG HIỆU QUẢ CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NHẰM TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 24-NQ/TW VỀ CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thứ tư - 20/05/2015 11:31
Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến đến tài nguyên nước như lượng mưa diễn biến bất thường, nước biển dâng

Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến đến tài nguyên nước như lượng mưa diễn biến bất thường, nước biển dâng

Biến đổi khí hậu đang là vấn đề được nhiều người quan tâm trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với tự nhiên, hệ sinh thái và các hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội của con người. Nước biển dâng, xâm ngập mặn, bão lũ, hạn hán…đang và sẽ ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc gia.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một thách thức và là mối đe dọa tiềm tàng ảnh hưởng đến sinh kế. Biến đổi khí hậu hạn chế các lựa chọn cho sự phát triển, những nỗ lực để xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Hoa Kỳ ngày 23 tháng 9 năm 2014 với sự tham gia của 125 quốc gia, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhận định rằng: “Biến đổi khí hậu là vấn đề đã được xác định trong thời kỳ của chúng ta. Biến đổi khí hậu xác định sự tồn tại của chúng ta. Phản ứng của chúng ta sẽ xác định tương lai của chúng ta. Để giải quyết thách thức này, chúng ta cần cả thế giới cùng hành động". Ông kêu gọi tất cả các chính phủ phải cam kết đạt được một thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu ở Paris vào năm 2015, và giúp hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2oC.

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng, thể hiện qua nhiệt độ không khí trung bình tăng cao, đến năm 2100 đạt 3oC; tần suất các cơn bão ngày càng tăng và có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam; lũ lụt xảy ra khốc liệt hơn; hạn hán cũng gay gắt hơn; nước mặn thâm nhập sâu vào đất liền hàng chục km tại các vùng cửa sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp; mực nước biển dâng cao trung bình 2,5 - 3,0 cm trong 10 năm. Hơn nữa, theo kịch bản cao của biến đổi khí hậu, tới cuối thế kỷ này trung bình nước biển dâng 78 - 95cm ở nước ta. Nếu nước biển dâng như vậy thì sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập.



Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu

Nhận thức được điều đó, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã nỗ lực tăng cường năng lực, thể chế thông qua việc xây dựng và ban hành các Chiến lược, Chương trình hành động như Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược quốc gia phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, chiến lược quốc gia về tài nguyên đến năm 2020, v.v. và các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) ứng phó với BĐKH, CTMTQG sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như phê chuẩn một số hiệp ước quốc tế và hiệp định liên quan như Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH; Công ước của Liên hiệp quốc về chống sa mạc hóa; Hiệp định ASEAN về phòng chống thiên tai; v.v. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho cán bộ, nhân dân về BĐKH, lồng ghép BĐKH vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nổi bật nhất là chương trình hành động, chính sách ứng phó với BĐKH của các lĩnh vực chịu nhiều tác động của BĐKH như tài nguyên nước, cơ sở hạ tầng, giao thông, nông nghiệp và môi trường.

Ngày 02 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng với các Bộ, ngành địa phương triển khai nghiên cứu các vấn đề về biến đổi khí hậu để từ đó đề xuất giải pháp nhằm thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu thông qua việc triển khai thực hiện “Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015”.

Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015

Chương trình đã tập trung nghiên cứu các vấn đề nhằm cung cấp những kiến thức và hiểu biết về hiện tượng, bản chất khoa học của biến đổi khí hậu; xác lập cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, thiết kế hệ thống giám sát và cảnh báo sớm về khí hậu và biến đổi khí hậu, các đối tượng dễ bị tác động nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ và năng lực quản lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu; Đề xuất định hướng công nghệ, chính sách và các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu; Xác định được cơ sở khoa học cho việc tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào quy trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, trong đó chú trọng phân tích và đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường nhằm cung cấp công cụ quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.

Các đề tài của Chương trình đã tiếp cận đến đời sống thực tế sâu sát hơn, toàn diện hơn và chủ động hơn. Môi trường nghiên cứu dân chủ nhờ đó tính tranh luận, phản biện và sáng tạo tăng lên, kết quả nghiên cứu mang tính khách quan hơn và dần thoát khỏi tình trạng lý luận “suông”, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập.

Nội dung chính của Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015

Sau gần 05 năm triển khai, Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang góp phần đánh giá và dự báo các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời đó cũng là cơ sở để đề ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cho Việt Nam, thể hiện qua 05 nội dung chính của Chương trình đó là:

- Nội dung 1: Đã triển khai thực hiện 06 đề tài, tập trung nghiên cứu và đề xuất được các mô hình phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; trong đó đã nghiên cứu đề xuất được mô hình hệ thống giám sát tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất điều chỉnh bổ sung mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn phục vụ giám sát biến đổi khí hậu và dự báo, cảnh báo thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu; bộ tiêu chí giám sát tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn nước mặt, nước ngầm; xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên đất trong điều kiện biến đổi khí hậu.

- Nội dung 2: Đã triển khai 05 đề tài với những nội dung chính là nghiên cứu xây dựng tập bản đồ Atlas khí hậu và biến đổi khí hậu Việt Nam (đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ); nghiên cứu và xây dựng kịch bản về các hiện tượng thời tiết cực đoan trung hạn cho khu vực Việt Nam - biển đông sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu; xây dựng được mô hình mẫu thông tin khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu biến đổi khí hậu cho một số ngành và địa phương; xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam.
 
- Nội dung 3: Đã triển khai 25 đề tài, kết quả đạt được khá đa dạng như: tham gia đào tạo 15 tiến sỹ và 48 thạc sỹ; xây dựng được bộ chỉ tiêu tổn thương do lũ lụt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác các công trình thủy điện, thủy lợi; tập bản đồ mức độ tổn thương do lũ lụt trong bối cảnh biến đổi khí hậu; đã nghiên cứu chọn tạo được giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện chịu hạn (giống NC 93-4 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận tại Quyết định số 35/QĐ-BNNPTNT); nghiên cứu xây dựng mô hình nhà thích ứng với lũ lụt; mô hình giồng cát tại các tỉnh ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện gió, bão; xây dựng phương pháp đánh giá tính dễ tổn thương trên các lưu vực sông miền trung; Công nghệ neo trong đất để gia cố đê biển làm nền đường ô tô; nghiên cứu ảnh hưởng sức khỏe con người trong điều kiện BĐKH (trong lực lượng vũ trang và dân thường); Mô hình làng sinh thái ứng phó với BĐKH tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long; Mô hình đô thị ven biển có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Nội dung 4: đã triển khai 07 đề tài, tập trung nghiên cứu đề xuất các phương án giảm phát khí thải nhà kính trong một số lĩnh vực cụ thể: gạch, ngói, quản lý chất thải, quản lý sử dụng đất; xây dựng khung đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050, góp phần thu hút vốn ODA cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng vỏ kết cấu bao che của các tòa nhà đô thị sử dụng tiết kiệm năng lượng từ 10 - 15%; đề xuất cơ chế, chính sách cho Bộ Tài chính và Quốc Hội trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính đối với biến đổi khí hậu;

- Nội dung 5: đã triển khai 05 đề tài, tham gia đào tạo 4 tiến sỹ và 17 thạc sỹ. Kết quả chính của nội dung này là nghiên cứu xây dựng bộ quy trình kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất cho cây trồng chủ lực tại các vùng đồng bằng dưới ảnh hưởng của BĐKH; mô hình tính toán dự báo thay đổi năng suất cây trồng chủ lực tại đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng; xây dựng đánh giá về lợi ích kép về môi trường của các hoạt động giảm nhẹ phát thải thông qua cải thiện quản lý chất thải; các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ;

Kết quả Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015

Kết quả thực hiện đến tháng 5 năm 2015 và ước thực hiện đến hết năm 2015, có các kết quả nổi bật như sau:

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước: Các đề tài đã tập trung xây dựng phương pháp luận và tiến hành triển khai thử nghiệm hệ thống đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với vấn đề suy giảm chất lượng nước mặt lục địa; Nghiên cứu và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến sự biến đổi của tài nguyên nước, xác định khả năng bảo đảm nguồn nước đối với sự phát triển bền vững; Đánh giá hiện trạng, nguyên nhân làm gia tăng xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các nghiên cứu trên đã phần nào đề xuất được những giải pháp thích ứng phục vụ khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước đang ngày càng trở nên khan hiếm hiện nay; đã nghiên cứu đề xuất được mô hình hệ thống giám sát tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất điều chỉnh bổ sung mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn phục vụ giám sát biến đổi khí hậu và dự báo, cảnh báo thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu; xây dựng bộ tiêu chí giám sát tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn nước mặt, nước ngầm; xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên đất trong điều kiện biến đổi khí hậu.



Đối với lĩnh vực đất đai: Các đề tài đã tập trung nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với việc quản lý, sử dụng đất đai, xác định các yếu tố, chỉ tiêu đánh giá mức độ ảnh hưởng từ đó đề xuất bộ tiêu chí giám sát về tài nguyên đất đối với những khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đồng thời đề xuất Khung giám sát tài nguyên đất đối với các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn: Nhiều đề tài đã tập trung nghiên cứu và xây dựng được tập bản đồ Atlas khí hậu và biến đổi khí hậu (95 bản đồ) nhằm cung cấp những thông tin cơ bản nhất về khí hậu và biến đổi khí hậu phục vụ các hoạt động phát triển kinh - tế xã hội; Tăng cường năng lực thông tin khí tượng thủy văn trong việc đáp ứng yêu cầu thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; Xây dựng luận cứ khoa học cho việc cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam; nghiên cứu và xây dựng kịch bản về các hiện tượng thời tiết cực đoan trung hạn cho khu vực Việt Nam - biển Đông sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu; xây dựng được mô hình mẫu thông tin khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu biến đổi khí hậu cho một số ngành và địa phương; …Xây dựng được bộ chỉ tiêu tổn thương do lũ lụt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác các công trình thủy điện, thủy lợi; tập bản đồ mức độ tổn thương do lũ lụt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Đối với lĩnh vực môi trường: Một số đề tài đã tập trung nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn thành lập hành lang đa dạng sinh học nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; Nghiên cứu xây dựng mô hình nhà thích ứng với lũ lụt; mô hình giồng cát tại các tỉnh ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện gió, bão; xây dựng được phương pháp đánh giá tính dễ tổn thương trên các lưu vực sông miền trung; Công nghệ neo trong đất để gia cố đê biển làm nền đường ô tô; Mô hình làng sinh thái ứng phó với BĐKH tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long; Mô hình đô thị ven biển có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.Đã nghiên cứu đề xuất các phương án giảm phát khí thải nhà kính trong một số lĩnh vực cụ thể: gạch ngói, quản lý chất thải, quản lý sử dụng đất;

Đối với lĩnh vực nông nghiệp: Các đề tài đã tập trung đánh giá hiện trạng sản xuất, diễn biến, xu hướng tác động và mức độ tổn thất của nông nghiệp do biến đổi khí hậu; dự báo sự thay đổi về diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của một số cây trồng chủ lực (lúa, ngô, đậu tương, mía) và nuôi trồng thủy sản từ đó đề xuất các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp.Đã nghiên cứu chọn tạo được giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện chịu hạn (giống NC 93-4 đã được Bộ NN&PTNT công nhận tại QĐ số 35/QĐ-BNNPTNT); xây dựng bộ quy trình kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất cho cây trồng chủ lực tại các vùng đồng bằng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; mô hình tính toán dự báo thay đổi năng suất cây trồng chủ lực tại đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng; xây dựng đánh giá về lợi ích kép về môi trường của các hoạt động giảm nhẹ phát thải thông qua cải thiện quản lý chất thải; các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ…

Đối với lĩnh vực y tế: Một số đề tài Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe của lực lượng vũ trang và một số cộng đồng dễ bị tổn thương từ đó đề xuất các giải pháp y sinh để ứng phó.

Đối với lĩnh vực dân sinh: bên cạnh việc đưa ra các tiêu chí, thiết kế làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, đề tài đã tiến hành lắp ráp, xây dựng thử nghiệm 10 hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt và 10 hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho các hộ gia đình ở tỉnh Cà Mau.

Đối với việc đề xuất cơ chế, chính sách và đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với biến đổi khí hậu: xây dựng khung đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 đã góp phần thu hút vốn ODA cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; đã đề xuất cơ chế, chính sách cho Bộ Tài chính và Quốc Hội trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính đối với biến đổi khí hậu.

Thông qua việc triển khai thực hiện các đề tài đã huy động được trên 1.000 lượt cán bộ khoa học từ gần 100 tổ chức khoa học công nghệ trong cả nước tham gia nghiên cứu. Những kết quả quả tiêu biểu đã được công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ, kỷ yếu hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Thông qua kết quả nghiên cứu đã và đang hỗ trợ đào tạo gần 40 tiến sỹ; 100 thạc sỹ; xuất bản nhiều sách chuyên khảo thuộc các chuyên ngành có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Một trong những thành quả quan trọng của Chương trình đó là góp phần đóng góp nguồn lực, kinh nghiệm và kiến thức cùng các nhà khoa học, các chuyên gia Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XI phê duyệt và ban hành Nghị Quyết số 24-NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường  vào ngày 03 tháng 6 năm 2013. Tiếp theo đó,  ngày 23 tháng 01 năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao làm đầu mối tổ chức triển khai thực hiện. Đây chính là những đường lối, định hướng quan trọng nhất đối với các mục tiêu, hoạt động của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu cũng cần được xác định trong mối quan hệ chặt chẽ với Nghị Quyết số 24-NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Phương hướng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nhằm thực hiện Nghị Quyết số 24-NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho giai đoạn tiếp theo

Việc xây dựng và triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015 là một bước đi hết sức đúng đắn, huy động được một số lượng lớn các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu của nhiều bộ ngành, các tổ chức nghề nghiệp và mối quan tâm của  toàn xã hội trong công tác nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu. Việc tiếp tục xây dựng một chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia như vậy cho giai đoạn 2016 - 2020 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần nhận dạng một số vấn đề tồn tại trong việc triển khai các hoạt động của Chương trình giai đoạn 2011 - 2015 để khắc phục, nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, như:

- Cần xác định mục tiêu có trọng tâm, trọng điểm, từ đó xác định cụ thể các nội dung nghiên cứu và sản phẩm phù hợp, phải bao trùm được hết các khối lượng đề ra theo mục tiêu của Chương trình;

- Việc lựa chọn, tập huấn cho các đơn vị, cá nhân chủ trì đề tài cần được thực hiện thường xuyên và hiệu quả hơn để các đơn vị chủ trì, chủ nhiệm các đề tài hiểu được về khối lượng các công việc chuyên môn, thủ tục hành chính cần làm và triển khai theo đúng các quy định của Pháp luật;

- Sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện đề tài cần được tăng cường hơn nữa. Những đơn vị thụ hưởng sản phẩm các đề tài cũng cần được tham gia thực hiện đề tài, tham dự các hội thảo, toạ đàm để từng bước sử dụng sản phẩm của đề tài và triển khai thực nghiệm trong thời gian đủ dài, trước khi có thể đưa ra đánh giá về chất lượng sản phẩm và khả năng ứng dụng sản phẩm;

- Sản phẩm công bố quốc tế cần thực sự được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa để góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến đề xuất triển khai chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 -2020”, để nâng cao hiệu quả của Chương trình này cần triển khai đồng thời các giải pháp cụ thể sau:

Thúc đẩy và khuyến khích các đề tài mở mới có những kết quả, sản phẩm nghiên cứu gắn kết với các chỉ tiêu của Chương trình, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn quản lý nhà nước và hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường của các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương; đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tiễn hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường; nâng cao vai trò của Hội đồng khoa học và công nghệ của các đơn vị trong việc xác định danh mục đề tài, nội dung nghiên cứu cần ưu tiên;

Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và chỉ đạo việc thực hiện các đề tài, đáp ứng được các mục tiêu, nội dung và sản phẩm đầu ra của Chương trình; điều chỉnh, bổ sung nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình nói chung và các đề tài thuộc Chương trình nói riêng nhằm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch, chỉ tiêu đề ra;

Tăng cường việc hướng dẫn đánh giá cụ thể và phù hợp đối với kết quả thực hiện của từng đề tài, dự án thuộc Chương trình và tổ chức thực hiện hàng năm để tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình, đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng các chỉ tiêu Chương trình đề ra; phân bổ các đề tài, dự án khoa học và công nghệ một cách hợp lý và đồng đều giữa mục tiêu và nội dung của Chương trình;

Nội dung nghiên cứu, phạm vi áp dụng các đề tài, dự án khoa học công nghệ, cần cụ thể hóa được các tiêu chí, chỉ tiêu và chất lượng cần phải đạt được của mỗi kết quả, sản phẩm dự kiến; hình thành các dự án, đề tài có tính liên ngành, lĩnh vực để giải quyết các vấn đề lớn trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Tăng cường sự hợp tác nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ giữa Viện, Trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp cũng như các địa phương nhằm huy động tối đa tiềm lực trong nghiên cứu, đào tạo và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu; tạo cầu nối, gắn kết và thúc đẩy cơ chế hợp tác, đặt hàng giữa doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển hệ thống thông tin, dịch vụ khoa học và công nghệ; chủ động, tăng cường hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Yêu cầu bắt buộc đối với một số chỉ tiêu của chương trình như đăng báo, đào tạo; có cơ chế khuyến khích việc đăng báo, đào tạo, đăng ký sở hữu trí tuệ trong quá trình triển khai các đề tài nghiên cứu.

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nghiên cứu, tham gia thực hiện các nội dung của đề tài, dự án; có chính sách động viên, khuyến khích cán bộ có trình độ cao tham gia chủ trì nghiên cứu, thực hiện đề tài kết hợp bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ cán bộ khoa học trẻ.

Tăng cường công tác giới thiệu các kết quả, sản phẩm của chương trình nói chung và từng đề tài, dự án nói riêng để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn thông qua việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí trong và ngoài nước cũng như tham gia đào tạo sau đại học. Các đơn vị chủ trì đề tài cần đăng tải và cập nhật thông tin kết quả nghiên cứu của đề tài trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Đổi mới cơ chế quản lý tài chính của đề tài, trong đó, cần thực hiện hình thức khoán kinh phí thực hiện các nội dung của đề tài, dự án theo các quy định mới hiện hành.

Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang góp phần đánh giá và dự báo các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cung cấp cơ sở khoa học để đề ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Để triển khai tốt hơn nữa chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia “Khoa học và công nghệ phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 -2020” chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đối với các nội dung nghiên cứu của Chương trình từ đó có thể xây dựng, điều chỉnh mục tiêu, nội dung, sản phẩm nghiên cứu của Chương trình giai đoạn tiếp theo đáp ứng yêu cầu của thực tế hiện nay./.


Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Đắc Đồng, PGS. TS. Trần Hồng Thái, TS. Trần Bình Trọng

Nguồn tin: Tài liệu Hội thảo Khoa học và công nghệ góp phần thực hiện Nghị quyết 24/TW do Bộ TNMT tổ chức ngày 18/5/2015

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 


Ngày nước thế giới 2021
1
1
1
1
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
          1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28 29 30
2022 << 4/2023 >> 2024
LIÊN KẾT WEBSITE :
1
1
1
1
1

Thống kê

thoi trang Đang truy cập : 112

Máy chủ tìm kiếm : 19

Khách viếng thăm : 93


thoi trang cong so Hôm nay : 23044

áo khoác nữ Hàn Quốc Tháng hiện tại : 63702

áo sơ mi nữ công sở Tổng lượt truy cập : 46648842

áo khoác nữ Hàn Quốc vay dep thời trang LOZA thiết kế bộ nhận diện thương hiệu lò hơi nồi hơi rèm cửa giá rẻ Dong phuc nhom san panel Máy làm đá viên công nghiệp Máy sản xuất đá viên Máy xay đá may lam da vien cáp nhôm bọc xlpe giá treo tivi